Đà Nẵng: 20 trường tham gia mô hình Trường học Xanh giảm thiểu rác thải
(TN&MT) - Chiều 9/11, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn) tổ chức cuộc họp triển khai thí điểm mô hình “Trường học xanh giảm thiểu rác thải”
Đây là hoạt động thuộc Chương trình “Thành phố sạch, đại dương Xanh” (CCBO) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Công ty Tetra Tech (ARD, INC) tài trợ.
Ông Đặng Quang Vinh, Phó giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết, trên hành trình xây dựng thành phố môi trường, một trong những nội dung quan trọng là thành phố ưu tiên lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục, trong đó có mục tiêu đến năm 2025, 100% trường học triển khai phân loại rác thải tại nguồn.
Cách đây 9 năm, UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành bộ tiêu chuẩn và quy trình xét chọn công nhận trường học xanh và đã có nhiều trường được công nhận đạt tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, mô hình này chỉ mới được triển khai đại trà ở các trường tiểu học, còn các cấp học khác thì chưa được triển khai.
Trong chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh”, 20 trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Hoà Vang tham gia triển khai thí điểm mô hình trường học xanh giảm thiểu rác thải. Theo đó, trong thời gian từ tháng 7/2023 đến tháng 2/2024, COCB sẽ hỗ trợ Đà Nẵng thực hiện khảo sát hiện trạng, đề xuất giải pháp và xây dựng kế hoạch, tập huấn, hướng dẫn các trường học thực hiện Trường học Xanh. Hỗ trợ thành phố xây dựng dự thảo và tham vấn Khung tiêu chí Trường học Xanh. Kết thúc dự án, COCB sẽ phối hợp đánh giá kết quả thực hiện của các trường học.
Việc đánh giá tiêu chuẩn Trường học Xanh sẽ dựa trên 4 tiêu chí chính gồm: Chính sách quản lý, cơ sở vật chất, giáo dục truyền thông và thực hành xanh.
Với khung điểm tối đa 200, trường học đạt dưới 100 điểm sẽ không được công nhận là Trường học Xanh, từ trên 100 điểm đến 200 điểm sẽ tùy theo tổng điểm để được xếp hạng Trường học Xanh mức 1,2,3.
Trong 4 tiêu chí trên, tiêu chí thực hành xanh chiếm số điểm đánh giá cao nhất (100/200 điểm). Tiêu chí này nhằm đánh giá mức độ tham gia của học sinh, giáo viên, cán bộ công nhân viên trường trong việc tích cực tham gia các hoạt động giảm rác. Trong đó, khuyến khích các hoạt động xanh như: Giảm nhựa (sử dụng hộp, làn nhựa…khi đi chợ; tái sử dụng túi nilong, chai nhựa…); làm đồ dùng học tập, đồ chơi từ các đồ cũ; Ủ phân hưu cơ; Thu gom rác tái chế; Thu gom riêng rác thải điện tử như pin cũ.
Bên cạnh đó, chương trình CCBO sẽ đồng hành cùng TP. Đà Nẵng xây dựng và tổ chức tham vấn các bên liên quan về Khung tiêu chí Trường học Xanh để áp dụng rộng rãi tại các cấp học trên địa bàn toàn thành phố nhằm xây dựng môi trường học tập, vui chơi xanh, sạch, đẹp, thân thiện, phù hợp với các em, tạo điều kiện hình thành một thế hệ tương lai sống thân thiện, có trách nhiệm với môi trường; góp phần xây dựng Đà Nẵng, thành phố môi trường.
Được biết, Đà Nẵng là một trong bốn thành phố tại Việt Nam tham gia chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” được USAID tài trợ. Triển khai thí điểm Trường học Xanh là 1 trong những hợp phần quan trọng của chương trình nhằm thúc đẩy công tác quản lý chất thải rắn nói chung và phân loại CTRSH tại nguồn nói riêng, góp phần thi hành hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản liên quan đến triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố.