Đánh thức tiềm năng Vân Hồ: Hành trình tạo dựng thương hiệu du lịch xanh
(TN&MT) - Nằm trong vùng quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, Vân Hồ được nhiều chuyên gia đầu ngành về du lịch đánh giá là một trong những khu vực nghỉ dưỡng có giá trị không kém Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì hay Đà Lạt…
Thoát lối mòn tư duy, Vân Hồ làm du lịch
“Đã lên núi - phải ở bản” là thông điệp đầy ấn tượng mà người dân bản du lịch Art - Stay, Chiềng Đi 1, xã Vân Hồ gửi gắm đến du khách. Art - Stay có 5 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, có 3 homestay mang đậm phong cách đặc trưng của đồng bào Mông, Thái, Dao, với định hướng phát triển xanh, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống.
Đây là dự án bản du lịch cộng đồng do nghệ sỹ dương cầm Phó An My và nhóm các nghệ sĩ tên tuổi cùng nhau thực hiện. Dự án dành tặng cho bà con nguyên vật liệu để dựng nhà sàn, vận động bà con phục dựng lại những ngôi nhà truyền thống. Các bức tường xi măng chạy dọc con đường vào bản cũng được các nghệ sĩ “art hóa” bằng những nét vẽ độc đáo, kể cho du khách những câu chuyện đầy màu sắc về cuộc sống của bà con các dân tộc nơi đây.
Theo lời Vàng A Thanh - chủ một homestay bản Art - Stay, trước kia khi chỉ thuần túy làm nông nghiệp thủ công thì đời sống bà con nghèo lắm. Từ khi biết làm du lịch, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Du lịch còn giúp bản làng đẹp hơn, tạo việc làm ổn định hơn. Có thể nói, chính quyền và người dân đã bắt kịp rất nhanh xu hướng mới.
Toàn huyện Vân Hồ hiện có 30 khách sạn, khu lưu trú. Từ năm 2020 đến nay, có 5 dự án du lịch được UBND tỉnh cấp quyết định đầu tư trên địa bàn huyện, 8 dự án đang khảo sát, xin chủ trương đầu tư. Tổng lượng khách du lịch 9 tháng năm 2023 đạt gần 400.000 lượt khách, thu nhập du lịch ước đạt 68,6 tỷ đồng. Trong đó, hơn 32.700 khách lưu trú, dịch vụ lưu trú đạt 20,5 tỷ đồng...
Cùng với Art - Stay, Vân Hồ đã khai trương bản du lịch cộng đồng dân tộc Mông Hua Tạt; Bản du lịch cộng đồng dân tộc Thái Nà Bai, Phụ Mẫu, bản Bướt, xã Chiềng Yên… với các loại hình trải nghiệm thác Tạt Nàng, tắm nước nóng, trải nghiệm làm nông nghiệp, tạo con đường rừng trekking... Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại bản Chiềng Đi 1, Mường An, Nà Sàng với các homestay theo kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào dân tộc địa phương, tổ chức chợ Phiên Chiềng Đi 1, Chiềng Đi 2 và đội văn nghệ phục vụ phát triển du lịch tại bản...
Đánh thức “nàng tiên”
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển du lịch chính là một trong 3 khâu đột phá mà Vân Hồ đã đề ra. Để thực hiện mục tiêu này, huyện Vân Hồ đã triển khai nhiều giải pháp đồng hành với doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục về đầu tư, khuyến khích thực hiện xã hội hóa đầu tư. Chú trọng bảo tồn, tôn tạo kiến trúc truyền thống về nhà ở và các công trình phục vụ sản xuất và homestay đảm bảo chất lượng, an toàn phục vụ tham quan, lưu trú đối với từng dân tộc.
Huyện đã phát động cuộc thi sáng tác biểu tượng, khẩu hiệu du lịch Vân Hồ. Phối hợp với huyện Mộc Châu xây dựng bản đồ du lịch thông minh; khảo sát, đề xuất với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa 12 điểm tham quan, du lịch, dừng nghỉ của Vân Hồ vào bản đồ du lịch tỉnh Sơn La. Xây dựng trang thông tin dulichvanho.com để quảng bá hình ảnh, cập nhật thông tin về tiềm năng, thế mạnh và các dịch vụ du lịch của huyện đến các nhà đầu tư, du khách… Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực tại địa phương phục vụ du lịch cộng đồng, góp phần tạo việc làm, hướng tới giảm nghèo bền vững.
Huyện cũng đã hình thành 3 tuyến du lịch chính gắn với các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, khám phá và du lịch cộng đồng, trọng tâm tại các xã Vân Hồ, Lóng Luông, Chiềng Yên, Chiềng Khoa, Quang Minh, Xuân Nha… Theo Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ Nguyễn Hợp Cường: “Hành trình tạo dựng thương hiệu du lịch Vân Hồ còn rất nhiều khó khăn. Song, huyện đã xác định du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Vì vậy, không thể để “nàng tiên” Vân Hồ ngủ yên”.
Hiện Vân Hồ đang tập trung rà soát, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của dịch vụ, sản phẩm du lịch đã có. Nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch mới có sức hút đối với du khách đi đôi với thực hiện các giải pháp bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; sưu tầm, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh để phục vụ phát triển du lịch xanh, bền vững. Mục tiêu đến năm 2025, tăng trưởng du lịch bình quân 10%/năm, lượng khách đạt trên 300.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 20.000 lượt, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 250 tỷ đồng/năm, đưa Vân Hồ trở thành điểm đến an toàn, thân thiện trong hành trình khám phá, trải nghiệm Sơn La - Tây Bắc.