Hợp tác công – tư phòng chống kháng kháng sinh, giảm dư lượng kháng sinh trong môi trường
(TN&MT) - Chiều 18/11, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Lễ mít tinh “Huy động hợp tác Công –Tư trong phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi”. Sự kiện nhằm hưởng ứng tuần lễ Kháng kháng sinh năm 2023 ( từ ngày 18 – 24/11/2023).
Trong khuôn khổ Khung đối tác Một sức khoẻ về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người do 3 Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế đồng chủ trì, mục tiêu phòng chống kháng kháng sinh là một nội dung đặc biệt quan trọng. Nguyên nhân do các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tình trạng kháng thuốc kháng sinh (AMR) đang gia tăng và trở thành một trong các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu cấp bách nhất.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Tây Thái Bình Dương xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kháng kháng sinh giai đoạn 2013 - 2020. Năm 2021, Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, dù đã và đang thực hiện kế hoạch hành động về kháng kháng sinh, Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những quốc gia có tỷ lệ AMR cao nhất ở châu Á.
Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế tại Việt Nam cần tiếp tục tăng cường phối hợp với nhau trong công tác phòng, chống kháng kháng sinh. Do con người, động vật, thực vật và môi trường có mối liên hệ qua lại với nhau, việc phối hợp cần dựa trên cách tiếp cận một sức khỏe, trong đó nhấn mạnh tới sự phối hợp với đối tác tư nhân trong công tác phòng chống KKS trong nông nghiệp, đặc biệt là trong chăn nuôi.
Bày tỏ lo ngại về việc thổi phồng công dụng to lớn và an toàn của kháng sinh cho người và trong nông nghiệp, ông Randolph Augustin, Giám đốc Văn phòng Sức khỏe, USAID cho rằng: Khi sử dụng không đúng cách, những loại kháng sinh này có thể thúc đẩy sự phát triển của các vi sinh vật kháng thuốc, sau đó chúng sẽ ảnh hưởng đến con người thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua chuỗi thức ăn hoặc thải ra môi trường. Điều này có thể có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đến nền kinh tế quốc gia và toàn cầu thông qua thương mại; ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu.
USAID hiện đang hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động nhằm gắn kết các nhà lãnh đạo chính phủ và các công ty sản xuất chăn nuôi gia cầm bằng cách vận động lan tỏa các các nguyên tắc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, huy động doanh nghiệp tham gia áp dụng các nguyên tắc quản lý sử dụng kháng sinh dựa trên cơ sở khoa học, giúp giảm nhu cầu sử dụng kháng sinh trong khi vẫn tăng sản lượng, chất lượng chăn nuôi.
Đại diện Văn phòng FAO tại Việt Nam, ông Nguyễn Song Hà cho biết: FAO đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để đảm bảo phổ biến thích hợp các quy định mới về sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, cũng như giám sát sự hiện diện của tình trạng kháng kháng sinh ở động vật và thực phẩm. Việc khuyến khích sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trong chăn nuôi sẽ giúp giữ cho môi trường và thực phẩm không có dư lượng kháng sinh và vi khuẩn kháng kháng sinh.
Tại sự kiện, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, việc triển khai hiệu quả các giải pháp kháng kháng kháng sinh sẽ là động lực tăng giá trị thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời, khẳng định cam kết trong việc chung tay cùng Chính phủ thực hành tốt phòng chống kháng kháng sinh trong nông nghiệp, coi đây là một phần trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, các hoạt động hợp tác công - tư sẽ giúp thúc đẩy thực hiện các ưu tiên và nhiệm vụ của Chính phủ về phòng chống kháng thuốc nói chung và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi nói riêng trong thời gian tới. Qua đó, góp phần đạt được mục tiêu đề ra trong Khung đối tác Một sức khoẻ về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người của Việt Nam.