Tài nguyên nước

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Khai thác tài nguyên nước bền vững cho TP. Đà Nẵng

Lan Anh (thực hiện) 21/11/2023 - 12:28

(TN&MT) - Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV kỳ vọng sẽ phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước thời gian tới. Nhất là đối với những địa phương chịu tác động tiêu cực của tình trạng xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu như thành phố biển Đà Nẵng.

Phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng An - Phó giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng để làm rõ vấn đề này.

3.jpg
Ông Nguyễn Hồng An - Phó giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng

PV: Thưa ông, thực hiện Luật Tài nguyên nước 2012, thời gian qua công tác quản lý, khai thác tài nguyên nước của thành phố Đà Nẵng đã gặp những khó khăn, vướng mắc gì?

Ông Nguyễn Hồng An: Luật Tài nguyên nước 2012 được thi hành đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều bất cập, chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn hiện nay.

Quy định về vai trò của cấp huyện, cấp xã trong Luật Tài nguyên nước 2012 còn khá ít so với yêu cầu thực tế. Thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể về thực hiện nội dung đảm bảo an ninh nguồn nước tại các địa phương trong bối cảnh các tác động do biến đổi khí hậu, thiên tai liên quan đến tài nguyên nước, gia tăng nhu cầu khai thác, sử dụng cũng như xả nước thải vào nguồn nước ngày càng diễn biến phức tạp.

Đồng thời, vì thiếu quy định về việc công khai thông tin, dữ liệu trong lĩnh vực tài nguyên nước nên chưa phát huy hết vai trò giám sát của cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc bảo vệ tài nguyên nước.

Quy định về việc hạn chế khai thác nước dưới đất trong Luật Tài nguyên nước 2012 đã bộc lộ một số bất cập liên quan đến việc không cấp phép mới đối với các dự án nằm trong các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất (ví dụ khai thác nước dưới đất phục vụ rửa xe vận chuyển rác, tưới cây cỏ trong các dự án khu nghỉ dưỡng, phục vụ các mục đích sử dụng nước cho tưới cây, rửa đường trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...). Điều này chưa đảm bảo nguyên tắc sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.

Đến nay, tổ chức lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vẫn chưa được thành lập theo quy định của Luật Tài nguyên nước. Điều này dẫn đến việc điều hoà, phân phối tài nguyên nước cũng như phòng chống tác hại do nước gây ra, khai thác, sử dụng nước đa mục tiêu, bảo vệ môi trường trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (là lưu vực sông liên tỉnh) thời gian qua chưa kịp thời, còn vướng mắc, chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ giữa các ngành, các cơ quan liên quan.

PV: Địa phương đánh giá như thế nào về những điểm mới trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Bộ TN&MT xây dựng lần này?

Ông Nguyễn Hồng An: Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Sở TN&MT TP. Đà Nẵng đã tham gia tích cực với vai trò là thành viên Ban soạn thảo. Các ý kiến đóng góp của Sở TN&MT đều được cơ quan soạn thảo ghi nhận, tiếp thu và bổ sung, chỉnh sửa tại các lần Dự thảo.

Sở TN&MT đánh giá cao những điểm mới đã được Ban soạn thảo tiếp thu, ghi nhận tại dự thảo Luật, đặc biệt là những quy định mới về bảo vệ và phát triển nguồn sinh thuỷ; đảm bảo an ninh nguồn nước; khắc phục tình trạng chồng chéo giữa quy định của Luật Tài nguyên nước và các luật chuyên ngành có liên quan đến khai thác, sử dụng nước.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã quy định rõ căn cứ, nguyên tắc cho việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước; giải pháp thực hiện hoạt động điều hòa, phân phối tài nguyên nước thông qua biện pháp công trình (điều chỉnh quy trình vận hành), giải pháp phi công trình thông qua việc xây dựng kịch bản tài nguyên nước, kế hoạch khai thác, sử dụng nước.

Luật cũng đã bổ sung quy định dự báo khí tượng, thuỷ văn, xu thế diễn biến lượng mưa, dòng chảy, lượng nước tích trữ tại các hồ chứa để dự báo lượng nước theo các thời kỳ trong năm nhằm chủ động kịch bản điều hòa, phân phối tài nguyên nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên khai thác, sử dụng nước.

Đồng thời, quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT, của các Bộ có liên quan, của UBND cấp tỉnh trong hoạt động điều hòa, phân phối tài nguyên nước và trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước và vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực.

3a.jpg
TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam ký kết thỏa thuận phối hợp quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

PV: Là địa phương chịu tác động tiêu cực của tình trạng xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu, TP. Đà Nẵng kỳ vọng gì khi Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được thông qua?

Ông Nguyễn Hồng An: Với Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này, sau khi thông qua, địa phương hy vọng sẽ giải quyết được các bất cập chồng chéo đã được nhận diện sau 10 năm thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012. Đồng thời, các nội dung mới đã được ghi nhận, đưa vào Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ bảo đảm điều kiện cho việc thực thi nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước, để nguồn tài nguyên nước được khai thác, sử dụng, bảo vệ hiệu quả.

Hiện nay, Quảng Nam và Đà Nẵng tiếp tục ký kết Thỏa thuận tăng cường phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng và Kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng. Điều này, cho thấy quyết tâm và nhu cầu hợp tác thực chất, toàn diện của hai địa phương trong việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Với quá trình thử nghiệm tương đối dài (từ cuối năm 2017 đến nay), trên cơ sở rút ra các bài học kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi cho rằng, sau khi Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được ban hành, Bộ TN&MT sẽ sớm xúc tiến thành lập tổ chức lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Đây sẽ là điều kiện vô cùng thuận lợi để hai địa phương thực hiện các mục tiêu quan trọng về đảm bảo an ninh nguồn nước trên lưu vực, ứng phó với thiên tai liên quan đến tài nguyên nước, bảo vệ nguồn sinh thủy, sử dụng nước đa mục tiêu, hiệu quả.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)