Môi trường

Phát triển du lịch đô thị bền vững để giữ chân du khách

Khánh Ly 02/11/2023 - 16:41

(TN&MT) - Môi trường được xem là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đô thị, giúp duy trì tính hấp dẫn đối với du khách khi tham quan, trải nghiệm, đặc biệt trong trường hợp du lịch đô thị gắn với phát triển kinh tế đêm.

Đây là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội thảo khoa học “Phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam - Những vấn đề đặt ra” do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) tổ chức ngày 2/11, tại Hà Nội.

Chia sẻ về đóng góp của đô thị đối với ngành du lịch, ông Phạm Văn Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, giai đoạn vừa qua, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tăng khá nhanh. Năm 2022, Cả nước đã có khoảng 900 đô thị. Trong đó, có 5 đô thị trực thuộc Trung ương với 2 đô thị đặc biệt.

anh-1.jpg
Ông Phạm Văn Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội thảo

Với nhiều lợi thế, hoạt động du lịch tại các đô thị Việt Nam giai đoạn vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, chiếm tỷ trọng chủ yếu về khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch tại các đô thị vừa qua đã bộc lộ một số vấn đề đáng lưu ý, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững như: Gia tăng sức ép đến môi trường; giao thông tại các khu, điểm du lịch bị tắc nghẽn, đặc biệt vào mùa cao điểm; quy hoạch cảnh quan đô thị cũng có thể bị phá vỡ bởi các dự án xây dựng hạ tầng du lịch. Bên cạnh đó, giá trị của bất động sản gần các khu du lịch cũng bị đẩy cao và nảy sinh một số vấn đề về xã hội khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch tại các đô thị mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch trên cả nước.

PGS. TS Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam, du lịch tại đô thị là hình thái du lịch được tổ chức phát triển trên địa bàn đô thị - nơi tập trung các giá trị tài nguyên du lịch mang tính đặc trưng của đô thị về văn hóa - lịch sử, kiến trúc, lối sống truyền thống cư dân bản địa nhằm thoả mãn nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch về những giá trị cốt lõi của đô thị.

Từ cách tiếp cận này, chính sách đối với phát triển đô thị ngoài các quy định chung cần có những quy định mang tính đặc thù chuyên ngành du lịch. Ví dụ, tỷ lệ hợp lý đối với không gian “xanh” để tạo cảnh quan du lịch; tỷ lệ hợp lý các công trình dịch vụ, hệ thống giao thông và phương tiện vận chuyển công cộng phục vụ yêu cầu đi lại tham quan của khách du lịch…

Bản thân đô thị là nơi có môi trường tự nhiên luôn chịu áp lực lớn bởi sự tập trung dân cư và cũng là nơi phát sinh nhiều yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường, xã hội. Chính vì vậy, phát triển du lịch đô thị sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ của tình trạng môi trường du lịch đô thị. Nếu môi trường du lịch không được đảm bảo thì không chỉ chất lượng sản phẩm du lịch đô thị sẽ không không duy trì được tính hấp dẫn mà việc đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch cũng sẽ bị ảnh hưởng.

anh-2.jpg
Du lịch đô thị cần thoả mãn nhu cầu trải nghiệm của du khách về những giá trị cốt lõi của đô thị

PGS.TS Phạm Trung Lương nhận định, một trong những vấn đề thời sự hiện nay là khả năng thích ứng (chống chịu) của đô thị với tác động của biến đổi khí hậu như tình trạng tình trạng ngập úng đô thị đối với các đô thị vùng đồng bằng; tình trạng ngập úng nội đô và sạt lở bờ biển nơi phân bố chủ yếu hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ở các đô thị ven biển; tình ngập úng và sạt lở đối với các đô thị vùng núi dưới tác động các hiện tượng thời tiết cực đoan (bão, áp thấp nhiệt đới) và nước biển dâng. Điều này càng tác động mạnh tới du lịch trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu với mức độ “khốc liệt” ngày một tăng do tác động các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng.

Theo TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, trong những năm tới, du lịch Việt Nam được định hướng phát triển thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững và bao trùm, tối đa hóa sự đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Phát triển du lịch tại các đô thị vẫn là một trong những hướng ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành và địa phương phải có những giải pháp sáng tạo hơn, linh hoạt và phù hợp hơn, đặc biệt là áp dụng công nghệ trong quản trị đô thị nói chung, phát triển các mô hình du lịch thông minh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội mà không gây tổn hại cho đô thị và môi trường.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề đặt ra đối với việc phát triển du lịch bền vững tại các đô thị ở Việt Nam hiện nay và tham khảo kinh nghiệm quốc tế; phân tích những yếu tố tác động đến "sự bền vững" của hoạt động du lịch tại các đô thị như công tác quy hoạch và quản lý đô thị, quản lý lưu lượng khách du lịch, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ các di sản văn hóa trong phát triển du lịch; triển vọng áp dụng công nghệ số để kiểm soát dòng khách du lịch, thực hiện chính sách "khuếch tán" để giảm áp lực tại đô thị, mở rộng các vùng du lịch vệ tinh cho đô thị....

Hầu hết ý kiến nhấn mạnh, phát triển du lịch bền vững tại các đô thị đòi hỏi sự quan tâm đến môi trường, văn hóa, xã hội, cùng với quản lý và quy hoạch hợp lý để đảm bảo rằng du lịch mang lại lợi ích bền vững cho cả đô thị và cộng đồng địa phương.

Khánh Ly