Ngành TN&MT

Lạng Sơn: Hướng tới mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng

Hoàng Nghĩa 14/11/2023 - 13:06

(TN&MT) - Xác định khí tượng thủy văn (KTTV) đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tài nguyên, môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm chú trọng triển khai công tác KTTV với nhiều giải pháp cụ thể.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT Lạng Sơn, UBND tỉnh đã chú trọng phổ biến Luật Khí tượng thủy văn 2015, tổ chức Hội nghị triển khai tuyên truyền thi hành Luật; lồng ghép công tác tuyên truyền tại các hội nghị tập huấn về bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH, phòng chống thiên tai hàng năm cho đoàn viên, hội viên thuộc các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, cán bộ, công chức cấp huyện, xã và người có uy tín cùng tham gia nắm bắt các thông tin thường xuyên về dự báo KTTV, cảnh báo thiên tai, chủ động phòng cống thiên tai (PCTT), thích ứng với BĐKH.

db6434f733d1e58fbcc0.jpg
Cán bộ Đài KTTV Lạng Sơn làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.

Thông qua hoạt động tuyên truyền, nhận thức về công tác KTTV, PCTT trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa - hiện đại hóa ngày càng được nâng cao, từng bước tạo ý thức xây dựng lối sống thân thiện môi trường, thúc đẩy tiêu dùng xanh, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ưu tiên sử dụng các nguồn nguyên liệu có thể tái chế, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó BĐKH.

Hiện nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có 9 trạm KTTV, gồm 3 trạm thủy văn, 6 trạm khí tượng thuộc mạng lưới trạm KTTV Quốc gia do Đài KTTV tỉnh thuộc Đài KTTV Khu vực Đông Bắc quản lý; 4 công trình hồ chứa thủy điện và 96 công trình đập, hồ chứa thủy lợi lớn và vừa thuộc đối tượng các công trình phải thực hiện quan trắc KTTV.

UBND tỉnh đã thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ, quy định trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động KTTV, bảo đảm tính chặt chẽ, tuân thủ các quy định của pháp luật. Đồng thời, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ, cung cấp và trao đổi thông tin, dữ liệu KTTV, từng bước hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai được thực hiện đúng quy định, đảm bảo truyền tin kịp thời đến cơ quan, đơn vị, nhân dân trong tỉnh để chủ động ứng phó, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trên toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Trực - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn cho biết: Xác định nhu cầu về thông tin, dữ liệu KTTV ngày càng gia tăng và trở nên cấp bách trong các hoạt động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, quản lý, bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, đề án Xây dựng mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng trên địa bàn tỉnh là một trong những danh mục dự án ưu tiên nhằm thích ứng với BĐKH. Mục tiêu của đề án nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia, đáp ứng nhu cầu thu thập và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản về KTTV trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2019 đến nay, Sở TN&MT tỉnh đã rà soát, kiểm tra hiện trạng việc quản lý, bảo vệ hành lang kỹ thuật các công trình KTTV thuộc mạng lưới trạm KTTV Quốc gia. Qua đó, yêu cầu Đài KTTV khu vực Đông Bắc chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, phê duyệt phương án cắm mốc, công khai mốc giới hành lang kỹ thuật công trình KTTV đối với tất cả các Trạm KTTV. Chỉ đạo các Trạm KTTV quản lý sử dụng đất đúng mục đích, không để lấn chiếm và không được cho thuê lại; thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, kiểm định thiết bị đo quan trắc của Trạm; kịp thời báo cáo cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố liên quan đến công trình Trạm…

Đồng thời, tăng cường năng lực cho mạng lưới quan trắc, trạm quan trắc KTTV chuyên dùng hiện có theo hướng phân bố hợp lý phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên; hoạt động ổn định, lâu dài, đáp ứng đủ, kịp thời số liệu dự báo KTTV, giám sát BĐKH, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý, phòng chống thiên tai, dự báo cảnh báo KTTV, ứng phó BĐKH, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, với các hồ chứa lớn, vừa và nhỏ, Lạng Sơn sẽ xây dựng, lắp đặt các trạm đo mưa trên lưu vực, trạm đo mực nước tại thượng lưu đập tràn xả lũ. Đối với 11 hồ, đập dâng có chiều cao trên 5m, xây dựng, lắp đặt trạm đo mưa, trạm đo mực nước thượng hạ lưu tại đập tràn.

Giai đoạn 2026 - 2030, từng bước hoàn thành trang bị hệ thống giám sát, đo đạc tự động đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo, bảo đảm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Tuy nhiên, là tỉnh miền núi biên giới, kinh tế còn nhiều khó khăn, Lạng Sơn đang cân đối, bố trí các nguồn kinh phí để sớm triển khai đề án và các nội dung kế hoạch đã đề ra.

Hoàng Nghĩa