Môi trường

Chung tay để có những đô thị không rác thải nhựa

Minh Thư (thực hiện) 16/11/2023 - 09:23

(TN&MT) - Chương trình Đô thị Giảm nhựa (ĐTGN) là một sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) triển khai ở cấp toàn cầu và Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tham gia thực hiện. Với mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường vào năm 2025 tại địa bàn thí điểm và tầm nhìn Không còn rác nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030, WWF làm việc với các thành phố tiên phong, xây dựng và triển khai các mô hình quản lý tốt hơn chất thải nhựa, trước khi nhân rộng ra toàn cầu. Để hiểu hơn về hoạt động của Dự án này tại Việt Nam, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Diệu Thúy - Giám đốc chương trình Giảm Nhựa, tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam).

8a.jpg

PV: Là một sáng kiến với nhiều cách làm mới trong hoạt động thực tiễn giảm nhựa tại các địa phương, xin bà cho biết những cách thức, nội dung khác biệt của Dự án này so với các chương trình truyền thống của các tổ chức nước ngoài thực hiện các dự án thí điểm trước đây, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Chúng tôi đã triển khai Dự án dựa trên nghiên cứu đầu vào về hiện trạng phát thải, sơ đồ dòng thải và tỉ lệ thất thoát rác thải nhựa (tỉ lệ rác nhựa chưa được quản lý chặt chẽ), chương trình ĐTGN đưa ra cách tiếp cận tổng thể, tối ưu hóa sự hợp tác và đề cao vai trò làm chủ của các đối tác địa phương trong việc lựa chọn các ưu tiên để xử lý các vấn đề trọng tâm nhằm cải thiện công tác quản lý rác thải sinh hoạt nói chung và rác thải nhựa nói riêng.

Dựa trên Kế hoạch hành động (KHHĐ) quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương được ban hành tại Quyết định 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019, chương trình ĐTGN đã đồng hành và hỗ trợ các địa phương xây dựng KHHĐ Quản lý rác thải nhựa trên địa bàn mình tới 2025, tầm nhìn 2030, theo đó các nội dung trọng tâm cũng được xác định như sau: Cải thiện, bổ sung, chỉnh sửa và đẩy mạnh thực thi các chính sách về công tác quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa của địa phương; Nâng cao nhận thức thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về giảm thiểu rác thải nhựa; Cải thiện hệ thống quản lý - thu gom - xử lý rác thải, tăng cường phân loại rác, thu hồi rác tái chế; Kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa trên bờ và dưới biển; Tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế, các nghiên cứu, thực hiện công tác giám sát - đánh giá... Kế hoạch này cũng xác định rõ vai trò và phân công trách nhiệm của các bên liên quan tại địa phương cùng tham gia thực hiện. Đây chính là cơ sở để chương trình ĐTGN có thể đồng hành và phát huy tối đa các nguồn lực hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính để hỗ trợ các địa phương cam kết chương trình đạt được các mục tiêu đã đặt ra.

Với cách tiếp cận linh hoạt, bài bản, chủ đề bao quát, thúc đẩy sự tham gia chủ động của các đối tác địa phương, đồng thời nhấn mạnh về vai trò chủ thể thực hiện, tiếp nhận và duy trì các kết quả đạt được, chương trình ĐTGN tạo nên những nền móng vững chắc và các bài học kinh nghiệm có giá trị để địa phương tiếp tục nhân rộng.

PV: Qua thời gian thực hiện, xin bà cho biết kết quả nổi bật của Hợp phần ĐTGN, và cho ví dụ về những địa phương triển khai tốt dự án này?

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Như đã chia sẻ, đến nay chương trình ĐTGN được thực hiện ở cấp toàn cầu với 42 đô thị tham gia, trong đó Việt Nam có 9 đô thị đã ký cam kết, ban hành KHHĐ và đang tích cực triển khai KHHĐ. Con số này cho thấy đây là một nỗ lực rất lớn của chương trình tại Việt Nam.

Các địa phương đầu tiên tham gia chương trình như Phú Quốc, Phú Yên, Thanh Khê đều đã có các kết quả rất ấn tượng, xây dựng và triển khai thí điểm 1 loạt các hoạt động như: cải thiện hệ thống thu gom; mô hình chợ giảm thiểu rác thải nhựa; thí điểm phân loại rác hộ gia đình và xử lý bằng vi sinh bản địa; xóa điểm nóng và thực hiện các biện pháp can thiệp nhằm tránh tái nhiễm; vận hành các điểm tập kết xanh; ngôi nhà xanh thu gom rác tái chế trong cộng đồng; vận hành cơ sở phục hồi tài nguyên (Material Recovery Facility - MRF); thực hiện vớt rác thủ công hoặc bẫy rác trên sông...

Các địa phương tham gia sau với lợi thế đã có các bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện chương trình ĐTGN từ các địa phương trước đó, cũng đã có những bước tiến lớn trong việc áp dụng và triển khai. Đặc biệt phải kể tới A Lưới, Huế và Côn Đảo đã rất chủ động phối hợp đồng thời đề xuất các đổi mới, sáng tạo trong các mô hình, sáng kiến từ địa phương.

4 năm qua, chương trình ĐTGN tại Việt Nam đã làm việc với hơn 160 trường học các cấp tại các địa bàn dự án, xây dựng các mô hình "Trường học không rác thải nhựa". Các đoàn thể như Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ tại tất cả các địa phương tham gia dự án đều có các hoạt động tạo thành phong trào làm thay đổi môi trường ở địa phương và mang ý nghĩa nhân văn thông qua việc "biến rác thành tiền" để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Nhiều địa phương đã chủ động nhân rộng một số giải pháp hiệu quả từ dự án với WWF ra toàn thành phố bằng nguồn lực của địa phương như điểm tập kết xanh ở Đà Nẵng, phân loại rác tại nguồn ở Tân An hay ngư dân mang rác về bờ ở Đồng Hới... Tại Phú Quốc và Huế, gần 60 doanh nghiệp lớn nhỏ đã hưởng ứng nỗ lực giảm nhựa thông qua việc thay đổi vận hành hoạt động doanh nghiệp và giáo dục nhân viên, đặc biệt tham gia góp ý kiến cho chính quyền thành phố trong các chính sách và chương trình liên quan đến quản lý rác thải rắn nói chung và rác thải nhựa nói riêng.

Các kết quả này trong thời gian tiếp theo chắc chắn sẽ tiếp tục được nhân rộng hơn nữa với sự tiếp nhận và chủ động triển khai bởi chính quyền và các bên liên quan tại địa phương, đặc biệt là khi họ nhìn nhận và đánh giá được toàn diện về hiệu quả và sự thành công của chương trình.

8b.jpg
Mô hình Trạm tập kết xanh tại Hàm Ninh, Phú Quốc

PV: Theo bà, những nhân tố nào có tính chất quyết định làm nên sự thành công của chương trình ở các địa phương đã được chúng ta triển khai dự án?

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Tôi cho rằng, sự chủ động và tích cực của địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng bởi Chương trình hay Dự án từ các tổ chức quốc tế như WWF chỉ đóng vai trò bổ trợ và đồng hành. Nếu như không có sự vào cuộc của cả bộ máy chính quyền cũng như sự đồng lòng, chung tay nỗ lực từ tất cả các bên liên quan, chương trình ĐTGN sẽ không thể có được các kết quả và con số ấn tượng như vậy, cũng như những bước tiến xa trong việc thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng đối với việc giảm thiểu thất thoát rác thải nhựa ra môi trường.

PV: Từ kinh nghiệm của dự án này, bà có khuyến nghị gì cho hoạt động giảm nhựa tại các đô thị của Việt Nam?

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy:

Giảm thiểu rác thải nhựa là một trong những hoạt động quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường ở cuộc sống hiện đại ngày nay và không thể tách rời với công tác quản lý rác thải sinh hoạt nói chung. Cuộc sống càng hiện đại, mức độ đô thị hoá càng tăng thì càng đi kèm với hệ số phát thải rác sinh hoạt và rác thải nhựa lớn. Do đó, để có thể chủ động trong bài toán về quản lý rác và giảm rác nhựa, tôi hi vọng các đô thị tại Việt Nam có thể dành nguồn lực về tài chính và chất xám để đầu tư cho công tác phân loại – thu gom riêng rác thải và định hướng xử lý các loại rác riêng một cách phù hợp và bài bản cho địa phương mình.

Điều đó không chỉ là phù hợp với Luật Bảo vệ Môi trường Việt Nam 2020, mà còn giúp giảm tải cho các bãi rác địa phương, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời thu hồi và tận dụng các loại rác tài nguyên, tăng cường kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải từ đầu nguồn và thúc đẩy tiêu dùng xanh trong cộng đồng.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Minh Thư (thực hiện)