SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

Mong sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để khơi thông nguồn lực đất đai tại TP. Hồ Chí Minh

Đình Du 06/11/2023 - 13:02

(TN&MT) – Liên quan đến những bất cập, hạn chế trong việc định giá đất, tính tiền sử dụng đất, xử lý đất công còn xen kẹt tại các dự án nhà ở thương mại…hiện nay ở TPHCM, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) bày tỏ kỳ vọng Quốc hội sớm thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để giải quyết những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực đất đai và tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản (BĐS).

anh-1(1).jpg
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM

PV: Có thể thấy, thị trường BĐS hiện nay vẫn chưa qua được giai đoạn khó khăn, Vậy xin ông cho biết , đâu là nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp BĐS hiện nay?

Ông Lê Hoàng Châu:

Thị trường BĐS có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế, vừa có hệ sinh thái riêng, vừa có quan hệ trực tiếp với các thị trường khác như: Thị trường tài chính, thị trường lao động, sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay thị trường BĐS các địa phương nói chung, TPHCM nói riêng đang rơi vào cảnh giảm tốc không phanh. Thời gian qua Chính phủ và các Bộ nghành đã ban hành nhiều chính sách như: Nghị quyết, Nghị định, Thông tư… nhằm hỗ trợ giúp thị trường BĐS hồi phục, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Rất nhiều thực trạng dẫn đến khó khăn của thị trường địa ốc, nhưng nguyên nhân chính vẫn là vướng mắc pháp lý, thủ tục kéo dài, phức tạp làm tăng thời gian tiền bạc của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, hệ quả hạn chế nguồn cung. Ngoài ra, vấn đề nổi cộm không kém là thiếu nhà vừa túi tiền, đây là phân khúc phần lớn người mua “tổ ấm” rất cần đến. Ở nước ngoài, phần lớn chủ đầu tư xây dựng nhà ở giá trung cấp, còn nhà hạng sang chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở nước ta thì ngược lại, nhà ở vừa túi tiền ngày càng giảm và thậm chí không có.

Qua đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này kỳ vọng giải quyết những vấn đề tồn đọng, đồng thời xây dựng đồng bộ cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển mạnh mẽ “nhà ở có giá phù hợp với thu nhập” và “nhà ở xã hội” để cân bằng thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực để đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở. Thật sự HoREA rất kỳ vọng Luật Đất đai khi đưa vào áp dụng sẽ tạo nên bước ngoặt mới cho cộng đồng doanh nghiệp BĐS cũng như người dân.

anh-2.jpg
Kỳ vọng Luật Đất đai khi đưa vào áp dụng sẽ tạo nên bước ngoặt mới thị trường bất động sản

PV: Với những nội dung mà Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình Quốc hội, ông nhận thấy Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có tác dụng như thế nào trong việc giúp doanh nghiệp BĐS tháo gỡ khó khăn và phát triển bền vững?

Ông Lê Hoàng Châu:

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ đổi mới tư duy kinh tế về đất đai. Điển hình thể hiện trong quy định “Nhà nước đầu tư phát triển quỹ đất để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư” và cơ chế “quỹ phát triển đất ứng vốn cho tổ chức phát triển quỹ đất để thực hiện“việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất”. Tôi tin rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định nguồn thu tài chính của quỹ phát triển đất được tiếp nhận từ ba nguồn: Ngân sách nhà nước; huy động các nguồn khác theo quy định của pháp luật, được phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương. Những bất cập, hạn chế trong việc định giá đất, tính tiền sử dụng đất, xử lý đất công còn xen kẹt tại các dự án nhà ở thương mại…cũng được giải tỏa trong Luật đất đai (sửa đổi).

Khi dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) áp dụng, hi vọng sẽ tạo sức bật về mặt pháp lý cho BĐS, giải quyết việc tắc nghẽn nguồn cung, tháo gỡ vướng mắc cho các quy hoạch treo đang tồn tại. Phát huy khả năng tự điều chỉnh lại thị trường BĐS, hạn chế việc can thiệp hành chính, công khai, minh bạch, lành mạnh hóa thị trường. HoREA hoan nghênh dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thời gian qua đã tiếp thu ý kiến, tán thành một số góp ý, áp dụng thực tiễn các quy định rất đúng, rất trúng cho BĐS trong tương lai.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Đình Du