Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn Quốc hội
Ngày 6/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về các cơ chế, chính sách phù hợp để giải quyết ô nhiễm môi trường của hệ thống Bắc Hưng Hải; ô nhiễm trên sông Cầu; xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam; các giải pháp để hạn chế tối đa những thiệt hại do sạt lở và lũ quét; kiểm soát việc khai thác khoáng sản trái phép.
Xử lý ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải
Chất vấn tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – đoàn ĐBQH Long An đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Nghị quyết số 499 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV có yêu cầu cơ chế, chính sách phù hợp để giải quyết ô nhiễm môi trường của hệ thống Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên, qua giám sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở hệ thống Bắc Hưng Hải chưa được giải quyết triệt để, còn gặp nhiều khó khăn. Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Bộ trưởng cho biết chính sách nào mà Bộ đã ban hành hoặc tham mưu ban hành và giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại hệ thống Bắc Hưng Hải.
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay, hàng ngày tổng lượng nước thải xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải khoảng 450.000 – 500.000 m3/ngày.đêm, trong đó khu vực từ cống Xuân Thụy quận Long Biên, Gia Lâm thì xả thải vào đây 260.000m3/ngày đêm và hầu hết những nguồn xả thải chủ yếu là nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung (chiếm tỷ lệ khoảng 70%); các loại nước thải còn lại, gồm: nước thải công nghiệp phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nông nghiệp, làng nghề, y tế… Phần lớn các nguồn thải từ khu đô thị, khu dân cư, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi xả ra hệ thống Bắc Hưng Hải.
Bộ trưởng cho biết, vừa qua Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì họp và yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương phải tiếp tục có những giải pháp triệt để để xử lý vấn đề ô nhiễm. Hiện nay, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Công an cũng đã rà soát, kiểm tra các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và xử phạt hành chính nhiều doanh nghiệp xả thải không đúng quy định này. Bên cạnh đó tiếp tục tăng cường quan trắc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đồng thời làm việc với các địa phương để tập trung các nguồn lực xây dựng các công trình tách nước thải của đô thị và nông thôn với nước mưa trước khi xả vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Về thực trạng hiện nay, các dự án đầu tư xây dựng nhà máy thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung thường có kinh phí đầu tư lớn, nên nhiều dự án thiếu nguồn lực đầu tư. Một số địa phương (như Hà Nội) có dự án đầu tư xây dựng nhà máy thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung nhưng tiến độ triển khai chậm. Việc thu hút đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế đầy đủ về giá, phí xử lý nước thải…
Trước những vấn đề trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xử lý ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó có nội dung xử lý, cải tạo phục hồi môi trường đối với các lưu vực sông, bao gồm hệ thống Bắc Hưng Hải. Nội dung trọng tâm sẽ giao các địa phương thực hiện các dự án đầu tư để xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung cho nước thải sinh hoạt, các cụm công nghiệp, làng nghề.. đảm bảo nước thải phát sinh sau khi qua xử lý phải đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) trước khi thải ra môi trường. Trước mắt bố trí nguồn vốn trung hạn 2023-2025 và 2026-2031 để đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
Thứ hai là cần có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực về xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp xử lý nước thải, rác thải, đặc biệt là nước thải và gắn vào đó là xây dựng cơ chế, chính sách gắn trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, đơn vị xả thải phải đóng góp vào công cuộc xử lý nước thải.
Thứ ba là tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn để đảm bảo kiểm soát được lượng chất thải phát sinh. Thứ tư, tăng cường công tác quan trắc thường xuyên, quan trắc cả hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Giải pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu
Chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, nhiều năm qua, tình trạng nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm rất nghiêm trọng đã ảnh hưởng trực tiếp lớn đến cuộc sống của nhân dân một số huyện của tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh. Đại biểu Quốc hội tỉnh đã chất vấn Bộ trưởng về vấn đề này.
Về vấn đề ô nhiễm trên dòng sông Cầu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết thời gian qua, Bộ đã thành lập tổ giám sát bảo vệ môi trường, giám sát hoạt động của Làng giấy Phong Khê trong đó lựa chọn 22 cơ sở giám sát trực tiếp (nơi có nguồn thải lớn). Bộ đã đôn đốc tỉnh Bắc Ninh phối hợp Bắc Giang chỉ đạo các Sở TNMT để xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm liên quan đến làng nghề giấy này. Thời gian tới, Bộ TN&MT đề xuất giải pháp cần tập trung rà soát nguồn thải, xây dựng khu xử lý nước thải tập trung cho các khu Phong Khê 1-2, khu Phú Lâm… Do đó, đề nghị tỉnh Bắc Ninh quan tâm, giám sát xử lý nước thải khu vực làng nghề. Bộ TN&MT sẽ tiếp tục quan trắc, phối hợp với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang xử lý nghiêm các vi phạm.
Về lâu dài, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh cần có quy hoạch để di chuyển các làng nghề, cụm công nghiệp đến nơi có khu vực xử lý nước thải tập trung; từ đó xử lý dứt điểm được vấn đề ô nhiễm. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền vận động các tổ chức cá nhân làng nghề chung tay với cộng đồng; huy động ngân sách và xã hội hóa trong thu gom xử lý nước thải. Ngoài ra, đề nghị các tỉnh phối hợp với Bộ TN&MT đóng góp ý kiến xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để có các giải pháp đồng bộ, dài hạn trước những vấn đề hiện nay đang gặp phải.
Hoàn thiện thể chế và chuẩn bị năng lực chuyên môn thực hiện sớm nội dung về thị trường tín chỉ carbon
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH Long An cho biết, hiện nay các tổ chức, cá nhân còn lúng túng trong việc tiếp cận, trao đổi giao dịch tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế, trong khi thị trường carbon trong nước thì chưa thành lập. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết việc xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam và Bộ TN&MT đã có hướng dẫn gì về việc trao đổi giao dịch tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế?
Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến xây dựng thị trường tín chỉ cacbon, Bộ trưởng cho biết, để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, hiện Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt các nội dung này. Thực tế, thị trường carbon là công cụ hữu hiệu để giúp các quốc gia thực hiện mục tiêu. Với vai trò của mình, Bộ TN&MT cùng với các bộ, ngành thực hiện theo đúng lộ trình xây dựng quản lý tín chỉ car bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch khí nhà kính và tín chỉ carbon, xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Trước hết là hoàn thiện thể chế và chuẩn bị năng lực chuyên môn, hạ tầng và các điều kiện thiết yếu; triển khai thí điểm, vận hành để thực hiện sớm thực hiện nội dung vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Khắc phục tình trạng sạt lở do BĐKH và khai thác khoáng sản trái phép
Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ TN&MT cho biết nguyên nhân và các giải pháp để cảnh báo, dự báo sớm nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do sạt lở và lũ quét gây ra cho cộng đồng và cho người dân?
Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho biết, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra phức tạp nhiều năm qua và đã có nhiều vụ án được phanh phui, điều tra. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian vừa qua, giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Liên quan đến tình hình sạt lở, Bộ trưởng khẳng định, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, Việt Nam là một trong sáu quốc gia bị ảnh hưởng rất lớn. Giải pháp của Bộ TN&MT trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường năng lực cảnh báo về thiên tai; đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Đề án khả năng dự báo và cảnh báo cho các địa phương. Phối hợp với các địa phương thực hiện các bản đồ nền, tổng hợp những vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở để quy hoạch, di dời dân cư, tránh ảnh hưởng đến dân cư và ảnh hưởng đến sự phát triển; đồng thời, đề xuất dự án về công trình và phi công trình để phòng chống sạt lở…
Liên quan đến việc khai thác khoáng sản trái phép, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, vừa qua Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc cấp phép, giám sát việc khai thác khoáng sản và khoáng sản là vật liệu xây dựng ở các địa phương. Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các địa phương, các ngành, các cấp để kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong việc này và xử lý nghiêm việc khai thác khoáng sản trái phép.
Bộ trưởng nắm bắt được vấn đề của ngành và có những giải pháp cụ thể
Trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội, đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho biết, “phần trả lời của Bộ trưởng Bộ TN&MT tôi thấy khá tự tin, các vấn đề đã nêu ra được nguyên nhân của những vấn đề, từ đó chỉ ra những giải pháp, thậm chí những hành động cụ thể để giải quyết vấn đề. Ví dụ như việc đi kiểm tra, kiểm soát, đánh giá về ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.” – Đại biểu Cường nhận xét.
Bộ trưởng đã nắm bắt được rất rõ vấn đề của ngành TN&MT cho dù mới quản lý ngành trong thời gian ngắn. "Tôi rất mong tất cả những vấn đề trên cần phải có lộ trình, đặc biệt vấn đề môi trường là vấn đề lâu dài, liên quan tới nhiều đơn vị, bộ ngành. Do đó chúng ta phải đưa ra được các giải pháp thật cụ thể và gắn trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Trên cơ sở đó, lần sau khi kiểm tra sẽ thấy hiệu quả hơn” – Đại biểu Cường nhấn mạnh.