Văn hóa

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa làm việc với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế

Tin, ảnh: Đỗ Trưởng (TTXVN) 14/11/2023 - 08:51

Ngày 13/11, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã làm việc với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế về công tác bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hóa thế giới, cũng như kết quả thực hiện Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.

Chú thích ảnh
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc có Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao những thành tựu phát triển chung mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được; trong đó có việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Thừa Thiên - Huế là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi định đô của các triều đại phong kiến và hiện nay còn giữ gìn được hệ thống Kinh thành Huế với nhiều di sản vật thể và phi vật thể của triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận, cho thấy tầm vóc, giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa mà địa phương đang có.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế với chức năng, nhiệm vụ của mình làm tốt hơn công tác nghiên cứu, bảo tồn, tu bổ và phát huy hệ thống di sản đồ sộ mà tiền nhân đã để lại. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế thuận lợi nhằm tạo nguồn lực cho Thừa Thiên - Huế đầu tư trùng tu di sản. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cần ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ số để quảng bá, khai thác tốt hơn nguồn tài nguyên di sản văn hóa phong phú…

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung nhấn mạnh, qua hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, Trung tâm đã trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện, tạo nên thương hiệu là đơn vị bảo tồn di sản hàng đầu của Việt Nam. Hàng trăm công trình di tích đã được tu bổ, phục hồi trong đó có nhiều công trình cung điện, lăng tẩm lớn, có giá trị tiêu biểu cả về lịch sử và nghệ thuật. Các di sản văn hóa phi vật thể được chú trọng nghiên cứu bảo tồn bài bản và phát huy hiệu quả. Bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt.

Chú thích ảnh
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa xem bản đồ “Đại Nam nhất thống chí” tại Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Về Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, địa phương hiện đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 (2019 - 2023) của Đề án với việc di dời khoảng 5.190 hộ dân; bố trí đất tái định cư đúng đối tượng và đang triển khai hạng mục dọn dẹp vệ sinh, hoàn trả mặt bằng sau khi di dời dân cư. Với sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai giai đoạn 2 (2023 - 2025) của Đề án, di dời 1.287 hộ dân tại 19 khu vực, với tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 664 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, hiện nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí cho giai đoạn 2 của Đề án 300 tỷ đồng, còn lại khoảng 364 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý ngân sách Trung ương tiếp tục hỗ trợ 50% phần còn lại. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách tỉnh đang tập trung đầu tư cho các dự án quan trọng, cấp bách khác, UBND tỉnh đã báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ thêm vốn ngân sách trung ương 200 tỷ đồng, 164 tỷ đồng sẽ sử dụng vốn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Tin, ảnh: Đỗ Trưởng (TTXVN)