Ngư dân tham gia mô hình "khoa học công dân" để bảo tồn biển
Việc thúc đẩy ngư dân tham gia vào mô hình Khoa học công dân cho phép họ gắn kết với đại dương, hỗ trợ việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học biển. Từ đó, ngư dân có thể đóng góp có giá trị trong việc cung cấp cơ sở dữ liệu quy mô rộng và hỗ trợ chính quyền có những chính sách quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả.
Sáng 6/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hơp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng, Trung tâm Xây dựng & Thúc đẩy bền vững (BUS) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia cộng động ngư dân trong công tác nghiên cứu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển”. Hội thảo thu hút sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng ngư dân khu vực Nam Trung bộ.
Theo PGS. TS Hoàng Công Tín, Trưởng khoa Khoa Môi trường (Đại học Khoa học – Đại học Huế), Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” đòi hỏi các địa phương ven biển phải có những chính sách dựa trên công tác bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái ven biển. Để thực hiện, Việt Nam cần có dữ liệu nền và những công cụ tính toán hỗ trợ nhằm giúp cơ quan quản lý đưa ra những chiến lược, quy hoạch sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển.
Trong bối cảnh nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động điều tra, khảo sát tài nguyên sinh vật biển rất hạn chế. Vì vậy việc tận dụng ngư dân là lực lượng hỗ trợ hiệu quả trong việc thu thập dữ liệu quy mô rộng với chi phí tiết kiệm hơn so với hình thức nghiên cứu khoa học truyền thống. Đây là một hình thức của mô hình “Khoa học công dân” thu hút công dân địa phương cùng tham gia nghiên cứu khoa học, giải quyết và ứng phó các vấn đề xã hội và môi trường dựa trên tinh thần tự nguyện.
Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong trong công tác quản lý tổng hợp vùng bờ và các hoạt động có sự tham gia của cộng đồng. Đến nay, địa phương đã xây dựng 4 tổ chức cộng đồng thực hiện quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các quận ven biển với 105 thành viên tham gia. Tại tỉnh Quảng Nam, địa phương thiết lập các câu lạc bộ bảo tồn biển các thôn tại Cù Lao Chàm, các tổ tuần tra cộng đồng tại Cẩm Thanh…Tuy nhiên, các hoạt động này gặp khó như lực lượng tham gia chưa có nhiều kinh nghiệm nhất những năm đầu tiên; việc triển khai còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Ngọc Thảo, Trưởng Ban thư ký Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, chia sẻ quyền, trách nhiệm cho cộng đồng và các bên liên quan trong quá trình thiết lập, vận hành là bài học đang được áp dụng hiệu quả trong hoạt động bảo tồn và phát huy danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển. Theo đó, cộng đồng tham gia vào việc xác định các đối tượng tài nguyên mục tiêu và các giá trị nổi trội toàn cầu của Khu sinh quyển đồng thời hỗ trợ Ban Quản lý xây dựng quy chế bảo tồn biển, tham gia vào các hoạt động tuần tra, giám sát tài nguyên biển, thậm chí được giao quyền quản lý, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản và phát triển dịch vụ.
“Những ngư dân tham gia mô hình này đã thực sự trở thành các “chuyên gia”, đủ khả năng tập huấn và chuyển giao công nghệ cho các khu bảo tồn, địa phương khác trên cả nước. Sự tham gia của cộng đồng giúp cho Khu sinh quyển ngày càng phát triển nhưng không làm mất đi bản sắc của địa phương”, ông Thảo chia sẻ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra hiện trạng đa dạng sinh học biển vùng Nam Trung Bộ cũng như ở Đà Nẵng; cùng một số vấn đề liên quan đến nghiên cứu, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học. Các đại biểu cho rằng, bên cạnh ngư dân, có thể huy động nguồn nhân lực từ các trường học với học sinh, sinh viên có kỹ năng; huy động nguồn lực từ tổ chức phi chính phủ và ứng dụng công nghệ sử dụng trong quan trắc và quản lý tài nguyên biển.
Hội thảo là dịp để giúp các địa phương có những định hướng sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực này. Đồng thời, đề xuất các giải pháp với góc nhìn đa chiều từ các nhà quản lý, nhà khoa học, các tổ chức và cộng đồng ngư dân về phát huy hiệu quả cũng như thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh vật.