Môi trường

Dự án “Đô thị giảm nhựa”- Ghi nhận sự “vào cuộc” vì môi trường của nhiều địa phương

Minh Thư 07/11/2023 22:39

Cục Biển và Hải đảo Việt Nam vừa phối hợp Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội nghị “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu chất thải nhựa tại các đô thị”. Hội nghị là cơ hội để lãnh đạo tại các địa phương trên toàn quốc cùng chia sẻ, thảo luận về kinh nghiệm quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

Tới dự và chủ trì Hội nghị có ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Phía quốc tế có ông Prasanna De Silva, Tổng Giám đốc các Văn phòng toàn cầu Tổ chức quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF).

ong-nguyen-duc-toan-cuc-truong-cuc-bien-va-hai-dao-viet-nam-.jpg
Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đã và đang là một vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, môi trường và chất lượng sống của con người. Việt Nam chúng ta cùng với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới đang cùng nhau nỗ lực tìm kiếm các giải pháp giải quyết ô nhiễm nhựa. Một trong những giải pháp tiêu biểu đang được triển khai ở nhiều nước trên thế giới chính là sáng kiến “Đô thị giảm nhựa”, một sáng kiến của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF). Sáng kiến này nhằm kêu gọi các thành phố cam kết thực hiện mục tiêu giảm ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) theo tầm nhìn “Không còn RTN trong thiên nhiên” và phát triển, phổ biến các thực hành về giảm RTN tốt nhất, đạt mục tiêu có 1.000 Đô Thị Giảm Nhựa vào năm 2030 trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, Dự án được phê duyệt và triển khai từ năm 2020 tại 10 khu vực ở 9 tỉnh thành phố do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì thực hiện. Thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn, thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động tăng cường năng lực, đào tạo, bồi dưỡng, truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, thực hiện chương trình đô thị giảm nhựa, quản lý rác thải nhựa ở các khu bảo tồn biển…đến nay Dự án đã góp phần tích cực giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Toàn cho biết thêm: Chương trình Đô thị Giảm nhựa tiếp nối các nguồn lực và kết quả nền móng từ dự án trước đó là dự án Đô thị Giảm nhựa với nguồn hỗ trợ từ Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (NORAD) thực hiện tại địa bàn Đà Nẵng, Phú Yên, Rạch Giá trong thời gian từ 2018-2021, Dự án “Giảm thiểu Rác thải nhựa đại dương” tiếp tục bổ sung nguồn lực để triển khai tại các địa phương này cùng với việc lựa chọn thêm các địa bàn tại Hà Tĩnh, A Lưới, Đồng Hới, Long An.

Triển khai chương trình, Dự án đã phối hợp với các địa phương tiến hành thực hiện nghiên cứu đầu vào để đánh giá về hiện trạng quản lý và phát sinh rác thải của các địa bàn. Từ đó, xác định những nguồn phát thải chính, những điểm nóng ô nhiễm và các nguyên nhân gây thất thoát rác nhựa. Với kết quả này, đặc biệt là sơ đồ dòng thải của các địa phương, Dự án hỗ trợ xây dựng, tham vấn và thúc đẩy các địa phương ban hành thành công kế hoạch hành động Quản lý rác thải nhựa của địa phương dựa trên Kế hoạch Quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ. Với vai trò là cơ quan đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước về biển và hải đảo, đồng thời là chủ dự án, ông Nguyễn Đức Toàn ghi nhận sự “vào cuộc” kịp thời và đầy trách nhiệm của các địa phương đã tham gia và triển khai hiệu quả chương trình Đô thị giảm nhựa.

Các hoạt động của Dự án trong thời gian qua chính là những đóng góp hiệu quả, thiết thực cho việc triển khai Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Bảo vệ môi trường 2020; Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Thoả thuận toàn cầu này mang tính ràng buộc về mặt pháp lý về ô nhiễm nhựa. Vài ngày tới đây Chính phủ Việt Nam cũng sẽ cử đại diện tham dự Kỳ họp thứ Ba của Ủy ban đàm phán liên Chính phủ tại Kenya nhằm bàn bạc các vấn đề liên quan đến Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

ong-ta-dinh-thi-ong-ta-dinh-thi-pho-chu-nhiem-uy-ban-khoa-hoc-cong-nghe-va-moi-truong-cua-quoc-hoi-.jpg
Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết. “Sự chủ động và hành động quyết liệt của các địa phương trong việc xây dựng các mô hình quản lý rác nhựa ở cấp địa phương không chỉ giúp tạo ra môi trường trong sạch cho người dân, giảm ảnh hưởng đến các ngành kinh tế như du lịch, giao thông, thuỷ sản, v.v., mà còn góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội bền vững tại địa phương, hiện thực hóa các kết quả và mục tiêu quốc gia đã đề ra.”

Hội nghị “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị” cũng là dịp để các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương, các Tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp cùng thảo luận về sự cần thiết trong việc phối hợp đồng bộ, nhằm triển khai các kế hoạch và hoạt động quản lý CTRSH nói chung, chất thải nhựa nói riêng một cách hiệu quả và tiếp cận theo xu hướng chung của thế giới.

ong-prasanna-de-silva-giam-doc-dieu-hanh-wwf-quoc-te.jpg
Ông Prasanna De Silva, Giám đốc Điều hành WWF Quốc tế phát biểu tại Hội nghị

Đánh giá kết quả của Dự án, ông Prasanna De Silva, Giám đốc Điều hành WWF Quốc tế, cho biết: “Sau năm năm kể từ khi bắt đầu triển khai chương trình Đô thị Giảm nhựa tại Việt Nam từ 2018, đến nay đã có chín địa phương của Việt Nam cam kết tham gia chương trình. Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng chúng tôi đánh giá rất cao những đóng góp của các địa phương này, những nỗ lực đã mang lại các kết quả rất đáng khích lệ trong cải thiện công tác quản lý, thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu chất thải nhựa, hướng tới mục tiêu Không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030”.

Hội nghị cũng đã được nghe báo cáo Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị” từ ông Nguyễn Anh Nhựt, Phó Bí Thư Huyện Côn Đảo, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là một huyện đảo đã làm khá tốt cả 4 nội dung của đô thị giảm nhựa đó là chính sách 4 nội dung trong mục tiêu cơ bản của Dự án đó là: Đẩy mạnh truyền thông, nghiên cứu ban hành chính sách, xây dựng các mô hình thí điểm giảm nhựa và quản lý rác thải nhựa tại khu bảo tồn biển. Huyện cũng đã bước đầu kiểm kê được rác thải tại nguồn và xử lý nguồn rác thải, hạn chế túi nilon. Nghe mô hình giảm rác thải nhựa của Thành phố Huế, huyện đảo Phú Quốc, kinh nghiệm xây dựng mô hình huyện đảo không rác tại Cù Lao Chàm…Đặc biệt các đại biểu đã nghe bài tham luận về Đề án Huyện Cô Tô không có rác thải nhựa” từ diễn giả Đặng Quang Ngạn, Phó Bí Thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Đây là một đơn vị không nằm trong các địa phương có dự án thực hiện nhưng đã tiên phong trong hoạt động giảm nhựa bởi họ nhận thấy giá trị mà môi trường xanh, sạch mang lại cho hoạt động du lịch và kinh tế của địa phương…

Kết thúc Hội nghị, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Nguyễn Đức Toàn cho biết, Hội nghị đã được nghe nhiều đóng góp ý nghĩa từ các đại biểu đại diện của các địa phương tham gia Dự án, các ý kiến phản ánh về kết quả, khó khăn cũng như các thách thức trong triển khai Kế hoạch hành động và nỗ lực giảm thiểu rác nhựa cũng như sự hưởng ứng tích cực từ các địa phương khác trên cả nước. v.v…Đồng thời, ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu và đề nghị trên cơ sở đó, Ban Quản lý Dự án và Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên sẽ xây dựng Kế hoạch của Dự án trong năm 2024 và những năm tiếp theo một cách hiệu quả với nhiều hoạt động cụ thể, mở rộng mô hình để nối tiếp những kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua.

“Tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục được hợp tác sâu sát với quý Tổ chức, quý Địa phương không những trong việc thực hiện mô hình, dự án này mà trong các chương trình, kế hoạch, đề án tổng thể về quản lý chất thải rắn nói chung, chất thải nhựa đại dương nói riêng để xây dựng một Việt Nam xanh và phát triển bền vững” ông Toàn nhấn mạnh.

Minh Thư