Kiểm soát thuốc lá để phòng ngừa hiệu quả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
(TN&MT) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa phối hợp với Diễn đàn Hiệp hội Hô hấp Quốc tế và Đại học Newcastle (Australia) công bố một báo cáo cho thấy hút thuốc lá vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh phổi phổ biến gây khó thở và cướp đi sinh mạng của hơn 3 triệu người mỗi năm. Trước thực tế đó, WHO khuyến cáo các quốc gia triển khai các biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là trẻ em.
Mối nguy từ hút thuốc lá đối với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Ước tính có khoảng 392 triệu người mắc bệnh COPD và 3/4 trong số họ sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Hút thuốc lá chiếm hơn 70% số ca COPD ở các nước có thu nhập cao. Ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, hút thuốc lá chiếm 30-40% trường hợp COPD với ô nhiễm không khí trong nhà là yếu tố nguy cơ lớn khác.
Theo Giáo sư David MG Halpin, Bác sĩ tư vấn & Giáo sư về Y học Hô hấp, Thành viên Diễn đàn Hiệp hội Hô hấp Quốc tế, bên cạnh là nguyên nhân chính gây ra tình trạng khuyết tật lâu dài, COPD còn là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ ba trên toàn thế giới. COPD do hút thuốc vẫn là một vấn đề lớn trên toàn cầu và dịch bệnh hút thuốc ngày càng gia tăng ở các nước thu nhập thấp và trung bình khi các công ty thuốc lá tích cực tìm kiếm khách hàng mới. Khoảng 80% trong số 1,3 tỷ người sử dụng thuốc lá trên thế giới hiện sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
“Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng đáng kể gánh nặng toàn cầu của bệnh COPD trong những thập kỷ tới. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để giảm tỷ lệ hút thuốc, đảm bảo những người mắc bệnh COPD được chẩn đoán càng sớm càng tốt và đảm bảo tất cả bệnh nhân trên toàn thế giới được điều trị hiệu quả”, Giáo sư David MG Halpin nhấn mạnh.
Những người mắc bệnh COPD phải đối mặt với nguy cơ mắc ung thư phổi, bệnh tim mạch và tiểu đường tuýp 2 cao hơn. Đại dịch COVID-19 càng làm rõ những thách thức trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những trường hợp này. Bỏ hút thuốc lá sẽ không chỉ làm giảm nguy cơ mắc bệnh COPD mà còn giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc các tình trạng nghiêm trọng tương tự khác.
Các phát hiện của WHO cũng cho thấy khói thuốc lá tác động nghiêm trọng đến sự phát triển phổi của trẻ em, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh COPD sau này. Ngành công nghiệp thuốc lá đã và đang tăng cường sử dụng các chiến lược tiếp thị để quảng bá các sản phẩm nicotine và thuốc lá hướng đến trẻ em và thanh thiếu niên.
“Quy mô tỷ lệ mắc bệnh và tử vong liên quan đến COPD là một mối lo ngại lớn. Chúng ta phải ưu tiên cai thuốc lá, cũng như máy hô hấp và phục hồi chức năng phổi. Đáng buồn thay, sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận chẩn đoán và điều trị vẫn tồn tại. Chúng ta cần đẩy nhanh nỗ lực lồng ghép chăm sóc các bệnh nhân mắc COPD vào chăm sóc ban đầu ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi 3/4 số người mắc bệnh COPD sinh sống”, Tiến sĩ Bente Mikkelsen, Giám đốc phụ trách các bệnh không lây nhiễm của WHO giải thích.
Cùng hành động để kiểm soát thuốc lá hiệu quả
Đề xuất giải pháp kiểm soát thuốc lá để ngăn chặn ảnh hưởng của nó đến COPD, Tiến sĩ Ruediger Krech, Giám đốc Bộ phận Xúc tiến Y tế của WHO cho biết: "Bây giờ là lúc phải hành động. Các chính phủ phải thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là trẻ em. Bảo vệ giới trẻ của chúng ta và nâng cao nhận thức về các chiến thuật tiếp thị lừa đảo của ngành công nghiệp thuốc lá là ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến chống thuốc lá toàn cầu”.
Tại Việt Nam, hiện nay, số người trẻ hút thuốc lá vẫn tiếp tục gia tăng dù đã có nhiều lời cảnh báo về những tác hại khôn lường đến sức khoẻ. 90% ca ung thư phổi liên quan tới thuốc lá, nguy cơ ung thư phổi từ hút thuốc lá thụ động từ 20 - 30%.
PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, qua thực tế lâm sàng, tại bệnh viện có rất nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch do tác hại của khói thuốc. Có bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) phải đặt nội khí quản, thở máy tốn rất nhiều tiền. Sau thời gian nằm viện, bệnh nhân lại tiếp tục hút thuốc lá và bị đợt cấp phải nhập viện điều trị. Theo Bệnh viện Bạch Mai, ngừng hút thuốc là một biện pháp điều trị quan trọng nhất trong điều trị COPD.
Trong khi đó, để phòng ngừa COPD, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đề xuất bỏ thuốc lá và tránh xa các chất kích thích. Theo Trung tâm, hút thuốc là yếu tố nguy cơ chính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Một số nghiên cứu cho thấy, những người hút thuốc có nguy cơ mắc COPD cao hơn 10 lần so với những người không hút thuốc. Có tới 80-90% bệnh nhân COPD hút thuốc và gần 50% người hút thuốc lâu năm bị COPD. Hút thuốc lá thụ động cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Vì vậy, cách hiệu quả nhất để phòng ngừa COPD là nói không với hút thuốc lá (chủ động và thụ động).
Tại Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chiếm tỷ lệ cao nhất tại các khoa bệnh phổi. Năm 2022, bệnh viện đã điều trị và quản lý gần 500 trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, quý I năm 2023 có 289 trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
BSCKI. RMah Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trong thuốc lá chứa khoảng từ 6.000-7.000 chất hóa học, khi hít phải sẽ gây tình trạng phá hủy cấu trúc của phế quản dẫn đến tình trạng bệnh lý của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Hút thuốc lá làm cho các yếu tố nguy cơ khác của bệnh này trở nên mạnh hơn. Đặc biệt, những người hút thuốc lá bị ảnh hưởng xấu hơn bởi ô nhiễm môi trường, nhiễm trùng và phơi nhiễm với các chất khói độc so với người không hút thuốc lá. Người hút thuốc lá có tỉ lệ tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc lá.
BSCKI. RMah Lương cho rằng để phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, những người đang hút thuốc lá nên bỏ thuốc lá sớm khi có các triệu chứng xuất hiện. Những người không hút thuốc lá không nên tiếp xúc với khói thuốc lá, bởi khi tiếp xúc với khói thuốc lá có thể gây nên các bệnh về đường hô hấp.