PGS. TS Phạm Thị Thanh Ngà: Trọn đời cống hiến cho ngành Khí tượng
(TN&MT) - Như một cơ duyên với ngành Khí tượng, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà đã dành trọn công sức và tâm huyết cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu có tầm ảnh hưởng trong nước và quốc tế về dự báo, cảnh báo hiện tượng thời tiết nguy hiểm... Trong hành trình dài ấy, chị còn đồng hành, đào tạo, dìu dắt các thế hệ sinh viên trưởng thành, phục vụ cho công tác khí tượng thủy văn của đất nước.
Cơ duyên dẫn lối đam mê
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Phạm Thị Thanh Ngà đã nuôi mơ ước được làm công việc liên quan đến Vật lý, vì vậy, chị đã đăng ký thi vào Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (Nay là Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia). Những năm đó, Nhà nước ta đang có chính sách chọn những thí sinh đạt điểm cao đi học ở Liên Xô, và Phạm Thị Thanh Ngà là một trong số các sinh viên lọt vào danh sách được chọn.
Nhiều năm lăn lộn với ngành, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, chị thấm thía một điều rằng, con đường nghiên cứu khoa học không thể trải bằng hoa hồng và nếu như không có sự dìu dắt giúp đỡ của các thế hệ đi trước cùng đồng nghiệp thì chị không thể có thành công hôm nay...
Sau một năm học tiếng Nga, đứng trước danh sách các ngành học được ấn định, Phạm Thị Thanh Ngà đã đăng ký học ngành Khí tượng mặc dù khi đó chị chưa thực sự hiểu khí tượng là gì. Việc chọn ngành nghề lúc đó, theo chị tâm sự, như là cơ duyên, nhưng chính cơ duyên này đã tạo cơ hội dẫn dắt đam mê để chị có thể cống hiến và phụng sự nhiều hơn cho đất nước trong lĩnh vực khí tượng.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Khí tượng Thuỷ Văn Odessa (Nga), chị về nước và được tiếp nhận vào công tác tại Phòng Dự báo khí tượng hạn ngắn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV), thuộc Tổng cục KTTV, bắt đầu với vị trí là dự báo viên.
Thời gian đó, được các đồng nghiệp dày dặn kinh nghiệm chỉ bảo nghiệp vụ tận tình, cùng tinh thần say mê học hỏi, chị đã "vào việc" rất nhanh chóng. Quá trình trải nghiệm thực tiễn công việc, chị nhận thức rất rõ tầm quan trọng của dự báo thời tiết, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trong hỗ trợ phòng chống thiên tai. Công việc cũng rèn cho chị tính kỷ luật nghiêm ngặt để đảm bảo các bản tin được thực hiện kịp thời, chính xác nhất có thể.
Với mong muốn nâng cao trình độ để tiếp cận những nền khoa học tiên tiến hơn trên lĩnh vực công tác, năm 2000, chị đã thi và nhận được học bổng của Chính phủ Úc, chương trình AusAID và tiếp tục học Thạc sỹ chuyên ngành Vật lý Khí quyển tại đại học Adelaide. Về nước năm 2001, chị được điều động sang Phòng nghiên cứu & Phát triển. Tại đây, chị được thử sức nghiên cứu, áp dụng những kiến thức học được sâu hơn về khí quyển và các công nghệ hiện đại radar để nghiên cứu các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa, không khí lạnh, bão nhằm hỗ trợ công tác dự báo.
Năm 2004, chị được bổ nhiệm vị trí Phó Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn ngắn, trực tiếp đảm nhiệm các nhiệm vụ dự báo bão và thiên tai, chỉ đạo công tác dự báo nghiệp vụ. Cuối 2005, lần nữa chị lại nhận được học bổng của Chính phủ Nhật Bản để học lên trình độ Tiến sĩ tại Trường Đại học Nagoya, tập trung nghiên cứu sâu hơn về các hệ thống gây mưa. Bằng những nỗ lực học tập, nghiên cứu và phục vụ, cống hiến, năm 2020, chị được bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi Khí hậu (KTTV&BĐKH).
Từ đam mê đến thực tiễn
Nói về những công trình nghiên cứu khoa học của mình, PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà cho biết, từ khi còn là dự báo viên, chị đã bắt đầu công việc nghiên cứu với những đề tài cấp cơ sở, tập trung vào dự báo mưa. Sau đó, chị dần tham gia vào các đề tài cấp Bộ với nhiề̀u nghiïn cứu khác nhau như xây dựng cơ sở dữ liệu bão từ những năm 2002, đề tài nghiên cứu về mưa lớn, đánh giá mưa từ vệ tinh.
Một nghiên cứu đặc biệt quan trọng là đề tài cấp Nhà nước về bão và liên quan đến thiệt hại do mưa lũ đi kèm với bão, được tài trợ bởi Quỹ Nafosted, đó là đề tài: "Nghiên cứu sử dụng ảnh viễn thám trong đánh giá thiệt hại của bão đổ bộ vào khu vực ben biển Trung Bộ, Việt Nam". Với nguồn kinh phí ít ỏi nhưng kết quả của đề tài đã được đăng trên tạp chí "Natural Hazards" thuộc danh mục ISI (cơ sở dữ liệu uy tín bậc nhất thế giới được quản lý bởi Viện Thông tin Khoa học (Institute for Scientific Information) tại Hoa Kỳ - nơi tập trung và cung cấp các công trình nghiên cứu, các bài báo khoa học đáng tin cậy nhất ). Đây là động lực rất lớn để chị tin rằng với đam mê và nỗ lực, sự nghiệp nghiên cứu khoa học của chị chắc chắn có thể đạt được những kết quả giá trị.
Một nghiên cứu gần đây mà chị cảm thấy có ý nghĩa thực tiễn cao là: "Nghiên cứu đánh giá và dự báo tiềm năng năng lượng mặt trời phục vụ phát triển năng lượng sạch cho Việt Nam sử dụng kết hợp công nghệ viễn thám và mô hình số trị” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp Quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020. Đây là một lĩnh vực khá mới mẻ, là đề tài nghiên cứu được chị dành nhiều thời gian, tâm huyết. Cũng vì là lĩnh vực mới nên chị đã rất kỳ công để thuyết phục hội đồng về tính khả thi của đề tài.
Thành công không thể phủ nhận là ngoài công bố quốc tế trên Tạp chí "Journal of Applied Meteorology and Climatology" thuộc danh mục ISI, kết quả ước tính bức xạ mặt trời từ vệ tinh Himawari-8 liên tục 10 phút/lần hiện nay đang được sử dụng tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, nhằm hỗ trợ dự báo sản lượng điện mặt trời phục vụ điều tiết sản xuất điện trên toàn quốc. Dữ liệu của đề tài này cũng đã được sử dụng để xây dựng "Báo cáo về tiềm năng năng lượng gió, năng lượng bức xạ cho Việt Nam" do Tổng cục KTTV phát hành. Đây được coi là nguồn dữ liệu quý, cập nhật với tần suất 10 phút, độ phân giải cao 1km và bao phủ toàn bộ đất liền Việt Nam, phục vụ cho việc quy hoạch và phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai.
Nhiều năm lăn lộn với ngành, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, chị thấm thía một điều rằng, con đường nghiên cứu khoa học không thể trải bằng hoa hồng và nếu như không có sự dìu dắt giúp đỡ của các thế hệ đi trước cùng đồng nghiệp thì chị không thể có thành công hôm nay. Chính vì vậy, chị luôn là người cầu thị, trân trọng đồng nghiệp, trân quý tài năng trí tuệ và công sức đóng góp của các nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực trẻ... Chị đã không quản thời gian, công sức đào tạo, hướng dẫn, khuyến khích thế hệ trẻ phát huy tối đa năng lực trong công tác nghiên cứu khoa học cũng như tạo điều kiện để các đề tài khoa học của nghiên cứu sinh, học viên có thể ứng dụng được vào thực tiễn.
Hiện nay, chị đang trực tiếp chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước thuộc chương trình Nghiên cứu cơ bản 562: "Nghiên cứu đặc điểm cấu trúc trường mưa trong bão và thử nghiệm xây dựng mô hình dự báo phân bố mưa trong bão cho Việt Nam bằng số liệu vệ tinh" để có thể tiếp tục nâng cao được chất lượng dự báo mưa do bão, đặc biệt do tác động của BĐKH, hoạt động của bão ngày càng phức tạp, với quỹ đạo và cường độ bất thường.
Tuy nhiên, công việc của chị giờ đây bận rộn hơn bởi chị vừa vinh dự được bổ nhiệm vị trí Viện trưởng Viện Khoa học KTTV & BĐKH (ngày 10/7/2023). Trên cương vị mới, PGS, TS Phạm Thị Thanh Ngà đã cùng với Đảng ủy Viện, tập thể Lãnh đạo Viện tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, thống nhất, lãnh đạo, điều hành mọi hoạt động của Viện với mục tiêu phát triển ổn định, ngày càng xác lập vị thế là Viện nghiên cứu hàng đầu của Bộ TN&MT về lĩnh vực KTTV và BĐKH, nhanh chóng bắt kịp xu hướng phát triển KH&CN tiên tiến để đẩy mạnh nghiên cứu chuyên sâu, nắm bắt thách thức và cơ hội phát triển nghiên cứu khoa học, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, để tiếp nối sự nghiệp phát triển ngành khí tượng, Viện trưởng Viện Khoa học KTTV & BĐKH PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà đã chú trọng xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ trẻ và lực lượng kế cận nhằm đáp ứng đòi hỏi về nghiên cứu đa ngành, công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Viện, đẩy mạnh công tác đào tạo trình độ tiến sỹ đáp ứng các yêu cầu của ngành, của Bộ GD&ĐT và đất nước.
Từ cơ duyên dẫn lối tới đam mê, đến nay, đã gần 35 năm PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà gắn bó với ngành KTTV. Khi được hỏi về những dự định mới của mình, chị cho biết, chị luôn biết ơn công việc đã lựa chọn và sẽ trọn đời đồng hành, gắn bó, vừa chung tay xây dựng và phát triển Viện Khoa học KTTV&BĐKH, vừa tập trung cho công tác nghiên cứu khoa học để phục vụ, cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước.