Xã hội

Tuyên Quang: Giảm nghèo đồng bộ từ khâu lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện

Doãn Xuân 10/11/2023 19:29

Tuyên Quang đang quan tâm đặc biệt tới công tác giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và giải quyết thêm nhiều việc làm cho người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, quan tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở… để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Tô Hoàng Linh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang.

PV: Thưa ông, thời gian qua Tuyên Quang đã triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, ông có thể chia sẻ kết quả bước đầu?

to-hoang-linh.jpg
Ông Tô Hoàng Linh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang

Ông Tô Hoàng Linh: Công tác giảm nghèo nói chung và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững nói riêng luôn được Tuyên Quang xác định là chương trình trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình và Chính phủ ban hành quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kịp thời tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thực hiện theo thẩm quyền. Đến nay về cơ bản hệ thống văn bản triển khai thực hiện Chương trình đã được ban hành đầy đủ để làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã xây dựng các Kế hoạch, Đề án thực hiện Nghị quyết và Chương trình giảm nghèo, tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND huyện, thành phố triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo đồng bộ từ khâu lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện. Chỉ đạo tập trung huy động nguồn lực thực hiện Chương trình giảm nghèo, gắn với các Chương trình MTQG khác đang thực hiện trên địa bàn tỉnh. Từ việc tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các Chương trình MTQG đã góp phần cải thiện đời sống, ổn định kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2023, dự kiến kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 3,71%, đạt vượt kế hoạch năm (kế hoạch đề ra 3,51%). Ước thực hiện đến hết năm 2023 không còn hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng (đạt kế hoạch đề ra).

PV: Vậy kết quả xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở tại Tuyên Quang đang thực hiện rất hiệu quả, phải không thưa ông?

Ông Tô Hoàng Linh: Đối với việc triển khai thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỉnh đã quan tâm xây dựng riêng một Đề án hỗ trợ nhà ở dột nát cho các hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2025, giao cho Uỷ ban MTTQ tỉnh chủ trì thực hiện, đến nay đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa được 5.000 nhà ở/tổng số 5.020 nhà ở, với kinh phí trên 300 tỷ đồng. Riêng dự án 5 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo năm 2023 hỗ trợ được 360 nhà/425 nhà (xây mới 167 nhà; sửa chữa 193 nhà), đạt 84,7% kế hoạch. Việc triển khai thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo đã giúp cho người nghèo sớm có nhà ở ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, yên tâm sản xuất phát triển kinh tế góp phần bảo đảm an sinh xã hội được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

PV: Thưa ông, Để triển khai sâu rộng, bám sát với điều kiện đặc thù tỉnh miền núi, lại đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh để ban hành chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo ra sao?

Ông Tô Hoàng Linh: Với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, trọng tâm là các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn khu vực nông thôn; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm, tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu đầy đủ các văn bản theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương. Ngay đầu giai đoạn 2021-2025, Sở đã tham mưu ban hành: (1) Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; (2) Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 160/NQ-CP của Chính phủ, Kế hoạch số 127-KH/TU của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; (3) Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Trong Đề án đã cụ thể hoá các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện; đồng thời các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo từng năm và giai đoạn. (4) Tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn NSNN thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đây là căn cứ để các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ kinh phí Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hàng năm và giai đoạn cho các cấp, các ngành tổ chức thực hiện. (5) Ngoài ra, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành các Quyết định phân bổ vốn Chương trình MTQG giai đoạn và hằng năm; các kế hoạch về truyền thông, kiểm tra, giám sát... nhằm thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về công tác giảm nghèo.

PV: Trong quá trình triển khai Chương trình giảm nghèo chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều mô hình điểm, gương sáng điển hình, vậy việc nhân rộng các mô hình, gương sáng trong cộng đồng, nhất là ở các vùng sâu, vàng xa, vùng khó khăn ra sao, thưa ông?

Ông Tô Hoàng Linh: Việc thực hiện nhân rộng các mô hình, dự án trong phát triển sản xuất được kế thừa thực hiện từ giai đoạn 2016 - 2020. Đến khi thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở đã ban hành các văn bản, hướng dẫn chỉ đạo các huyện, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế tại từng địa bàn để lựa chọn từng dự án phù hợp nhất, mô hình tiêu biểu sát thực với đời sống người dân, đặc biệt là người dân vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Kết quả đến nay, tỉnh đã phê duyệt 36 dự án thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, được nhân dân và doanh nghiệp hưởng ứng rất cao. Đặc biệt, các dự án đều gắn với việc tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị, nông sản chất lượng cao, gắn với thế mạnh của từng địa phương, đảm bảo thị trường tiêu thụ sản phẩm và sản phẩm OCOP.

PV: Với điều kiện tỉnh miền núi, dân cư phân tán, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, trong quá trình triển khai các chương trình, dự án lẽ lẽ đã gặp phải không ít khó khăn, thưa ông?

Ông Tô Hoàng Linh: Tuy đạt được những kết quả quan trọng nhưng công tác giảm nghèo của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: (1) Tiến độ giải ngân thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững còn chậm; (2) Hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ yếu tập trung ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (3) Địa hình các huyện nghèo đều thuộc khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, điều kiện tự nhiên và sản xuất không thuận lợi, phong tục tập quán còn lạc hậu.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên bao gồm cả yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan. Về khách quan, Tuyên Quang vẫn là một tỉnh còn nhiều khó khăn, do vậy nguồn lực chủ yếu là từ ngân sách trung ương. Tuy nhiên việc thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 được quản lý, tổ chức thực hiện theo Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG trong đó phân cấp cho cấp tỉnh ban hành rất nhiều văn bản triển khai thực hiện. Tuy nhiên, hầu hết các văn bản quy định nêu trên đều là văn bản QPPL, phải trình HĐND, UBND tỉnh ban hành và phải đảm bảo theo trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản QPPL, phải qua nhiều bước xây dựng lấy ý kiến, một số nội dung mới thực hiện, do vậy ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện.

Mặt khác nguồn vốn trung ương phân bổ năm 2022 cho địa phương chậm do vậy khi chuyển sang năm 2023 thực hiện bị dồn khối lượng công việc của 2 năm nhưng số lượng cán bộ triển khai thực hiện ở cơ sở kiêm nhiệm, do vậy ảnh hưởng đến tiến độ công việc, tiến độ giải ngân; đồng thời một số nội dung của Chương trình mới triển khai ở giai đoạn 2021 - 2025 nên dẫn đến thiếu kinh nghiệm trong triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở.

Ngoài ra, Tuyên Quang là tỉnh có nhiều người dân tộc thiểu số, cư trú tại vùng nông thôn và sinh sống bằng nghề nông - lâm nghiệp nhưng có một bộ phận dân cư thiếu đất sản xuất, địa hình núi cao chia cắt, đường xá đi lại khó khăn dẫn tới chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm tăng cao khó có sức cạnh tranh trên thị trường. Tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao trong đó hộ nghèo đa chiều thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản còn lớn. Ý tôi muốn nhấn mạnh là: Điều kiện để người dân tiếp cận về y tế, giáo dục, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin khác còn bất cập.

anh-2.jpg
Anh Tráng A Vào, thôn Tiên Cốc, xã Bình An, huyện Lâm Bình làm giàu từ mô hình nuôi bò

Về nguyên nhân chủ quan: Chủ yếu tập quán canh tác còn lạc hậu, quy mô nhỏ lẻ không tập trung và còn phụ thuộc vào thiên nhiên, nông nghiệp nông thôn vẫn là ngành kinh tế chính, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch và dịch vụ còn hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Tâm lý trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ nhà nước của cộng đồng. Ngại thay đổi, bằng lòng với quy mô, năng lực hiện tại.

Sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và cơ quan chủ quản có lúc chưa chặt chẽ nên quá trình tổng hợp, báo cáo, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình còn chưa đảm bảo về tiến độ, một số nội dung của dự án, tiểu dự án còn phải điều chỉnh nhiều lần dẫn đến chậm triển khai thực hiện. Trong khi, năng lực của một số cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở còn hạn chế, chưa chuyên trách, kiêm nhiệm nhiều công việc một lúc.

PV: Vậy xin ông cho biết những giải pháp ngắn hạn và dài hạn để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của tỉnh, thưa ông?

Ông Tô Hoàng Linh: Tuyên Quang đã xác định rõ nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, có thể khái quát 6 giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong đó tập trung triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân ở các huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập; trọng tâm là thực hiện các dự án, tiểu dự án hỗ trợ tạo sinh kế, phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ việc làm bền vững, hỗ trợ chính sách để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và các chương trình mục tiêu khác giai đoạn 2021 - 2025.

Hai là, nâng cao trách nhiệm cấp ủy chính quyền các cấp trong quá trình tổ chức thực hiện, xác định mục tiêu giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo của các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ.

Ba là, hàng năm thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo để xác định đúng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo chính xác để phục vụ việc xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Trên cơ sở đó thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo theo nguyên nhân dẫn đến nghèo và mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo. Trong đó quan tâm thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp về hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm; tín dụng ưu đãi; chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ hộ nghèo thiếu đất sản xuất; hỗ trợ về nhà ở, về y tế, giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí, kiến thức cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bốn là, tiếp tục huy động bố trí sử dụng các nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Lồng ghép khi thực hiện Chương trình giảm nghèo với các Chương trình MTQG, các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nhằm huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách.

Năm là, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ, tạo điều kiện, cơ hội cho người nghèo biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống sản xuất tạo ra các sản phẩm, chuẩn hóa các sản phẩm (bao bì, nhãn mác, công bố chất lượng...) để nâng cao giá trị trên thị trường từ đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo bền vững.

Sáu là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giảm nghèo, trong đó tập trung thực hiện tốt công tác tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức phát huy tính chủ động, tham gia tích cực của Nhân dân về ý nghĩa tầm quan trọng của giảm nghèo, ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững; Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đánh giá để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chính sách giảm nghèo.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Doãn Xuân