Xã hội

Đổi mới toàn diện để phát triển bền vững đô thị Việt Nam

M.A 09/11/2023 - 09:33

Ngày 8/11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023 xoay quanh chủ đề chính là “Quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023 diễn ra đúng dịp chào mừng Ngày Đô thị Việt Nam (8/11), nhân kỷ niệm 20 năm ngày ngày thành lập Cục Phát triển đô thị và 20 năm hình thành và phát triển của Diễn đàn Đô thị. Đây là sự kiện có ý nghĩa thiết thực với sự phát triển của các đô thị nói riêng cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung.

toan-canh-1-.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023

Các đô thị Việt Nam đang bước vào năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một Nghị quyết chuyên đề riêng về lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị. Qua đó, khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, đồng thời định hướng chiến lược với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng cho phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới.

4.-nguyen-duc-hien-pho-tbkinh-te.jpg
Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các địa phương đã tích cực xây dựng và ban hành Chương trình/Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW (60/63 địa phương, còn 3 địa phương đã dự thảo và trình tỉnh/thành ủy). Qua đánh giá chung cho thấy, nội dung Chương trình/Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 06 của các địa phương đã thể hiện được nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng đến sự cần thiết phải đô thị hoá và phát triển đô thị nhanh và bền vững, coi đó là những nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm; đã thể hiện cơ bản đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy và chính quyền địa phương đối với việc xây dựng và thực hiện chương trình phát triển đô thị, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển kinh tế khu vực đô thị.

Để công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đặt ra của Bộ Chính trị và nhằm thực hiện mục tiêu trong Nghị quyết 06, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm cần trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn. Trong đó, cần tiếp tục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững theo tinh thần của Nghị quyết 06; chọn khâu đột phá quan trọng nhất là đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch đô thị; đồng thời đẩy nhanh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách, tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững…

2.-bt-bxd-nguyen-thanh-nghi.jpg
Ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Thẳng thắn nêu ra những bất cập trong phát triển đô thị để tập trung giải quyết trong quá trình đô thị hóa thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị chính quyền đô thị tại địa phương, các cán bộ thực hiện công tác quản lý phát triển đô thị, các tổ chức, cộng đồng dân cư một số định hướng hợp tác thúc đẩy phát triển đô thị bền vững.

“Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định “Đô thị hóa là tất yếu, là động lực của phát triển đô thị”. Với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ở mức 42,6% hiện nay, chúng ta còn rất nhiều dư địa để phát triển đô thị. Vì vậy, chúng ta cần có sự chuẩn bị tốt nhất trong thời gian tới, để đô thị thực sự phát huy vai trò mà Bộ Chính trị đã chỉ ra, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng sống của cộng đồng và gia tăng những giá trị thặng dư mới cho phát triển kinh tế, xã hội và môi trường” Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

6.-ct-cuc-phat-trien-do-thi-tran-quoc-thai.jpg
Ths. KTS. Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị

Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023 xoay quanh chủ đề chính là “Quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với một phiên toàn thể và tọa đàm, 3 hội thảo chuyên đề với các nội dung: Quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững; Chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị; Phát triển đô thị thân thiện với môi trường và chống chịu biến đổi khí hậu.

Tham luận về “Các chính sách thúc đẩy quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam”, Ths, KTS Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cho hay: Nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 06, Cục Phát triển đô thị đã nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Xây dựng xây dựng 5 Chính sách trong quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam về phân loại, quản lý phát triển hệ thống đô thị bền vững, đồng bộ về mạng lưới và phù hợp vùng miền; Về quản lý phát triển mới, cải tạo chỉnh trang và tái phát triển đô thị hiện đại, xanh, thông minh, hướng tới phát triển bền vững; Về quản lý phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; Về quản lý phát triển không gian ngầm đô thị; Về tăng cường phân cấp, phân quyền và nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị.

5.-bt-bxd-nguyen-thanh-nghi.jpg

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về các giải pháp nhằm hoàn thiện các khung pháp lý, cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển hơn nữa các đô thị theo hướng xanh, bền vững. Phiên hội nghị toàn thể mở và đa chiều mang tới các xu hướng cập nhật về phát triển đô thị thông minh trên toàn quốc và trên thế giới, đồng thời hướng tới tháo gỡ các “rào cản” để tăng cường vai trò của tư nhân trong xây dựng đô thị thông minh và khuyến khích việc ứng dụng các sáng kiến, công nghệ hiện đại trong phát triển đô thị.

Chuỗi các phiên hội thảo chuyên sâu của Diễn đàn sẽ nhằm tìm kiếm giải pháp cho những mối quan tâm hàng đầu của các nhà phát triển đô thị về các lĩnh vực như: Quy hoạch và quản lý thông minh, phát triển hạ tầng ICT (Công nghệ thông tin và truyền thông), chuyển đổi số, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, dịch vụ và tiện ích thông minh…

M.A