Dự án Luật Thủ đô sửa đổi: Đề xuất giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất
Chiều 10/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô sửa đổi.
Trình bày tóm tắt Tờ trình Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ sự cần thiết ban hành luật. Theo đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 09 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) xây dựng dựa trên 05 quan điểm chỉ đạo sau:Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; Bám sát 09 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; Chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; Kế thừa, phát triển các quy định đang phát huy tác dụng tốt của Luật Thủ đô 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).
Về chính quyền thủ đô, Chính phủ đề xuất thực hiện mô hình không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội; tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố từ 95 lên 125, tỷ lệ đại biểu chuyên trách từ 20% lên 25%.
Số lượng Phó Chủ tịch HĐND cũng tăng từ 2 lên tối đa 3; mở rộng thành phần Thường trực HĐND so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của cơ quan này.
Theo phương án Chính phủ đề xuất, sẽ có thêm 2 thành phố trực thuộc Hà Nội được thành lập. Đó là thành phố logistics, dịch vụ ở khu vực phía Bắc, gồm vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, và thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học ở khu vực phía Tây, gồm vùng Hòa Lạc, Xuân Mai.
Hai thành phố được đề xuất thành lập bổ sung sẽ có đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã là tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND, UBND, đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị…
Liên quan đến những quy định về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô, dự thảo Luật đề xuất trao cho Hà Nội nhiều cơ chế đặc thù.
Như, phân quyền từ Thủ tướng cho UBND Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Chính sách này tương tự TPHCM đang thực hiện.
Về đầu tư, đề xuất của Chính phủ là cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công (tương tự cơ chế áp dụng cho tỉnh Khánh Hoà). Mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Đề xuất tiếp theo là quy định dự án TOD là một dự án tổng thể, trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô; Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền xây dựng và sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực TOD; tiền thu được sẽ đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông kết nối với đường sắt đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối đến nhà ga.
Theo thuyết minh thì TOD là một dự án tổng thể đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị gắn với các khu vực TOD dọc tuyến. Dự án TOD là dự án trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô.
Theo các quy định hiện nay (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đường sắt, Luật PPP, Luật Đầu tư công, Luật Nhà ở…) một tuyến đường sắt đô thị và các dự án đô thị, trung tâm thương mại trong khu vực xung quanh các nhà ga đường sắt sẽ bị chia thành nhiều dự án độc lập để thực hiện việc đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư. Với nhiều dự án và có các thủ tục xây dựng và phê duyệt khác nhau nên đã dẫn đến việc kéo dài thời gian xây dựng và hoàn thành một tuyến đường sắt đô thị với các dự án thương mại, công nghiệp và nhà ở xung quanh các nhà ga.
Do vậy, dự thảo Luật giải thích Dự án TOD là một dự án tổng thể đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị gắn với các khu vực TOD dọc tuyến.
Đối với chính sách tài chính, ngân sách và đầu tư, Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ tổ chức tài chính, tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần. Ngân sách Thành phố giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố để tạo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, dự án PPP, giao thông công cộng, hỗ trợ di dời cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời; tỷ lệ điều tiết cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định hằng năm phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn thu này.
Trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô; Hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Luật Thủ đô là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Việc sửa đổi Luật phải bám sát các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn về xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô…
Về việc thực hiện hình thức hợp đồng theo phương thức xây dựng -chuyển giao (BT), đề nghị Chính phủ làm rõ giải pháp khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn thực hiện hợp đồng BT, đặc biệt là việc áp dụng phương thức thanh toán bằng tiền, tài sản công, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện không để xảy ra sơ hở dẫn đến lợi dụng, gây thất thoát ngân sách nhà nước; làm rõ chủ thể có thẩm quyền xác định việc thực hiện dự án theo hình thức BT thanh toán bằng vốn đầu tư công có hiệu quả hơn việc thực hiện dự án theo hình thức đầu tư công tại khoản 1 và khoản 2 Điều 40 của dự thảo Luật (cụ thể là HĐND hay UBND Thành phố).
Về việc giao UBND thành phố Hà Nội căn cứ quy định của pháp luật về đê điều để xây dựng, phát triển đô thị hai bên sông, có ý kiến đề nghị cần rà soát, bổ sung các chính sách đặc thù, phân quyền cụ thể hơn cho chính quyền thành phố Hà Nội để xử lý được những bất cập về phát triển đô thị tại khu vực này bởi với những biến đổi lớn về địa chất, khí tượng, thủy văn và việc áp dụng công nghệ mới trong xây dựng, quản lý nguồn nước như hiện nay thì nhiều quy định của pháp luật về đê điều hiện hành không còn phù hợp với thực tế quản lý đê điều, bãi sông, hành lang thoát lũ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi được đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 10/11.