Văn hóa

Nậm Tek - dòng ký ức

Ghi chép của Kiên Cường 16/11/2023 - 09:24

(TN&MT) - Sông Đà - con sông huyền thoại trong thơ, ca, nhạc, họa... và ký ức những người dân xã Mường Tè, huyện Mường Tè (Lai Châu) sống nơi thượng nguồn sông Đà. Đối với họ, những thác ghềnh, bờ bãi bao đời đã in tạc vào lòng. Những kiến tạo thiên nhiên của hàng nghìn năm trước đây đã ngập chìm trong dòng nước, nhưng trong trái tim họ vẫn cồn cào nỗi nhớ mênh mang.

1. Dọc theo thượng nguồn dòng sông có nhiều dân tộc sinh sống. Mỗi dân tộc đều đặt cho Sông Đà cái tên riêng, nhưng đều có nghĩa chung là sông thiêng. Người dân tộc Hà Nhì gọi là Tè Ma, người Tống Xá gọi là Hùng Ma Pa, người Mông gọi là Đề La, người La Hủ gọi là Ừ Ní Ma... Người Thái ở xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu gọi khúc sông Đà chảy qua địa phận mình cư trú bằng cái tên Nậm Tek - dòng nước đỏ nghìn năm của đất Mường, người Thái.

6-3-.jpg
Khi có hoạt động đụng chạm đến dòng sông, người Thái đều tổ chức lễ cúng

Nậm Tek nay đã ngập chìm trong hàng trăm mét nước, nhưng người Thái vẫn mãi mãi "ghi lòng, tạc dạ" hình ảnh con sông hùng dữ và dấu ấn của con người núi rừng Tây Bắc với khát vọng chinh phục để sống hài hòa với thiên nhiên. Ông Lù Văn Hạp (90 tuổi) người dân tộc Thái, xã Mường Tè, huyện Mường Tè, chậm rãi trong dòng ký ức: Nậm Tek có nhiều thác lớn, thác có độ dốc cao đều ở đoạn sông chảy qua địa phận Mường Tè. Tùy vào mức độ nguy hiểm và dữ dội của thác mà người dân địa phương ở đây có cách gọi khác nhau như Kẻng và Tạng. Kẻng có Kẻng Mỏ, Kẻng Máu, Kẻng Laik... Tạng có Tạng Thủm, Tạng Nặm Thẳm, Tạng Laik... Tạng Nặm Thẳm là thác có độ dốc cao và dài nhất không có thuyền bè nào qua nổi.

Bởi thác gềnh ở Nậm Tek khá dữ dội nên mỗi khi di chuyển thuyền bè qua đây, người dân Thái thường truyền nhau câu hát: "Đầu thuyền đắm đừng bỏ chèo, đuôi thuyền chìm đừng bỏ dây". Sự hung dữ của Tạng Thủm trên dòng Nậm Tek khiến cho những tay thuyền cự phách nơi đây đã không ít lần "hồn xiêu, phách lạc". Và mỗi khi nhắc đến nó, người Thái lại nhắc lại bài ca dao không biết truyền từ đời nào: Thác Ma em không lo/Thác Mỏ em không sợ/Nỗi lòng lo sóng to Tạng Thủm/Gạo đầy bao cũng trôi/Gà đầy lồng cũng mất/Quả trám bùi đầy túi chẳng được ăn...

Hai bên bờ Nậm Tek là những dãy núi cao sừng sững và dốc đứng. Vào mùa mưa, thác lũ ầm ầm, Nậm Tek đục một màu đỏ thẫm. Cái màu đỏ ấy dữ dội đến mức từ nghìn đời đã là nguyên cớ thêu dệt nên bao câu chuyện huyền bí. Dòng Nậm Tek gắn bó mật thiết với đời sống kinh tế, văn hóa của các Mường dọc hai bên tả ngạn, hữu ngạn. Đặc biệt là mùa mưa, Nậm Tek ăm ắp cá tôm, người dân chỉ cần mang vợt, chài ra ven sông có thể bắt được cá chiên, cá lăng... có con nặng tới vài chục cân. Dọc bờ sông, những tảng đá dựng đứng, trong từng hốc đá là ăm ắp từng tảng mật ong vàng suộm, đặc quánh.

2. Câu chuyện giữa chúng tôi có lúc ngắt quãng, khi ấy, ông Lù Văn Hạp thường lặng im nhìn xa xăm về phía Nậm Tek, không phải ông quên mà như kẻ mộng du chìm đắm vào nỗi nhớ. Bà Lò Thị Hớn, ngồi kế bên liền tiếp lời: Đời sống của người dân ven sông chủ yếu phụ thuộc vào làm nương, ruộng. Cuộc sống nông nghiệp cũng được đi vào lời ca: "Có nương không sợ đói, có ruộng không sợ chết". Đặc biệt, dòng Nậm Tek đã trở thành dòng sông dự báo thời tiết, dự báo thời vụ cho cư dân nơi đây, nên giờ vẫn còn câu: "Nậm Tek đục hãy làm mạ, Nậm Tek Lũ hãy cấy ruộng". Vì thế nên dòng Nậm Tek, dòng nước yêu thương của bản Mường, gắn bó thiết tha như ngấm vào cơ thể mỗi con người, nơi thượng nguồn hoang dã này.

Mùa mưa, Nậm Tek hung dữ bao nhiêu thì vào cuối đông, đầu xuân, lại êm đềm, sáng xanh như mắt trẻ; làn nước mượt mà, mát dịu như làn da sơn nữ. Đêm về, màn sương mờ như bàn tay của chàng trai phủ lên, xoa nhẹ mặt sông trong ánh trăng mờ thổn thức. Vẻ đẹp hoang sơ ấy đã đi vào câu ca đầy lãng mạn, trữ tình của những con người quanh năm giữa đại ngàn bồng bềnh mây, trập trùng núi nơi đây: Gà rừng gáy ven sông/Hoa ve nở dưới nước/Nhìn đi cuối sông, núi đá qua tầm mắt/Nhìn lên đầu sông, có cây cao rừng già/Yêu nhau Nậm Mấc cạn bằng đĩa hay quên/Quý nhau Nậm Tek cạn bằng đĩa mới hết.

Nậm Tek còn là dòng sông linh thiêng với những người dân bản địa, nên hàng năm hoặc mỗi khi tổ chức các hoạt động có đụng chạm đến dòng sông, người dân đều phải sắm lễ cúng và cầu khấn. Theo quan điểm của người dân, có như vậy thì mới được thần sông phù hộ may mắn, sức khỏe, phát đạt, không gặp phải rủi ro, hoạn nạn... mới chân cứng, đá mềm vượt thác, vượt ghềnh. Lễ cúng được tổ chức vào ngày đầu năm, các Mường chọn ngày tốt để tổ chức (gọi là Sin Mường). Sáng sớm, mọi người tập trung đầy đủ ở bãi cát ven sông. Tất cả mọi người từ già, trẻ, trai, gái trong buổi lễ đều phải mặc quần áo đen. Người cúng là già làng có uy tín nhất bản. Hôm cúng là ngày kiêng của cả Mường, mọi người đều nghỉ ở nhà, không ai được ra khỏi cổng Mường, người ngoài không được vào trong Mường. Hằng năm vào trưa 30 Tết, tất cả bản, mường tập trung ra bến sông đánh trống, làm lễ thắp hương, dâng lễ vật: thịt lợn, gà, hoa quả, bánh trái... cho thần sông. Sau đó, tất thảy mọi người gội đầu, nhảy ào xuống dòng sông ngụp lặn tắm rửa, kỳ cọ thật lâu để lấy lộc cả năm.

Hoặc mỗi năm, bắt đầu vào mùa mưa lũ, dân làng chọn ngày lành mổ trâu, bò, lợn, gà làm lễ khấn bái hòn đá bạc ở giữa dòng sông, khấn vái thác dữ. Với người dân, mỗi hòn đá, thác nước đều có vị thần linh cai quản nên cúng lễ, để một năm đi qua xuôi chèo, mát mái...

1-7-.jpg
Nậm Tek nay đã trở thành hồ nước mênh mông

3. Đối với ông Lò Văn Phón - nguyên Chủ tịch UBND xã Mường Tè, Nậm Tek còn là dòng sông thể hiện ý chí quật khởi, kiên cường, bất khuất trong chống giặc ngoại xâm của dân tộc: Từ xa xưa vẫn còn truyền lại câu chuyện các Mường đã biết dựa vào thế đứng uy nghi, hùng vĩ của núi rừng bên dòng Nậm Tek để chống giặc, bảo vệ bản, mường. Chuyện ấy còn lưu truyền trong các câu ca mà ai cũng thuộc làu: "Giặc từ cuối sông lên không khiếp. Hổ từ đầu sông xuống không sợ". Người già trong bản giờ vẫn thường hay kể lại câu chuyện: Xưa kia nghĩa quân Lê Lợi đuổi giặc phương Bắc ngược dòng Nậm Tek, qua cửa sông Nậm Na, được các tạo Mường và nhân dân giúp sức, cung cấp lương thực, thực phẩm. Sau khi đuổi được giặc chạy khỏi biên giới, nghĩa quân dừng lại nghỉ chân ở Tạng Lai (Thác Lai). Tướng quân Lê Lợi đã khắc lên tảng đá to một bài văn để răn đe quân giặc, di tích đó vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay.

Giờ đây, Nậm Tek đã ngập sâu trong dòng nước để phục vụ cho lợi ích quốc gia là công trình thủy điện Lai Châu, Sơn La. Nậm Tek đã là hồ nước mênh mông cất giấu trong lòng nó những Tạng Ma, Tạng Thủm (thác lớn, thác nhỏ) những bãi bờ xanh tốt, những nếp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, những vị thần thác, thần đá linh thiêng.

Nhưng Nậm Tek không mất. Nậm Tek mãi mãi còn trong nỗi nhớ, trong niềm biết ơn một vùng đất đã lùi vào ký ức để cho công trình thế kỷ mọc lên. Người dân Nậm Tek nay đã làm sống lại những nếp xưa ở vùng đất mới như một lưu giữ tự hào. Như cái cách mà nguyên Chủ tịch UBND xã Lò Văn Phón nói với chúng tôi: Điện sáng ở đâu thì Nậm Tek còn ở đó, người dân Nậm Tek nay ở đâu thì ký ức Nậm Tek còn nguyên ở đó.

Ghi chép của Kiên Cường