Môi trường

Đắk Lắk: Bàn giao 70 ao chống hạn cho người dân

Khánh Ly 01/11/2023 - 14:42

(TN&MT) - Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Ban Quản lý Trung ương các Dự án thủy lợi (Bộ NN&PTNT) và Sở NN&PTNT Đắk Lắk vừa tổ chức bàn giao 70 ao nước chống hạn cho các hộ dân tại 2 huyện Krông Pắc và Ea Kar. Với tổng dung tích hơn 60.000 m3, các ao này có thể cung cấp nước tưới cho hơn 52 ha cây trồng.

Đặc biệt, những người hưởng lợi đều thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số là trụ cột trong gia đình. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam" (Dự án SACCR).

anh-1.jpg
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Lễ bàn giao

Những tháng cao điểm mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 hàng năm sau, Đắk Lắk luôn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nước tưới cho cây trồng. Nhiều công trình thủy lợi, chủ yếu là hồ đập nhỏ rơi vào mực nước "chết", khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở đây gặp rất nhiều khó khăn, bởi nguồn nước mặt hiện có chỉ đáp ứng khoảng 40% so với nhu cầu.

Theo thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp Đắk Lắk, tính đến cuối tháng 3/2023 đã có hơn 1.300 ha (lúa, cây trồng cạn) khô kiệt nước, dẫn đến khả năng mất trắng; gần 160.000 ha (cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, mắc ca và cây ăn trái) thiếu hụt nguồn nước tưới cho những đợt tiếp theo. Trước thực trạng hạn hán xảy ra ngày càng gay gắt và nghiêm trọng, giải pháp chống hạn luôn là yêu cầu cấp thiết.

Tại buổi lễ bàn giao ao chống chịu biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết, ngành nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ nông dân canh tác trong tình hình biến đổi khí hậu như: Xây mới và nâng cấp các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Tuy nhiên, hiệu quả đối với nông hộ sản xuất nhỏ vẫn còn hạn chế. Chính vì thế, hoạt động hỗ trợ ao cho các hộ dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.

z4836680560941_2d4aac3b693bba880926cadb9a615f68.jpg
Ao nước chống hạn được cải tạo để tăng dung tích chứa nước

Bày tỏ niềm vui khi có ao nước mới, ông Lê Văn Thắng - đại diện hộ dân hưởng lợi chia sẻ: Trước đây, nhà tôi có một cái ao nhỏ, nhưng hàng năm, nước chỉ đủ tưới khoảng 2 đợt trong mùa khô. Cây trồng trong vườn rẫy thường xuyên bị thiếu nước, làm giảm năng suất và giảm thu nhập của gia đình. Nhờ sự hỗ trợ từ Dự án SACCR tỉnh Đắk Lắk đưa máy móc vào đào thêm ao cho rộng và sâu hơn, ao nhà tôi đã chứa được nhiều nước hơn. Đây là sự hỗ trợ rất thiết thực khi thời gian cao điểm khô hạn đang tới rất gần.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng: Trong truyền thống sản xuất nông nghiệp ủa Việt Nam, nước là yếu tố quan trọng nhất để cây trồng phát triển. Hạn hán, El Nino và biến đổi khí hậu đang có tác động tiêu cực đến nguồn nước. Đào ao để hứng nước mưa là một giải pháp tốt để thích ứng với tác động của Biến đổi khí hậu. Chúng tôi mong các hộ dân sẽ tìm hiểu mô hình ao chống chịu của Dự án này và nhân rộng.

Lần này, Dự án SACCR bàn giao 70 ao trong tổng số 260 ao sẽ xây mới và cải tạo đến năm 2026. Sau khi bàn giao, các đơn vị sẽ triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn, hướng dẫn để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn nước quý hiếm trong mùa khô.

z4836682660486_93fc8b864f66c2eba0b66822817cae4e.jpg
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân tưới tiết kiệm nước để ứng phó với khô hạn

Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam” do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ. UNDP phối hợp cùng Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận cùng triển khai. Mục tiêu đến năm 2026, sẽ có 1.507 ao chống chịu khí hậu được xây dựng, bàn giao và vận hành đưa vào sử dụng.

Tính riêng tại tỉnh Đắk Lắk, Dự án sẽ xây mới 917 hệ thống kết nối điểm cuối; hỗ trợ thiết lập 2.335 hệ thống tưới tiết kiệm nước nội đồng, tập huấn về nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu thông qua các Lớp học đồng ruộng cho 5.838 hộ, hỗ trợ vật tư nông nghiệp cho 2.335 hộ và cải thiện khả năng tiếp cận tới thông tin thị trường, tín dụng và dịch vụ thông tin khí hậu nông nghiệp cho 29.980 hộ sản xuất nông nghiệp tại địa bàn dự án.

Khánh Ly