Môi trường

Cần xây dựng các chính sách thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện

Hoài Thu 10/11/2023 - 19:26

(TN&MT) - Ngày 10/11, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện”.

img_6135.jpg
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Tuấn Anh phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các khách mời là lãnh đạo và chuyên viên đến từ các cơ quan Chính phủ: Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng… ; đại diện Đại sứ quán một số quốc gia đang có các Chương trình hỗ trợ chuyển đổi sang xe điện tại Việt Nam; các địa phương có nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi sang xe điện, các viện nghiên cứu, chuyên gia quốc tế và từ các trường Đại học hàng đầu Việt Nam cùng các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô - xe máy đang hoạt động tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Tuấn Anh cho biết, biến đổi khí hậu (BĐKH), ô nhiễm môi trường từ khí thải của các phương tiện giao thông đang là vấn đề cấp bách. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các dòng ô tô điện được coi là giải pháp giảm phát thải khí nhà kính (KNK), hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí.

Qua khảo sát cho thấy, thị trường xe điện trên toàn thế giới đang phát triển với tốc độ nhanh trong suốt những năm gần đây, với doanh số vượt trên 10 triệu chiếc vào năm 2022. Trong đó, nhu cầu xe điện cũng đang tăng mạnh tại khu vực Đông Nam Á với doanh bán xe điện chạy pin (BEV) quý 2 năm 2023 tại khu vực đã tăng hơn 8 lần nhờ nhu cầu mạnh mẽ tại Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

img_6167.jpg
Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện”

Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải, thời gian qua, Bộ GTVT đã và đang tích cực rà soát, tham mưu trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách về thúc đẩy chuyển đổi sử dụng xe điện như: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan trong giao thông vận tải; Tổng hợp xây dựng báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang sử dụng xe ô tô điện với một khung chính sách toàn diện,...

Do đó, với mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển định hướng giao thông xanh theo Nghị Quyết Đại hội XIII Đảng, Thứ trưởng Lê Tuấn Anh mong muốn rằng, Hội thảo ngày hôm nay sẽ giúp các các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cùng trao đổi rõ hơn về các quy định, chính sách hiện có, đồng thời bàn thảo kế hoạch, định hướng quản lý, thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải.

img_6139.jpg
Ông Patrick Haverman – Phó trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ông Patrick Haverman – Phó trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam nhấn mạnh về mức phát thải của ngành giao thông vận phát là đáng lo ngại, với mức thải 8 tỷ tấn, chiếm 23% tổng lượng phát thải KNK toàn cầu. Tại Việt Nam, vào năm 2020 cho thấy 37 triệu tấn CO2 trong ngành giao thông vận tải. Tuy nhiên, ông nhận thấy Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất xe điện trong nước.

“Chính phủ Việt Nam cần đẩy nhanh các chính sách cơ bản, như phát triển hệ thống trạm sạc, thắt chặt tiêu chuẩn phát thải, cùng với quy định mục tiêu bán hàng cho một số đơn vị sản xuất xe điện với số lượng phương tiện điện nhất định. Ngoài ra, các chính sách ngắn hạn như chính sách đỗ xe, quy định về những khu vực đặc thù, có thể giúp chính phủ Việt Nam đạt vượt mức các mục tiêu của mình" – ông Patrick Haverman đề xuất.

Cũng theo Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, điều quan trọng là giảm chi phí của phương tiện điện thông qua phương thức hỗ trợ tài chính, cải thiện khả năng chi trả của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Có nhiều lựa chọn chính sách khác nhau như giảm thuế, các khoản vay lãi suất thấp và trợ giá mua hàng như miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô và xe buýt điện,…

img_6156.jpg
TS. Phạm Hoài Chung – Viện Chiến lược và Phát triển GTVT - Bộ GTVT trình bày tham luận

Trình bày về thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện, TS. Phạm Hoài Chung – Viện Chiến lược và Phát triển GTVT - Bộ GTVT cho biết thực trạng ô nhiễm môi trường không khí và tăng trưởng phương tiện giao thông đường bộ tại các đô thị đang gia tăng đáng báo động. Điều đó dự báo lượng phát thải KNK năm 2025 – 2030 sẽ dao động khoảng 64,3– 88,1 triệu tấn CO2.

Do đó, nhằm hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0”, trong NDC 2022 (báo cáo đóng góp do Quốc gia tự quyết định) đã đưa ra các giải pháp giảm phát thải KNK liên quan đến GTVT, thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông điện qua các mục tiêu: Sử dụng năng lượng hiệu quả; chuyển đổi phương thức vận tải; chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh và để thực hiện mục tiêu phát triển hệ sinh thái xe điện hiện nay cần có một khung chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang phương tiện điện.

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển phương tiện điện, rà soát hiện trạng phát triển xe ô tô điện trong nước, TS. Phạm Hoài Chung đề xuất các nhóm chính sách đến các Bộ ban ngành, cơ quan đơn vị, Hiệp hội như: Ưu đãi khuyến khích Sản xuất lắp ráp, nhập khẩu xe điện; khuyến khích, hỗ trợ người sử dụng; phát triển hạ tầng trạm sạc điện; khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) sử dụng xe điện, để từ đó có thể triển khai các chính sách, áp dụng vào thực tiễn với sự đồng bộ, nhất quán cao.

img_6162.jpg
Ông Đỗ Phan Anh – Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo

Theo chia sẻ của ông Đỗ Phan Anh – Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, định hướng chuyển đổi sang phương tiện giao thông công cộng sử dụng điện tại TP. Hà Nội cần xây dựng được lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh theo các giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 (từ năm 2025-2030) với tỷ lệ chuyển đổi trung bình đạt 7,73%/năm, số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 157 xe/năm; Giai đoạn 2 (từ năm 2031 – 2035) với tỷ lệ chuyển đổi trung bình đạt 8,0%/năm và số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 162 xe/năm.

Theo đó, trong hoạt động VTHKCC bằng xe công cộng, cần có các chính sách rà soát, hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá cho các loại hình xe sử dụng điện; tiếp tục xem xét áp dụng đơn giá, định mức tạm thời để thực hiện đặt hàng đối với xe công cộng sử dụng điện; xem xét cơ chế, chính sách kéo dài thời gian sử dụng phương tiện đến hết thời gian thực hiện hợp đồng và thực hiện giảm trừ đơn giá khấu hao.

Đồng thời, cần tham mưu ban hành hạn mức, quy trình vay vốn được hỗ trợ lãi suất để đầu tư phương tiện, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ VTHKCC bằng phương tiện xe công cộng.

img_6181.jpg
Trong khuôn khổ Hội thảo diễn ra 2 phiên tọa đàm cùng khách mời tham dự

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra tọa đàm trao đổi về “Giải pháp thúc đẩy giao thông điện” và “Thị trường từ xe điện, góc nhìn từ doanh nghiệp và người tiêu dùng” do ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì và thảo luận cùng các khách mời tham dự.

Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận, ý kiến đóng góp, trao đổi từ các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các đơn vị quản lý Nhà nước, doanh nghiệp trong việc đưa ra định hướng cũng như giải pháp, góp phần thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh đối với các loại hình phương tiện vận tải, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, an toàn và thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông.

Hoài Thu