Môi trường

Thừa Thiên - Huế: Sạt lở hoành hành sau mưa lũ

Văn Dinh 09/11/2023 - 09:41

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, thời tiết bất thường khiến cho tình hình sạt lở bờ sông tại Thừa Thiên - Huế diễn ra phức tạp. Đặc biệt những trận mưa lũ gần đây, sạt lở ngày càng nặng nề, uy hiếp vườn tược, nhà cửa, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Những ngày tháng 10 vừa qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hứng chịu mưa lũ liên tục với cường độ lớn đã khiến nhiều khu vực bờ sông xuất hiện sạt lở tại các vị trí mới.

satlohue-3.jpg
Người dân gia cố bờ sông tạm thời bằng các cọc tre, cọc bê tông

Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 21km bờ sông bị sạt lở. UBND tỉnh đề xuất nguồn vốn xây dựng khoảng 60km kè bảo vệ bờ sông bị sạt lở với kinh phí khoảng 600 tỷ đồng, ưu tiên xử lý các đoạn sạt lở nặng trên sông Hương các đoạn qua TP. Huế (8km), sông Bồ (4km) với kinh phí khoảng 150 tỷ đồng

Tại TP. Huế, sau khi nước rút, dọc theo bờ sông Hương và sông Bạch Yến đoạn qua phường Hương Hồ đã xuất hiện tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này, hiện tượng sụt lún, đất trượt lở ra phía sông liên tục tiếp diễn. Tại tổ dân phố Long Hồ Thượng 2 là khu vực xảy ra sạt lở nhiều nhất, “tấn công” trực tiếp đến nhiều hộ dân và công trình tôn giáo.

Trong sự lo lắng, bà Nguyễn Thị Hường (80 tuổi) cho hay, gần 500m2 đất vườn trồng cây của gia đình bà đã bị sụt lún xuống sông Bạch Yến. “Mấy năm nay, cứ mưa to là sạt lở, giữa tháng 10 vừa rồi, mưa dài ngày khiến nước lũ từ thượng nguồn đổ về mạnh làm cho bờ sông bị sạt lở nặng hơn, ăn sát vào nhà, chỉ cách còn tầm 5m. Cả gia đình mất ăn mất ngủ, giờ nghe mưa nhẹ đã sợ. Chúng tôi đã đóng cọc tre, cọc bê tông, đắp đất để tạm thời gia cố bờ sông”, bà Hường chia sẻ.

Người dân cũng tỏ ra bất an vì nếu tiếp tục mưa lớn thì nguy cơ những tuyến đường dân sinh, đường xóm chạy dọc sông sẽ bị xóa sổ. Ông Trần Đình Long - Phó Chủ tịch UBND phường Hương Hồ cho hay, qua thống kê ban đầu, có ít nhất 7 vị trí cùng khu vực vườn nhà dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sạt lở khu vực bờ sông Hương và Bạch Yến. Hiện tại phường đã lắp đặt bảng, dây cảnh báo nguy hiểm các vị trí bị sạt trượt, đồng thời kiến nghị TP. Huế sớm nghiên cứu giải pháp làm bờ kè để ổn định đời sống của bà con vùng bị ảnh hưởng bởi sạt lở.

Còn ở thượng nguồn sông Hương đi qua xã Hương Thọ (TP. Huế), giữa tháng 10, thời điểm mưa lớn cộng với việc điều tiết lũ đã khiến sông Hữu Trạch có nước rất lớn và chảy mạnh, làm xuất hiện 2 điểm sạt lở bờ sông ở thôn La Khe Trẹm, Thạch Hàn trên chiều dài khoảng 30m, cuốn nhiều cây cối, đất đá rơi xuống sông. Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP. Huế, trên tuyến sông Hương về khu vực hạ nguồn, mưa lũ đã gây sạt lở hạ tầng, bờ sông, đường dân sinh, hàng chục điểm gây thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều hộ gia đình sinh sống hai bên bờ sông.

satlohue-1.jpg
Sạt lở đoạn qua sông Hương và sông Bạch Yến (TP. Huế) “tấn công” nhà dân

Trong khi đó, trên địa bàn thị xã Hương Trà, mưa lớn kéo dài khiến tình trạng sạt lở dọc bờ sông Bồ diễn biến phức tạp. Gần đây nhất, đợt mưa từ ngày 23/10 khiến đoạn sông Bồ ở tổ dân phố 3 (phường Tứ Hạ) sạt lở với chiều dài khoảng 250m, ăn sâu vào đất từ 2 - 5m. Qua khảo sát của chính quyền địa phương, khu vực sạt lở này gây ảnh hưởng trực tiếp 7 hộ dân đang sinh sống, trong đó có 1 vị trí sạt lở cách nhà dân chỉ còn khoảng 3m. Các hộ dân ở đây chia sẻ, thực trạng sạt lở không chỉ khiến họ mất đất mà còn đe dọa đến sự an toàn về tính mạng.

Theo lãnh đạo UBND phường Tứ Hạ, sau các đợt mưa lũ, qua khảo sát các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi, kè… trên địa bàn phường đã xảy ra sạt lở nhiều lần ở nhiều vị trí gây thiệt hại lớn, đặc biệt ở tổ dân phố 7, sạt lở kè bờ sông Bồ với chiều dài khoảng 15m. Trước mắt, phường triển khai phương án vận động các hộ dân bị ảnh hưởng di dời đến nơi an toàn nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá, từ các trận bão lũ năm 2020 đến nay, tình hình sạt lở bờ sông diễn biến hết sức phức tạp, tỉnh hiện có gần 40 điểm sạt lở ven sông. Riêng đợt mưa lớn vừa qua, bờ sông Hương tiếp tục sạt lở với chiều dài khoảng 5km; sông Bồ bị sạt lở đoạn qua thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền với chiều dài khoảng 9,5km; sạt lở bờ sông Bạch Yến với chiều dài 1km...

Những ngày đầu tháng 11, Thừa Thiên - Huế vẫn liên tục có mưa. Ông Đặng Văn Hòa - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, xử lý khẩn cấp các điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở cao ảnh hưởng đến các khu dân cư, hệ thống cơ sở hạ tầng và người dân. Đơn vị đã yêu cầu các địa phương có biện pháp bố trí rào chắn, biển báo tại các đoạn bị sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông khi đi qua khu vực, có kế hoạch di dời, sơ tán các hộ dân sinh sống ở ven sông, trong khu vực sạt lở khi có mưa bão. Hiện các ngành chức năng đang tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến mưa lũ, sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời thường xuyên thông báo, cảnh báo các điểm nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét trên địa bàn cho các địa phương chủ động phương án ứng phó.

“Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư xây dựng khoảng hơn 80km kè bờ sông ứng phó sạt lở, trong đó sông Hương 30km; sông Bồ 26km; sông Ô Lâu 6,6km và một số sông khác trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần bảo vệ đất đai, cây cối, hoa màu và một số công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và diễn biến thiên tai khó lường khiến tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp. Tỉnh sẽ kiến nghị hỗ trợ từ cấp trên và chú trọng đầu tư các công trình nằm ở vùng trọng điểm, xung yếu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân”, ông Hòa chia sẻ.

Văn Dinh