Biến đổi khí hậu

Ngập lụt ở đô thị biển Đà Nẵng: Đâu là giải pháp?

Minh Quân 09/11/2023 - 09:41

(TN&MT) - Đà Nẵng từng là hình mẫu về phát triển đô thị biển của nhiều tỉnh, thành ở miền Trung. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đô thị Đà Nẵng liên tiếp xảy ra ngập lụt, ngập úng tại nhiều khu vực dân cư. Nguyên nhân được chỉ ra không chỉ “do trời” cực đoan mà còn do bất cập của hệ thống thoát nước.

Vì sao cứ mưa là ngập?

Tháng 10/2022, Đà Nẵng xảy ra trận ngập lịch sử, toàn thành phố có gần 70.000 nhà dân bị ngập, hàng ngàn ô tô và xe máy hư hỏng, tổng thiệt hại vật chất sau trận mưa lũ gần 1.500 tỷ đồng. Đúng 1 năm sau, Đà Nẵng lại chịu đợt mưa lớn kéo dài và toàn thành phố xảy ra hàng trăm điểm ngập. Dù mức độ ngập không như năm 2022 và thiệt hại cũng được hạn chế do người dân chủ động ứng phó, nhưng thực trạng đã nêu lên những bất cập tại đô thị ven biển này.

b2.a1.-khu-dan-cu-me-suot-thuong-xuyen-bi-ngap-sau-trong-moi-dot-mua-lon.jpg
Khu dân cư trên đường Mẹ Suốt thường xuyên bị ngập sâu trong mỗi đợt mưa lớn

“Ngoài việc khơi thông cống rãnh thì cần xem xét quy hoạch cho phù hợp, tính toán khẩu độ cho các cửa gom và nâng cao ý thức người dân trong việc bỏ rác đúng nơi quy định. Vì khi trời mưa, chỉ cần một túi ni lông là có thể bịt hết một cửa thu nước. Người dân một số nơi cũng chưa chủ động khơi thông khi trời mưa lớn mà đợi lực lượng địa phương”

Ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng

Mổ xẻ về nguyên nhân cứ mưa lớn là đô thị lại ngập, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, tần suất xuất hiện các trận mưa có cường độ lớn ngày càng nhiều, vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có. Phần lớn, hệ thống thoát nước được xây dựng từ lâu và hiện nay đã xuống cấp. Một số tuyến cống được xây dựng từ thời Pháp, Mỹ bằng cống gạch vòm và sau này xây bằng đá hộc, đã bị sụt lở, tắc nghẽn.

Theo Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, hệ thống cống hiện trạng khu vực dài khoảng gần 1.800km và gần 30km kênh mương hở. Trong đó, khoảng 40km tuyến cống được xây dựng trước năm 1994, bằng loại đá hộc được che đậy bằng tấm đan bê tông cốt thép.

Đối với một số nơi thường xuyên xảy ra ngập sâu như đường Mẹ Suốt, Khe Cạn, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, đây là những khu vực mà người dân xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, không được quy hoạch bài bản, hạ tầng kỹ thuật chưa thể đầu tư đồng bộ, một số khu vực không có hệ thống cống thoát nước và có địa hình thấp trũng.

TS. Lê Hùng - Giảng viên Khoa Xây dựng Công trình thủy - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cũng chỉ ra thêm những nguyên nhân gây ngập Đà Nẵng thời gian qua là việc quá nhiều tuyến đường giao thông như Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hòa Phước - Hòa Khương, đường vành đai phía Tây… chưa xem xét kỹ về vấn đề thoát lũ, dẫn đến số lượng cống bố trí vẫn còn hạn chế làm cản trở dòng chảy và nhiều khu vực ngập sâu.

“Trong khu vực trung tâm, việc bố trí các cống thoát nước dẫn đi quá xa, phân chia lưu vực hứng nước chưa thật sự hợp lý làm nhiều khu vực quá tải như sông Phú Lộc, mực nước gần khu vực cửa sông vẫn rất cao dù thủy triều rất thấp, điều này làm giảm năng lực thoát nước của các tuyến cống chảy ra sông Phú Lộc.

Ngoài ra, thành phố đang có quá ít các trục thoát nước chính thoát ra cửa sông và biển dẫn đến việc dễ dàng ngập cục bộ ngày càng gia tăng, khi hệ số thấm nước ngày càng giảm bởi quá trình đô thị hóa” - TS Lê Hùng lý giải.

Khắc phục ngập úng trước mắt và lâu dài

Sau đợt mưa ngập giữa tháng 10/2023, thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước và các ban quản lý dự án rà soát tất cả nguyên nhân, mổ xẻ các bất cập dẫn tới tình trạng ngập lụt. Hiện tại, các cơ quan chức năng đang tập trung vào các giải pháp trước mắt là nâng cao năng lực hệ thống thoát nước để đưa nước mưa trên bề mặt xuống đường cống nhanh nhất. Xử lý vấn đề nghẽn tại các hố thu, rác bít miệng cống.

b2.a2.-ben-canh-nguyen-nhan-mua-cuc-doan-thi-ha-tang-bat-cap-cung-la-nguyen-nhan-he-mua-la-ngap-o-da-nang.jpg
Bên cạnh nguyên nhân mưa cực đoan thì hạ tầng bất cập cũng là nguyên nhân ngập ở Đà Nẵng

Về lâu dài, thành phố đang triển khai đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước. Dự kiến đến tháng 12/2023 sẽ triển khai đánh giá các hệ thống thoát nước hiện hữu và đề xuất các giải pháp căn cơ để xử lý tình trạng này. UBND thành phố cũng đã chỉ đạo Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên và những đơn vị tổ chức lập quy hoạch phân khu, trong đó phải ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa.

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, để giải dần bài toán ngập lụt đô thị diện rộng, TP. Đà Nẵng cần mở rộng, bố trí thêm nhiều cửa xả ra các sông như ở vị trí Hà Khê ra biển, cầu Đa Cô, cửa xả đoạn từ cầu Trần Thị Lý đến công viên Châu Á… Cần phân vùng thoát nước theo các lưu vực cho hợp lý. Có thể thấy, việc dẫn nước mưa khu vực đường Lê Thanh Nghị, Nguyễn Hữu Thọ và đường 30/4 ra kênh Đò Xu rồi đổ ra sông Cẩm Lệ là quá xa, chưa kể dẫn từ khu vực cao trình thấp lên khu vực có cao trình cao.

Cần xem xét xử lý lại các cửa xả để tránh bị thắt cổ chai. Mặc dù hệ thống cống thượng lưu có khả năng thoát nhưng lại bị ứ đọng tại các cửa thoát dẫn đến ngập như tại các cửa thu trạm bơm Ông Ích Khiêm, trạm bơm Thuận Phước… Nước ứ đọng chảy không kịp về bể hút nên máy bơm không thể hoạt động hết công suất.

“Một giải pháp phi công trình cũng vô cùng quan trọng là xây dựng bản đồ ngập lụt đô thị ứng với 3 - 5 cấp độ mưa, bản đồ hướng di chuyển tránh các điểm ngập; tập huấn, phổ biến cho từng hộ dân tải các phần mềm dự báo thời tiết. Hiện nay các phần mềm này dự báo rất chính xác, chi tiết, người dân có thể theo dõi lượng mưa, mây, thời điểm mưa kết thúc... để từ đó chủ động ứng phó”- TS Lê Hùng đề xuất.

Minh Quân