Thúc đẩy giảm phát thải trong lĩnh vực làm mát
(TN&MT) - Lĩnh vực làm mát đang gây phát thải khí nhà kính gần 60 triệu tấn CO2 tương đương (năm 2022) và dự báo sẽ chiếm khoảng 13,5% tổng phát thải của ngành năng lượng, 10,7% tổng phát thải quốc gia. Để giảm phát thải, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là tích hợp làm mát chủ động (cải thiện hiệu quả năng lượng) và làm mát thụ động (giải pháp dựa trên tự nhiên, làm mát không gian và kho lạnh thực phẩm).
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo tham vấn lần 2 “Nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu để xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia”, do Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên Hợp Quốc (UNOPS) phối hợp cùng Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) tổ chức.
Chia sẻ hiện trạng ngành làm mát tại Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Hải, đại diện nhóm chuyên gia cho biết: Việt Nam có 7 tiểu ngành làm mát, gồm: Điều hòa không khí dân dụng và thương mại; điều hòa không khí trung tâm và Chillers; điều hòa không khí trong vận tải; làm lạnh dân dụng; Làm lạnh thương mại; làm lạnh công nghiệp; làm lạnh vận tải. Trong đó, tiểu ngành điều hòa không khí dân dụng và thương mại hiện chiếm 37% tổng năng lượng tiêu thụ, 36% phát thải KNK toàn ngành. Đây cũng là tiểu ngành tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực làm mát.
Các nghiên cứu của cho thấy, Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, dẫn đến nhu cầu về làm mát ngày càng tăng. Tuy nhiên, lĩnh vực làm mát cũng là một nguồn tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính lớn. Kế hoạch Hành động làm mát xanh quốc gia (NGCAP) sẽ giúp giải quyết những thách thức này, thông qua việc thúc đẩy các chính sách đồng bộ hóa hỗ trợ cả làm mát chủ động và thụ động. Trong đó bao gồm việc thiết lập tiêu chuẩn năng lượng, quy hoạch/kế hoạch làm mát đô thị cũng như cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án làm mát trong tương lai. Triển khai hiệu quả các giải pháp sẽ giúp Việt Nam đạt được hiệu suất năng lượng cao hơn, giảm nhu cầu năng lượng, tận dụng làm mát tự nhiên và giảm nguồn cung cấp năng lượng nhằm đảm bảo cam kết giảm phát thải KNK theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Đại diện Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á cho biết, trong Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, làm lạnh là ngành không thể thay thế góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải KNK. Trên cơ sở đó, Văn phòng dịch vụ dự án Liên Hợp quốc và Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đã xác định, việc xây dựng và triển khai Chương trình làm mát xanh quốc gia là một trong những hoạt động hợp tác trọng tâm thông qua ETP, hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Hoạt động hỗ trợ kỹ thuật này là cung cấp thông tin và đưa ra các khuyến nghị đối với Cục Biến đổi khí hậu trong việc thiết kế và triển khai Chương trình làm mát xanh quốc gia của Việt Nam.
Các nội dung của Chương trình làm mát xanh quốc gia cần được lồng ghép vào các chính sách phát triển quốc gia, các chiến lược về biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô-dôn và có tính đến các cam kết với quốc tế. Qua đó, giúp Việt Nam thực hiện các cam kết của 1 bên tham gia thoả thuận quốc tế về bảo vệ tầng ô dôn gồm Công ước Viên về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Bản sửa đổi Kigali về loại trừ dần sản xuất và tiêu thụ môi chất lạnh có tiềm năng nóng lên toàn cầu cao (như HFC, HCFC). Hoạt động này cũng trực tiếp đóng góp thực hiện các chính sách của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.
Bà Nguyễn Đặng Thu Cúc, Phó Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-dôn (Cục Biến đổi khí hậu) chia sẻ, các kết quả của hoạt động nghiên cứu sẽ cung cấp dữ liệu cần thiết để Bộ Tài nguyên và Môi trường sử dụng trong quá trình xây dựng Kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, các chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2023.
Kế hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để thực hiện Nghị định thư Montreal và đóng góp vào nỗ lực chung quốc gia thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong kế hoạch sẽ được bổ sung thêm các giải pháp quản lý môi chất, quản lý thiết bị, tăng hiệu suất năng lượng tối thiểu, làm mát thụ động... Hỗ trợ kỹ thuật cũng cung cấp thêm cơ sở để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu đã chia sẻ các nội dung về đề xuất xây dựng Kế hoạch làm mát quốc gia; đánh giá hiện trạng và dự báo tăng trưởng lĩnh vực mát giai đoạn 2022-2050; kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia tại Việt Nam; các giải pháp mang tính chiến lược về làm mát thụ động... Xung quanh các nội dung này, các đại biểu đã cùng thảo luận nhằm đóng góp hoàn thiện dự thảo Chương trình.