Xây dựng Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu
(TN&MT) - Huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó đạt được kết quả quan trọng trong lộ trình xây dựng địa phương trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh Quảng Ninh, từ đó tạo sinh kế và thu nhập ổn định cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để làm rõ nội dung này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phỏng vấn ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ.
PV: Thưa ông, Ba Chẽ được biết đến là địa phương có nhiều giải pháp hữu hiệu về phát triển kinh tế gắn với công tác giảm nghèo, xin ông khái quát những kết quả đạt được trong thời gian qua?
Ông Khiếu Anh Tú: Với sự nỗ lực quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và dân tộc huyện Ba Chẽ đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, sáng tạo lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm, có nhiều đổi mới, đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng giá trị sản xuất của huyện đạt 18,7%/năm; tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 43,5%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 33,3%; thương mại - dịch vụ chiếm 24%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch dần theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ dần tỷ trọng ngành nông nghiệp.
Trong đó, bình quân mỗi năm huyện trồng mới được hơn 3.300ha rừng, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 72,2%, đưa Ba Chẽ trở thành địa phương đứng đầu toàn tỉnh về công tác phát triển rừng. Cùng với đó, huyện tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm chủ lực, như ba kích tím, trà hoa vàng đều là những sản phẩm nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu của Ba Chẽ, phấn đấu trở thành một trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với đó, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM, NTM nâng cao của huyện miền núi Ba Chẽ đạt nhiều kết quả nổi bật. 7/7 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt NTM nâng cao, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, huyện đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021- 2025. Với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Ba Chẽ phấn đấu năm 2023 thu nhập bình quân đầu người ước đạt 72 triệu đồng, tăng 67,3 triệu đồng so với năm 2010. Đến nay, huyện không còn hộ nghèo, theo tiêu chí chuẩn nghèo của Trung ương.
PV: Để xây dựng Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu, địa phương đã triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Khiếu Anh Tú: Để phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh, huyện Ba Chẽ quyết tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả 3 đột phá chiến lược, thực hiện hệ giá trị của tỉnh với các đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, hành chính minh bạch, kinh tế phát triển, nhân dân hạnh phúc”. Trước mắt, huyện yêu cầu cấp uỷ, chính quyền các xã, thị trấn tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả, quyết tâm hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, dự toán thu chi ngân sách, kế hoạch đầu tư, phát triển theo định hướng thúc đẩy sản xuất, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân như mục tiêu đề ra cho năm 2023.
Trong đó, một trong kết quả nổi bật là công tác trồng rừng, theo đó, tổng diện tích trồng rừng hàng năm của huyện Ba Chẽ đạt 3.300 ha, trong đó diện tích trồng rừng gỗ lớn loài cây lim, lát, giổi năm 2022 đạt trên 510 ha, năm 2023 đạt trên 317 ha, diện tích cây bản địa trong 2 năm 2022 và 2023 đạt trên 1.300 ha.
Đồng thời, địa phương đã trồng mới cây dược liệu được trên 272 ha, trong đó cây trà hoa vàng 145 ha, ba kích tím hơn 49 ha, dược liệu khác là trên 78 ha. Cùng với đó, huyện Ba Chẽ duy trì và phát triển trên 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, trong đó có 5 vườn ươm quy mô doanh nghiệp, HTX và 25 vườn ươm quy mô hộ gia đình. Nhờ vậy, địa phương đã chủ động được nguồn cung ứng cây giống lim, lát, giổi để triển khai thực hiện trồng rừng gỗ lớn và các loài cây bản địa khác.
Ngoài ra, địa phương còn hối hợp với HTX Lâm nghiệp An Việt Phát triển khai thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên địa bàn các xã Thanh Lâm, Thanh Sơn, Nam Sơn, Đồn Đạc với tổng số hộ tham gia là 1.003 hộ, tổng diện tích 9.488 ha. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tích cực đưa cơ giới vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ vậy năng suất, chất lượng sản xuất đạt cao, nông dân có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng được nâng cao.
PV: Thưa ông, thời gian tới huyện có những giải pháp gì để tiếp tục phát triển rừng cây gỗ lớn gắn với cây dược liệu, tạo sinh kế bền vững cho bà con vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn?
Ông Khiếu Anh Tú: Trong thời gian tới, huyện Ba Chẽ sẽ tập trung các nguồn lực thực hiện Đề án phát triển rừng trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện. Cùng với các cơ chế chính sách, nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu.
Cùng với đó, địa phương từng bước cơ cấu lại rừng sản xuất, chuyển đổi dần các loại cây có giá trị kinh tế thấp như keo, bạch đàn sang các loài cây có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường, dần tạo vùng nguyên liệu lớn để tập trung cho chế biến sâu như cây quế, thông tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao tham gia vào chuỗi giá trị trong nước và xuất khẩu. Phấn đấu đến hết năm 2025, diện tích trồng rừng tập trung đạt trên 15.000 ha bao gồm cả rừng gỗ lớn.
Đồng thời, tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp khuyến khích, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và người dân trồng rừng gỗ lớn, rừng cảnh quan, sinh thái theo hướng phát triển du lịch và bảo vệ môi trường như lim, lát, giổi và các loài cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao như đàn hương, sồi, thông và các loài cây bản địa khác phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng theo Đề án khoanh vùng trồng rừng gỗ lớn. Duy trì độ che phủ rừng đến năm 2025 đạt trên 72% góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông!