Ngành TN&MT

Kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững

Khánh Ly - Hoài Thu 16/11/2023 - 20:14

(TN&MT) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 do Bộ TN&MT tổ chức ngày 16/11, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã có nhiều tham luận về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Đa phần các ý kiến chia sẻ, thay vì các hoạt động kinh tế tiêu thụ nhiều tài nguyên và nguy cơ ô nhiễm cao trước đây, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng mới, hiệu quả cao, hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện các cam kết về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trung hòa các bon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Báo TN&MT giới thiệu một số ý kiến tại Diễn đàn:

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam: Thúc đẩy các giải pháp kinh tế tuần hoàn vì mục tiêu phát triển bền vững

anh-1.jpg

Khi hướng tới Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), chúng tôi tin rằng việc xây dựng một thế giới bền vững, ít các-bon, toàn diện và thịnh vượng vào năm 2030 không chỉ khả thi mà còn cần thiết. Điều này đòi hỏi một bước nhảy vọt về đầu tư để kích hoạt ba yếu tố hỗ trợ chiến lược, bao gồm: Thiết kế sản phẩm, công nghệ số - đổi mới và nguồn nhân lực.

Khoảng 80% tác động môi trường có thể được xác định ở giai đoạn thiết kế sản phẩm và nền kinh tế tuần hoàn yêu cầu đưa khái niệm “thiết kế” vào cốt lõi. UNDP khuyến nghị áp dụng lộ trình thiết kế sinh thái, bao gồm các sản phẩm ưu tiên như bao bì, nhựa, dệt may và điện tử, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và lớn; cùng với các chính sách về "mua sắm công xanh" nhằm thúc đẩy sức mua của chính quyền địa phương và trung ương.

Việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số và đổi mới không chỉ mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp tuần hoàn để phát triển (chẳng hạn như hệ thống chia sẻ và tái sử dụng, tìm nguồn cung ứng tái chế hiệu quả hơn và quản lý chuỗi giá trị thông minh), mà còn thu hút tài chính dưới các hình thức ODA, vốn đầu tư hoặc quan hệ đối tác công tư. Trong lĩnh vực này, Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi, đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến.

Chuyển đổi tuần hoàn là một phương tiện đầy hứa hẹn để nâng cao nguồn nhân lực, tái cơ cấu thị trường lao động theo hướng giảm thiểu lực lượng lao động chi phí thấp, tay nghề thấp. Các ngành công nghiệp tuần hoàn có thể tạo ra việc làm bền vững, bằng cách thúc đẩy đổi mới, tăng khả năng tiếp cận giáo dục và đào tạo có chất lượng, bảo vệ người lao động trước các rủi ro như điều kiện làm việc độc hại hay thất nghiệp. UNDP đang hỗ trợ các gói công việc mang tính xã hội bao trùm, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hướng đến các cơ hội thương mại xanh, thúc đẩy kỹ năng và các mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Ông Christian Kaufholz, Giám đốc Chương trình Hợp tác Hành động toàn cầu về Nhựa (GPAP), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF): Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn nhựa

1.png

Trong vòng 30 năm qua Việt Nam có sự phát triển kinh tế rất mạnh mẽ, có sự tham gia đầu tư của khu vực công và tư. Tuy vậy, sự gia tăng đáng kể về tiêu dùng kéo theo rác thải nhựa cũng gia tăng, với 3,7 triệu tấn nhựa sau tiêu dùng mỗi năm.

Với những sáng kiến mạnh mẽ nhằm giải quyết các thách thức từ nhựa, Việt Nam đang là 1 trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới tác động đến tuần hoàn, xử lý tác động của nhựa, giúp hành tinh phát triển bền vững hơn, tạo công ăn việc làm cho người lao động liên quan trong lĩnh vực này.

Năm 2020, Việt Nam đã tham gia vào GPAP. Chương trình đối tác toàn cầu về nhựa (NPAP) tại Việt Nam có hơn 200 tổ chức đối tác tham gia từ cơ quan Chính phủ đến khu vực tư nhân. NPAP đã đưa ra lộ trình thực hiện chương trình hành động quốc gia xử lý nhựa của Việt Nam, thúc đẩy các nguồn lực thực hiện mục tiêu này. Để chuyển hóa nội dung, hoạt động, bao trùm trong kinh tế tuần hoàn nói chung, vấn đề tuần hoàn nhựa rất quan trọng.

Tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan có những hoạt động đầu tư chiến lược, hiện thực hóa nhanh chóng chương trình chống ô nhiễm nhựa trong thời gian tới. Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò dẫn dắt lãnh đạo và cam kết cho các quốc gia khác noi theo. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực này.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam: Hợp tác công - tư để để triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn

img_6267(1).jpg

Nhờ các nỗ lực trong nhiều năm qua, đến nay, Unilever đã đạt tỷ lệ 63% bao bì tái chế, cắt giảm 52% nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì nhờ cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái chế.

Tháng 2/2020, Bộ TN&MT và 30 doanh nghiệp đã tiên phong ký kết Sáng kiến hợp tác công - tư trong xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn quản lý rác thải nhựa, nhằm quản lý vòng đời sản phẩm, nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên quy mô toàn quốc. Các thành viên là các bên khác nhau trong vòng tuần hoàn nhựa: các cơ quan nhà nước, các nhà tái chế, đơn vị thu gom, Hội phụ nữ, đoàn thanh niên, các đối tác phân phối bán lẻ. Nhờ sự chỉ đạo và ủng hộ của Bộ TN&MT, trong 3 năm qua, các bên đã cùng thu gom, tái chế hơn 25.000 tấn rác thải nhựa, đóng góp trong xây dựng và triển khai chính sách EPR cho doanh nghiệp, người dân. Quan trọng hơn là cải thiện đời sống cho hơn 2.500 lao động ve chai, và triển khai truyền thông phân loại rác tới gần 12 triệu người dân.

Để thay đổi quan hệ chiến lược nền kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững hơn, chúng ta phải giải phóng được giá trị mà chúng ta đang tiêu phí. Liên quan đến phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường, nhờ sự chỉ đạo và ủng hộ của Bộ TN&MT, kinh tế tuần hoàn nhựa cần được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Các hoạt động này đem lại hiệu quả cao chỉ khi có sự hợp tác chặt chẽ từ cơ quan nhà nước, các nhà máy thu gom, tái chế cũng như các tổ chức, các nhà phân phối.

Trong bối cảnh tăng cường kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cũng cần đầu tư cho các công nghệ tái chế hiện đại hơn, hiệu quả hơn, mang tính hệ thống nhằm cải thiện vấn đề về thu gom rác và phổ biến, áp dụng công nghệ cho cộng đồng, xã hội.

Về mặt chính sách, Việt Nam cần khuyến khích cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ tái sinh, nhằm kích thích nền tuần hoàn hoạt động với quy mô lớn hơn. Việc kêu gọi huy động người dân toàn quốc tham gia phân loại rác thải tại nguồn sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu việc sử dụng nhựa và phát triển hệ sinh thái xanh cho cộng đồng tại Việt Nam.

Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank): Cam kết đồng hành về tài chính thực hiện Kinh tế tuần hoàn

img_6277.jpg

Với vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước hàng đầu, VietinBank luôn xác định trách nhiệm là đơn vị tiên phong trong thực thi các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển tín dụng xanh phát triển bền vững, sẵn sàng đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh quốc gia, sản xuất kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường. VietinBank cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận sản phẩm tài chính bền vững để ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Ngân hàng cam kết hỗ trợ triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, trong đó, cung cấp trọn gói bộ giải pháp tài chính dành cho các dự án, bao gồm: Là đại diện tư vấn thu xếp vốn cho các dự án, tư vấn mua bán sáp nhập, tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Tham gia cấp tín dụng cho các dự án thông qua các hình thức như cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu, phát hành LC…; Mở và quản lý tài khoản quản lý doanh thu, tài khoản quản lý dòng tiền trả nợ...

Các sản phẩm dịch vụ triển khai sẽ được VietinBank xây dựng với chính sách cấp tín dụng linh hoạt, hồ sơ thủ tục tinh giản, thiết kế phù hợp đặc thù ngành nhằm hỗ trợ các dự án được triển khai đúng tiến độ, kịp thời. VietinBank cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để tư vấn và giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm tài chính bền vững, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, sẵn sàng là cầu nối giữa các bên liên quan; các cơ quan quản lý; tổ chức tài chính trong và ngoài nước và các doanh nghiệp nhằm kết nối các cơ hội hợp tác trong tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó góp phần phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái tài chính bền vững tại Việt Nam.

Ông Joss Bleriot, Lãnh đạo điều hành chính sách toàn cầu, Tổ chức Ellen MacArthur Foundation: Kinh tế tuần hoàn giúp giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học

untitled.png

Khan hiếm nước, ô nhiễm - đó là điều yêu cầu chúng ta tìm ra căn nguyên gốc rễ vấn đề, thực hiện KTTH thay vì kinh tế tuyến tính. Để thực hiện nguyên tắc căn bản của KTTH, giảm chất thải và ô nhiễm sẽ giúp chúng ta tránh đe dọa từ mất đa dạng sinh học và gia tăng các chất độc hại. Điều này cần được thực hiện trong toàn bộ chuỗi tài nguyên đầu vào, sản xuất, chế biến và tiêu dùng. Khi chúng ta giảm thiểu việc sử dụng này, chúng ta sẽ có sự tham gia của rất nhiều ngành nghề đa dạng, tiếp cận liên ngành tối ưu hóa sử dụng tài nguyên,

Khôi phục đa dạng sinh học, hệ sinh thái, đảm bảo tài nguyên thiên nhiên có thể được bảo vệ, và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo. Quá trình này đòi hỏi những khung khổ mang tính tích hợp và tổng thể, liên quan tới quy trình, thay đổi mô hình phát triển trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng; xây dựng chiến lược, hoạch định chính sach. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tham gia và hợp tác mạnh mẽ chuỗi giá trị, hợp tác để có tái chế chất lượng cao.

Thời điểm hiện tại đã chín muồi để thực hiện các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu Công ước khung về đa dạng sinh học toàn cầu. Trong đó, KTTH là 1 cơ chế xử lý tổn thất với đa dạng sinh học, vừa đem lại lợi ích ứng phó BĐKH, bảo vệ môi trường. Kinh tế tuần hoàn không chỉ là xử lý chất thải, mà bắt đầu từ các giải pháp mang tính thượng nguồn, tác động vào chính sách, thị trường, phân phối sản phẩm và điều chỉnh nền kinh tế vận hành theo hướng tuần hoàn.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch, Quỹ Dragon Capital (DC): Nghiên cứu hình thành tín chỉ đa dạng sinh học

img_6990(1).jpg

Từ góc độ định chế tài chính đầu tư lâu năm trên thị trường, chúng tôi cho rằng, thông điệp giảm sử dụng, tái sử dụng và tái chế cần được thể hiện trong mỗi mặt hoạt động của hệ thống tài chính.

Ngành tài chính cần tuân thủ quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn, quản trị rủi ro cho hoạt động kinh doanh và chớp thời cơ đầu tư vào các lĩnh vực có cơ hội bứt phá. Trong mảng hoạt động của mình, DC tập trung vào quản trị rủi ro và cơ hội đầu tư và đưa định nghĩa knh tế tuần hoàn trong hoạt động cơ bản nhất của mình. Để quản trị hoạt động trong kinh tế tuần hoàn, cần xác định được những chi phí trong mảng hoạt động của chúng ta, từ đó mới có cách đánh giá và theo dõi nhằm áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Về mặt ký thuyết, nếu không đo đếm được thì người ra khó có thể quản trị. Điển hình là sự đa dạng sinh học trên toàn cầu. Chúng ta cần tìm ra cách thức đo đếm, quản trị thông qua nhận thức trong người dân, bằng luật, bằng sức mạnh của thị trường. DC đang phối hợp cùng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT nghiên cứu tín chỉ đa dạng sinh học. Hiện nay, đã có khoảng 100 quốc gia nghiên cứu xây dựng tín chỉ đa dạng sinh học , làm công cụ huy động tài chính hỗ trợ công tác bảo vệ đa dạng sinh học. Hưởng lợi nhiều nhất sẽ là những nước nằm trong vùng nhiệt đới như Việt Nam, đặc biệt là các khu vực vốn đang gặp nhiều khó khăn còn mảng hoang dã rộng lớn như vùng sâu vùng xa, vườn quốc gia...

Người mua tiềm năng chính là ngành du lịch và du khách; các tổ chức phát triển dự án công và tư có tác động làm mất mát đa dạng sinh học; các doanh nghiệp cam kết bảo vệ đa dạng sinh học; các tổ chức từ thiện và các nhà đầu tư tác động tới môi trường.

Khánh Ly - Hoài Thu