Xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi)

Cần khắc phục những bất cập, vướng mắc, tạo nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội tại Quảng Ninh

Phạm Hoạch 12/11/2023 09:18

(TN&MT) - Việc sửa đổi Luật đất đai năm 2013 là hết sức cần thiết, trong đó cần tập trung khắc phục những bất cập, vướng mắc trong quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo sự đồng bộ giữa các Luật, Bộ Luật. Thông qua đó, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn TX.Quảng Yên nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.

anh-qy-01.jpg
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND TX.Quảng Yên

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013 đã phát sinh những vướng mắc và tồn tại nhiều bất cập là chưa có sự thống nhất với Bộ Luật dân sự, Luật đấu thầu, Luật Xây dựng. Cụ thể như, một số quy định trong Luật Đất đai chưa tương thích với Luật Đấu thầu. Luật Đất đai chưa quy định rõ đã đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật đấu thầu rồi có phải đấu giá quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai không.

Một số quy định của Luật Đất đai chưa tương thích với Bộ luật Dân sự, về trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất quy định tại Điều của 191 Luật Đất đai. Tại khoản 3 Điều 191 của Luật Đất đai quy định: “Hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa” mâu thuẫn với quy định về quyền thừa kế của pháp luật dân sự. Bên cạnh đó, quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư còn khá phức tạp, mất nhiều thời gian thực hiện và khiến nhiều người dân còn khiếu nại.

Cụ thể như, công tác giải phóng mặt bằng quy định tại Điều 62 và Điều 73 của Luật Đất đai còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng giữa dự án phát triển kinh tế và dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cụm từ “phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” trong Điều 62, Luật Đất đai 2013 có thể áp dụng vào bất kỳ dự án nào, trên thực tế rất khó phân định rạch ròi thế nào là áp dụng pháp luật đúng.

Bên cạnh đó, theo chính sách pháp luật đất đai năm 2013: Đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định tại khoản 6, Điều 103 Luật Đất đai năm 2013 được xác định là nhóm đất nông nghiệp. Khi Nhà nước thu hồi đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền theo giá đất trồng cây lâu năm thì còn được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất và hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Nhưng khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở, người dân phải nộp tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp. Điều này dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và không tạo được đồng thuận của người dân khi Nhà nước thu hồi đất.

anh-qy-04.jpg
Luật Đất đai sửa đổi tạo nguồn lực đất đai góp phần phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Còn tại Điểm a Khoản 1 Điều 79 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở; trường hợp không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì Nhà nước bồi thường bằng tiền”. Quy định nêu trên chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng thực hiện; nhất là với những người dân từ địa phương, khác đến mua đất ở, nhà ở trên địa bàn nhưng họ không đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa bàn đó. Khi nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, mặt dù những trường hợp này không còn nhà ở, đất ở nào khác trên địa bàn xã, phường nhưng việc xác định điều kiện để hỗ trợ, tái định cư còn gặp khó khăn do trường hợp này không phải người địa phương.

Mong rằng việc sửa đổi Luật đất đai năm 2013 lần này, cần tập trung khắc phục những bất cập, vướng mắc trong quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo sự đồng bộ giữa các Luật, Bộ Luật, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới.

Phạm Hoạch