Xã hội

Mường Chà (Điện Biên): “Biển dứa” giúp đồng bào thoát nghèo

Trần Hương 10/11/2023 - 19:24

(TN&MT) - Đến với Mường Chà (Điện Biên) hôm nay, trải rộng đều là ngút ngàn nương dứa của người Mông, thứ cây đã cứu cánh giúp bà con nông dân giảm nghèo bền vững. Người dân đã không còn phải loay hoay toan tính "cây giống, con giống" để cải thiện cuộc sống. Dứa đã cho quả ngọt trên mảnh đất "nắng đỏ, khô cằn" xa xôi ấy...

Những giọt mồ hôi lăn trên “biển dứa”

Người nông dân Na Sang vẫn nói với nhau “trồng dứa vất vả vì tốn công chăm sóc.” Ngay cả khi cầm trái dứa lên tay, gọt bỏ lớp mắt gai cho đến khi lộ ra thịt dứa sánh mật vàng cũng phải là một sự kỳ công, tỷ mỉ và khéo léo của người nông dân. Thế nên, đối với đồng bào dân tộc Mông ở Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên để có được những quả dứa chín thơm lừng, sánh mật đã có biết bao giọt mồ hôi đổ xuống mặn mòi, những bàn tay thô ráp rám nắng của người nông dân. Nhưng dẫu sao, đất đã không phụ công người, thu nhập từ nghề trồng dứa đã giúp người dân Na Sang từng bước có được cơ ngơi và trở nên giàu có.

Là một trong những người nông dân thực thụ của Na Sang, Lý A Tháng, bản Co Đứa, xã Na Sang, huyện Mường Chà, dáng người vừa tầm, nước da ngăm đen vì sặm nắng. A Tháng kể: Gia đình mình trồng dứa hơn chục năm nay, là một trong những hộ dân tộc Mông ở Co Đứa chuyển đổi mô hình trồng sắn sang trồng dứa. Nhà của A Tháng có khoảng 1ha đất trồng dứa, mỗi năm 1 vụ. Tính trung bình mỗi 1ha dứa trồng được khoảng 10 vạn cây, tương đương là 10 vạn quả, thu về khoảng 20 - 30 triệu đồng/ha. Giá mỗi quả dứa loại 1 dao động từ 8.000đ - 10.000đ/quả. Loại 2 dao động từ 5.000đ - 7.000đ/quả. Loại nhỏ nhất 10.000đ/ 3quả. Hiện tại, bình quân mỗi ngày gia đình Lý A Tháng bán ra khoảng 200 quả dứa chín cho người đi đường và tư thướng bán lẻ. Những khách mua buôn đi Mường Tè, Lai Châu, Mường Nhé mỗi ngày thu mua 200 - 300 quả.

a1.jpg
Người dân xã Na Sang bày bán dứa ngay bên đường Quốc lộ cho du khách lựa chọn.

Nhưng việc làm giàu từ nghề nông đâu chỉ ngồi nhẩm tính bán quả lấy tiền mà là cả sự tận tụy, dày công chăm sóc của cả gia đình A Tháng cũng như các hộ gia đình người Mông trong bản Co Đứa, xã Na Sang. A Tháng bảo: Gia đình mình cũng như mọi người trong bản Co Đứa chưa khi nào hết việc, chỉ là ai thấy mệt thì nghỉ thôi chứ chờ hết việc để nghỉ thì lâu lắm. Vì mình là nông dân mà...Nông dân nên quanh năm bận với ruộng đồng, nương rãy, nhất là nghề trồng dứa.

Vụ dứa mới thường bắt đầu từ tháng 5, tháng 6. Dù trời nắng chang chang như đổ lửa, nhưng người Mông chúng mình vẫn trên nương làm cỏ, xới đất. Nơi nào có nước chỉ sau vài hôm làm đất là trồng ngay, nếu khan nước thì phải chờ mưa xuống… Mắt dứa được trồng theo hàng lối để sau này thuận bề làm cỏ. Sau một thời gian, đợi dứa lên cây bắt đầu bón phân và làm cỏ cho dứa.

Tháng kể: “Làm cỏ cho dứa khó khăn hơn làm cỏ cho các loại cây khác, vì lá dứa rất nhiều gai. Mặc dù đã đeo găng tay đi làm, nhưng vẫn bị gai dứa cứa vào da thịt mồ hôi ra rất xót, nhưng mải làm nên cũng không có cảm giác đau.” Nhìn đôi bàn tay của A Tháng có vô vàn vết sẹo không sâu nhưng vằn ngang, vằn dọc lên da non trắng bệch.

Cây dứa trồng trên đất dốc Na Sang không quá dày công tưới nước. Tuy nhiên, để dứa sinh trưởng tốt, quả to, đồng bào đã tận dụng các nguồn nước ngầm tự nhiên, đào thành các con kênh nhỏ dẫn nước vào các ruộng, nương dứa bậc thang để tưới tiêu. Song, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, khiến các nguồn nước tự nhiên trên các dòng sông, suối chảy qua xã Na Sang không còn dồi dào như trước. Tại những vị trí nương thoải có độ dốc lớn, các thửa ruộng nước không dẫn được đến nơi, dứa ở những khu vực này khó phát triển, quả không to, không mọng nước căng vỏ.

Nhưng nỗi vất vả của người dân trồng dứa Na Sang đâu đã hết. Trồng cho cây sống, chăm sóc cho cây đẻ nhánh, ra quả là cả 1 năm trời chăm sóc. Đến khi cây ra trái chín vàng, thu hoạch, người Mông ở Na Sang lại lo đầu ra cho sản phẩm. Nếu chỉ dựa vào sức mua của khách đi đường và bán lẻ thì dứa chín bán sẽ không kịp. Song, nhờ phía chính quyền địa phương kết nối chuỗi mô hình liên kết thu mua dứa thương phẩm mà bà con yên tâm mở rộng diện tích trồng.

a3.jpg
Nương dứa nhà Lý A Tháng, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên

Bà Sùng Thị Nhè, bản Na Sang kể: “Từ tháng 9/2022 đến nay, mình bán được khoảng 150 triệu tiền dứa và trên nương còn khoảng 5 vạn quả chuẩn bị cho thu hoạch. Mùa cao điểm dứa chín là vào tháng 6, tháng 7. Nhớ nhất năm 2020 dịch Covid 19 xảy ra, khắp cả bản mình, xã mình dứa chính rất nhiều mà không có ai về mua. Mãi về sau có HTX Na Sang liên lạc với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Tiến Phát để tìm cách bán dứa cho bà con. Mãi đến tháng 4/2021 dịch bệnh đỡ hơn, tình hình chống dịch nới lỏng công ty này bắt đầu mới đánh xe lên thu mua. ”

Anh Seo Chỉnh là một trong những hộ trồng dứa lớn nhất ở Mường Chà, cho biết: “Lúc đó, toàn bộ nương dứa của mình khoảng 7 tấn, chín hết mà không đi lại để bán được. Người ở Sơn La lên mua rất rẻ, 3.000đ/kg. Trong khi lúc chưa có dịch mình đang bán 8.000đ – 10.000đ/kg. Trước đây, dứa chín theo vụ nên giá lúc rẻ lúc đắt. Bây giờ dứa chín quanh năm, lúc nào người Mông ở Na Sang cũng có dứa bán, giá cũng cứ đều đều 8.000đ/10.000đ/kg.” Được biết, từ năm 2012 đến nay, vợ chồng Seo Chỉnh mỗi năm thu hoạch hàng chục tấn dứa. Trừ các chi phí mỗi năm vợ chồng Seo Chỉnh để ra gần 200 triệu đồng.

Gặt hái những trái thơm

Mường Chà là huyện vùng cao, biên giới người dân quanh năm cày sâu cuốc bẫm. Nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, bát cơm vẫn vơi đầy theo những từng đói no, với tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện 48%. Riêng xã Na Sang, tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giảm trong những năm trở lại đây, song tỷ lệ vẫn còn cao, chiếm tỷ lệ trên 40%. Cũng chính vì sự nghèo khó mà đồng bào dân tộc Mông ở xã Na Sang đã tự tìm con đường thoát nghèo bằng mô hình trồng dứa trên vùng đất dốc canh tác lúa 1 vụ kém hiệu quả.

Những năm trở lại đây, Mường Chà là vùng có diện tích trồng dứa lớn nhất tỉnh Điện Biên, tập trung chủ yếu ở các xã: Sa Lông, Na Sang, Mường Mươn… Dứa được xác định là cây ăn quả chủ lực phát triển kinh tế ở vùng đất dốc, phù hợp với địa phương, quả dứa đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông, Thái ở địa phương. So với trồng lúa, trồng ngô thì trồng dứa đem lại nguồn thu nhập cao hơn từ 4 đến 5 lần, trong khi vốn ban đầu cho loại cây này không quá lớn, cũng không đòi hỏi một trình độ canh tác quá cao so với khả năng của bà con nơi đây. Chính vì thế, từ năm 2012 đến nay, diện tích trồng dứa đã phủ kín nhiều nương, vườn và vẫn đang tiếp tục được phát triển. Nhiều hộ dân ở Mường Chà, đã thoát nghèo từ mô hình trồng dứa.

Theo đánh giá của người dân, dứa Mường Chà thịt trái có màu vàng đậm, mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm đà nhưng lại không gắt, đem lại trải nghiệm vị giác đặc biệt chỉ vùng cao Mường Chà mới có. Có lẽ chính vì điều này, khiến nhiều thương lái, cũng như nhiều du khách từ gần xa tới Mường Chà để thưởng thức dứa ở vùng đất này.

a2...jpg
Những quả dứa chuẩn bị cho thu hoạch.

Những người dân trồng dứa ở Mường Chà chia sẻ, việc trồng và thu hoạch dứa kéo dài quanh năm. Ngoài việc mua dứa, khách du lịch còn ghé đến trải nghiệm thăm quan chụp ảnh, mua dứa tại vườn. Điều này đã góp phần quảng bá thương hiệu dứa Mường Chà, cũng như góp phần quảng bá du lịch cho địa bàn huyện.

Đến nay, diện tích dứa của toàn huyện Mường Chà trên 300ha. Các xã Na Sang, Mường Mươn được ví như thủ phủ của đất dứa Mường Chà. Thế mới biết, những mô hình tự phát của người dân luôn có sức thuyết phục lớn về cả cách làm và cả việc đáp ứng nhu cầu cung, cầu của thị trường. Từ mô hình này mà nhiều xã trong vùng học hỏi lẫn nhau để phát triển thành vùng sản xuất theo đặc điểm của địa phương.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lường Văn Khiêm, Bí thư Đảng ủy xã Na Sang, nhận định: Từ khi mô hình cây dứa của một số hộ tự phát ở Na Sang phát triển và nhân rộng. Qua nhiều năm quan sát, chúng tôi thấy dứa rất hợp khí hậu, thổ nhưỡng ở Na Sang, cho năng xuất cao hơn trồng ngô, lúa. Đặc biệt, vị dứa ở Na Sang ngọt đậm, không như ỏ một số huyện khác đang trồng. Do đó, nhiều hộ dân đã chọn dứa là cây chủ lực để phát triển kinh tế ở vùng đất dốc.

Thay vì chỉ trồng dứa một vụ như trước, các hộ dân ở Mường Chà được hướng dẫn trồng dứa tính toán sao cho trồng gối nhau, mỗi lần cách nhau khoảng 20 ngày để dứa chín lần lượt. Như vậy, dứa sẽ chín dần quanh năm, không bị dồn dập. Đáng chú ý, để có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập, huyện Mường Chà đã chủ động hướng dẫn người dân trồng dứa đúng kĩ thuật, đạt tiêu chuẩn và nhận được sự trợ lực hiệu quả từ các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện. Hiện đã có hợp tác xã và cả các công ty về thu mua cho bà con. Nên có thể nói, dứa là cây chủ lực giúp bà con xóa đói giảm nghèo ở một số xã huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

Trần Hương