Xã hội

Đánh thức tiềm năng Vân Hồ: "Hiến kế" để Vân Hồ phát triển bền vững

Mai Đan - Khánh Ly - Nguyễn Nga - Nguyễn Thủy (lược ghi) 07/11/2023 - 20:03

(TN&MT) - Như đã đề cập ở kỳ trước, 1 trong 3 khâu đột phá trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội mà huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã đề ra chính là phát triển du lịch xanh - bền vững.

"Về với tiềm năng thiên nhiên Vân Hồ" là chủ đề chuyến tập huấn nghiệp vụ tại xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La do Chi hội Nhà báo Báo TN&MT tổ chức từ ngày 2/11 - 4/11/2023. Tại buổi tập huấn, các hội viên đã cùng tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa danh qua lời kể của người cao tuổi trong xã và hướng dẫn viên. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Chi hội Nhà báo Báo TN&MT đã tổ chức chương trình Tọa đàm Tuyên truyền bảo vệ môi trường, phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Vân Hồ: “Nói thế nào để đồng bào dễ hiểu, dễ làm, dễ nhân rộng”. Tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến quý báu từ các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, các già làng, người có uy tín trên địa bàn xã Chiềng Khoa. Báo Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ông Lê Xuân Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo TN&MT:

Báo chí là cầu nối hiệu quả đưa chủ trương, chính sách phát triển xanh đến với đồng bào

ptbt-le-xuan-dung(1).jpg
Ông Lê Xuân Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo TN&MT

Là cơ quan ngôn luận của Bộ TN&MT, các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền của Báo TN&MT trước hết đều gắn với các lĩnh vực quản lý của Bộ TN&MT. Đó là đất đai, môi trường, thời tiết khí tượng, biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, địa chất khoáng sản... Báo TN&MT có đội ngũ phóng viên trẻ, nhiệt huyết, luôn bám sát các sự kiện, vấn đề thời sự nóng hổi của ngành và địa phương, nhất là trong giai đoạn hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào cuộc sống, Dự thảo Luật Đất đai, Dự thảo Luật Tài nguyên nước đang trình Quốc hội thảo luận, và sắp tới là Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản; Các vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đang ngày càng nảy sinh nhiều thách thức trong thực tiễn.

Do đó, Báo TN&MT luôn chú trọng truyền tải đầy đủ các chủ trương, chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuyên truyền việc biểu dương, tôn vinh những gương điển hình tiên tiến, các mô hình hay, cách làm sáng tạo, sáng kiến có giá trị trong quản lý tài nguyên, môi trường. Không chỉ thế, Báo TN&MT còn tham gia tích cực, có hiệu quả vào các hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trên các địa bàn trong khắp cả nước với mong muốn lan tỏa những mô hình, cách làm hay về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để có những tác phẩm báo chí thông tin nhanh, phản ánh đúng, chân thực công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở khu vực miền núi, đội ngũ phóng viên thường trú tại vùng miền đã bám sát địa bàn, khai thác đề tài, thực hiện nhiều chuyên đề, phóng sự, talk truyền hình, các tác phẩm báo chí hiện đại như long-form, e-magazine để phản ánh hơi thở cuộc sống, là cầu nối hiệu quả trong công tác truyền thông về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng hành cùng đồng bào các dân tộc xã Chiềng Khoa nói riêng, huyện Vân Hồ nói chung, Báo TN&MT đang nỗ lực hàng ngày, hàng giờ để kéo gần hơn chính sách với thực tiễn. Những phóng viên, biên tập viên của Báo TN&MT chắc chắn sẽ là cầu nối, cánh tay nối dài hiệu quả để lắng nghe, truyền tải những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; cũng như truyền tải những thông tin, mong muốn, trăn trở mà bà con muốn được nghe, được thấy, cần hướng dẫn cụ thể đến các cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, đẩy mạnh công tác truyền thông bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.

Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc
Sở TN&MT tỉnh Sơn La:

Kiên định mục tiêu khai thác gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường

pho-gd-so-tnmt-le-thi-thu-hang(1).jpg
Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở TN&MT
tỉnh Sơn La

Thời gian qua, Sở TN&MT luôn chú trọng việc thẩm định công nghệ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi kiên quyết không cấp mới thủ tục môi trường cho các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của chủ dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc các hồ sơ về môi trường tương đương được phê duyệt.

Để thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, khai thác, bảo vệ TN&MT hiệu quả, Sở TN&MT thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các phương thức, nội dung tuyên truyền. Bởi, chỉ có nghe tiếng của đồng bào, nói về văn hóa bản địa thì đồng bào mới dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Khai thác tài nguyên khó nhất là tài nguyên con người. Chỉ khi người dân lắng nghe, muốn hiểu, muốn gắn bó và tham gia cùng làm thì công tác bảo vệ môi trường mới trở thành hoạt động bền vững.

Công tác tuyên truyền phải chia theo nhóm đối tượng, lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp phong tục, tập quán, lối sống của bà con. Nội dung tuyên truyền phải cụ thể, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, song vẫn đảm bảo truyền tải đầy đủ các chủ trương, chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, chia thành các nhóm chuyên đề khác nhau, hướng tới thay đổi hành vi, ứng xử của các tổ chức, cá nhân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong công tác bảo vệ môi trường. Phát huy vai trò của trưởng bản, già làng, Người có uy tín để trở thành các báo cáo viên, tuyên truyền viên của bản làng. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, biên tập, biên dịch sang tiếng Thái, tiếng Mông... để phát sóng đến bà con.

Đặc biệt, Vân Hồ là huyện mới thành lập của tỉnh Sơn La, có 5 dân tộc anh em cùng chung sống, đại đa số là đồng bào dân tộc Thái, Mông... Thay đổi nhận thức của bà con là quá trình lâu dài, cần có kế hoạch, lộ trình, thời gian thực hiện. Trước hết, phải thay đổi nhận thức người dân, dần tiến tới thay đổi hành vi, xóa bỏ thói quen tập quán cũ, lạc hậu, hướng đồng bào tới nếp sống mới, nâng cao chất lượng cuộc sống, chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

Điều đáng mừng là những năm gần đây, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung và huyện Vân Hồ nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, giúp cho người dân hiểu được quyền lợi, trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Ông Vũ Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ:

Đánh thức tiềm năng Vân Hồ gắn với bảo vệ môi trường

pct-ubnd-van-ho-vu-thanh-hai(1).jpg
Ông Vũ Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ

Vân Hồ có diện tích tự nhiên gần 98.000ha, 14 xã, trong đó, 11 xã đặc biệt khó khăn và 3 xã vùng II. Thời gian qua, UBND huyện đã tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành các chương trình hành động, trong đó có nội dung phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Xuyên suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, Vân Hồ luôn làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên. Đặc biệt, với các nhà đầu tư, lãnh đạo huyện Vân Hồ rất quan tâm và ưu tiên những nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh nhưng phải thực hiện đúng cam kết về môi trường.

Với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ môi trường; kế hoạch ứng phó sự cố môi trường, trọng tâm là công tác bảo vệ môi trường khu vực đầu nguồn nước trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước, môi trường trong khu dân cư; hướng dẫn các xã tổ chức, thực hiện tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí 15 về cảnh quan môi trường và an toàn thực phẩm của Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Vân Hồ còn giữ được gần như nguyên vẹn khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ, môi trường trong lành. Bí quyết mà Vân Hồ hướng tới chính là phải nâng cao được ý thức của mỗi bà con nhân dân, bà con là đối tượng thụ hưởng, và cũng là chủ thể thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường. Đồng thời, phát huy những tiềm năng, lợi thế vốn có về du lịch của huyện, Vân Hồ đã thực hiện tuyên truyền, truyền thông giới thiệu về mảnh đất, con người Vân Hồ bằng nhiều hình thức khác nhau.
Song, cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, Vân Hồ vẫn là cái tên khá mới mẻ với nhiều người. Nguyên nhân một phần do công tác truyền thông chưa đúng hướng, chưa tiếp cận được nhiều người, nhiều đối tượng khác nhau, song, chủ yếu là do các dịch vụ du lịch đi kèm chưa thật sự đa dạng nên chưa thu hút được du khách dừng chân. Hiện nay, du lịch Vân Hồ chủ yếu thiên về lưu trú, check in, ăn uống và trải nghiệm, thu hút các đoàn khách nhỏ lẻ khám phá; thiếu hụt các dịch vụ vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu lưu trú dài ngày của khách du lịch.

Để hoàn thành mục tiêu phát triển du lịch thành ngành trọng tâm, thời gian tới, huyện Vân Hồ mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí, đặc biệt là Báo TN&MT tiếp tục quan tâm, quảng bá, giới thiệu hình ảnh về vùng đất và con người Vân Hồ nói riêng và Sơn La nói chung; có những phản ánh chân thực, khách quan, qua đó mời gọi được các nhà đầu tư, chung tay cùng với huyện trong việc phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống của người dân; nâng cao chất lượng môi trường sống cũng như phát huy giá trị của vùng đất và con người nơi đây.

Ông Hà Văn Úng - Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ:

Tuyên truyền, lan tỏa hình ảnh Chiềng Khoa - Vân Hồ để thu hút đầu tư

pct-ubnd-chieng-khoa-ha-van-ung(1).jpg
Ông Hà Văn Úng - Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ

Chiềng Khoa có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đây cũng là xã đầu tiên của Vân Hồ đón nhận danh hiệu đạt chuẩn Nông thôn mới. Trong đó, câu chuyện về bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan luôn là một trong những tiêu chí khó đạt nhất và khi đã đạt rồi cũng khó giữ nhất. Mục tiêu làm tốt công tác quản lý, bảo vệ môi trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Chiềng Khoa đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Chiềng Khoa luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Vân Hồ và các cơ quan, đơn vị, cộng đồng. Đặc biệt, chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của người dân. Những thành quả mà Chiềng Khoa đạt được về bảo vệ môi trường phần lớn là do người dân chung tay thực hiện; những khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường cũng được người dân tháo gỡ. Điều quan trọng là cán bộ phải làm sao cho dân hiểu rằng bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe cho chính người dân. Khi người dân chưa hiểu, chưa tin thì họ chưa làm theo. Còn khi dân đã hiểu lợi ích của bảo vệ môi trường thì chắc chắn sẽ nghe theo, làm theo. Thế nên, làm tốt công tác bảo vệ môi trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vừa khó và vừa dễ.

Hiện nay, người dân Chiềng Khoa đều nhận thức được ý nghĩa của bảo vệ môi trường. Công tác quản lý, thanh tra kiểm tra về môi trường được thực hiện nghiêm. Người dân không vứt rác bừa bãi, nhất là ở các thác du lịch. Hằng tuần, các thôn bản, chi đoàn thanh niên, hội phụ nữ đều tổ chức dọn vệ sinh, trồng hoa cây cảnh để tạo môi trường xanh - sạch - đẹp.

Khí hậu cũng là một trong những ưu đãi của thiên nhiên bởi khí hậu phù hợp đã giúp cây chè, cây cam phát triển. Hiện trên địa bàn Chiềng Khoa, chè là cây chủ lực, cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội; một số cây ăn quả như cây cam cũng đã mang lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các hộ dân.

Tuy nhiên, vì đường sá còn nhiều khó khăn, việc phát huy giá trị của cảnh đẹp thiên nhiên như thác Nàng Tiên, thác 7 tầng cho phát triển du lịch hay quảng bá sản phẩm từ cây chè và sản phẩm cam, nhất là cam hữu cơ còn chưa được truyền thông mạnh mẽ. Vì thế, chúng tôi mong muốn Báo TN&MT và các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về tiềm năng du lịch và nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sinh thái để thu hút du khách ngày càng biết đến vùng đất du lịch Chiềng Khoa, đồng thời, tuyên truyền để đông đảo bạn đọc biết đến những sản phẩm nông nghiệp của Chiềng Khoa.

Ông Đinh Công Nguyên - Người có uy tín bản Chiềng Lè, xã Chiềng Khoa:

Nêu cao ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường của mỗi người dân

gia-lang-dinh-cong-nguyen(1).jpg
Ông Đinh Công Nguyên - Người có uy tín bản Chiềng Lè, xã Chiềng Khoa

Xã Chiềng Khoa trước đây có 13 bản, sau sáp nhập hiện còn 7 bản, trong đó, 6 bản là đồng bào dân tộc thiểu số. Chiềng Khoa được thiên nhiên ưu ái với nhiều cảnh quan, công trình tuyệt đẹp như thác Nàng Tiên, thác 7 tầng, Lễ hội Hoa ban, 2 thủy điện Suối Tân 1 - 2... Người dân luôn hài hòa, nhân ái, đã tạo động lực cho cán bộ, nhân dân Chiềng Khoa nỗ lực cùng nhân dân phát triển kinh tế - xã hội.

Chiềng Lè là bản đặc biệt khó khăn của xã Chiềng Khoa, nằm cách trung tâm xã 6km. Gắn bó với Chiềng Lè cả cuộc đời, chúng tôi luôn yêu quý mảnh đất này và mong đời sống bà con ngày một khởi sắc đi lên. Để thực hiện điều này, người dân chúng tôi luôn nêu cao ý thức bảo vệ, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ phát triển bền vững.

Là xã đầu tiên đạt chuẩn Nông thôn mới, chúng tôi luôn cho rằng, những già làng, trưởng bản như chúng tôi cần phải phát huy tốt hơn nữa vai trò là cánh tay tiếp sức cho lãnh đạo từ xã đến bản. Già làng, trưởng bản, người có uy tín là nhân tố củng cố khối đại đoàn kết, cùng các đồng chí lãnh đạo xã, bản nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu, nói đi đôi với làm. Thường xuyên, tích cực tham gia các cuộc họp của xã, bản, tìm hiểu qua sách báo, ti vi, các phương tiện thông tin khác để kịp thời nắm bắt được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, phải làm thế nào để nói cho dân hiểu, dân nghe, dân tin tưởng và làm theo.

Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con chung tay xây dựng nông thôn mới, tham gia phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Chủ động hiến đất, đóng góp công sức làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa bản, công trình thủy lợi. Thường xuyên vận động nhân dân ra quân hưởng ứng các phong trào bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải, tạo cảnh quan đường làng, ngõ xóm, xung quanh khu nhà ở... Góp phần xây dựng nông thôn sạch đẹp, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào.

Anh Ngần Mạnh Hùng - Hướng dẫn viên du lịch HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Du lịch Thác Nàng Tiên, Chiềng Khoa:

Cần có chính sách giữ chân người trẻ làm du lịch

anh-ngan-manh-hung-huong-dan-vien-du-lich-hop-tac-xa-du-lich-chieng-khoa(1).jpg
Anh Ngần Mạnh Hùng - Hướng dẫn viên du lịch HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Du lịch Thác Nàng Tiên, Chiềng Khoa

Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trên quê hương Chiềng Khoa - vùng đất có những cảnh quan tuyệt đẹp, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Đó là món quà vô giá mà thiên nhiên dành tặng cho chúng tôi.

Du lịch đã mở ra cho Chiềng Khoa một hướng đi mới nhiều hứa hẹn phát triển kinh tế - xã hội. Du lịch cũng đã giữ chân tôi ở lại Chiềng Khoa. Những dịp đồng hành cùng du khách, tôi đã kể cho họ nghe những câu chuyện lý thú về vùng đất, con người và văn hóa nơi đây, về Lễ hội Hoa Ban diễn ra hàng năm, về sự tích Xên bản xên mường, "Tuyệt tình cốc" Nàng Tiên,... giới thiệu những đồi chè, nương cam vừa có thể chụp ảnh check in, vừa có thể cung cấp những sản phẩm để khách mua làm quà sau mỗi chuyến đi.

Tuy nhiên, hiện nay, khách du lịch đến với Chiềng Khoa nói chung và đến với thác Nàng Tiên nói riêng chưa nhiều. Du lịch chưa phát triển một cách đồng bộ, liên kết, quy mô. Ngay những bạn trẻ của Chiềng Khoa cũng chưa tha thiết gắn bó với công việc phát triển dịch vụ du lịch. Chứng kiến các bạn thanh niên đi làm ăn xa, tôi tự hỏi tại sao các bạn ấy không ở lại lập nghiệp trên chính quê hương của mình. Quê hương mình đẹp như thế, khí hậu ôn hòa và những cảnh đẹp đó chính là nơi có thể cho con người những nguồn thu nhập từ phát triển du lịch.

Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng, muốn phát triển du lịch, giữ chân người trẻ ở lại quê hương thì địa phương và các cơ quan chức năng cũng cần có những chính sách đầu tư cho du lịch như quy hoạch vùng du lịch, kết nối các tuyến du lịch, phát triển giao thông, đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng dịch vụ du lịch. Trước mắt là phục vụ tham quan trải nghiệm đơn thuần, trong tương lai, có thể phát triển các loại hình du lịch cao hơn như lưu trú dài ngày, "ngủ thác", "chữa bệnh với thiên nhiên"...

Đi đôi với phát triển du lịch là mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phục vụ du lịch. Các bạn trẻ là những người có lợi thế tiếp thu rất nhanh các hoạt động văn hóa và có khả năng tổ chức những loại hình du lịch hiện đại, đồng thời là những người biết làm truyền thông bằng mạng xã hội. Vì vậy, theo tôi, trong kế hoạch phát triển du lịch của xã, cần chú ý đến đối tượng thanh niên, tạo điều kiện cho những người trẻ lập nghiệp ngay trên chính quê hương của mình. Như vậy, vừa giải quyết được mong muốn phát triển kinh tế địa phương, vừa tận dụng phát huy thế mạnh của người bản địa trong việc lưu truyền, lan tỏa các giá trị văn hóa gắn liền với du lịch.

Mai Đan - Khánh Ly - Nguyễn Nga - Nguyễn Thủy (lược ghi)