Quảng Ngãi sau 13 thực hiện Luật Khoáng sản 2010: Cần thiết sửa đổi, bổ sung để thúc đẩy phát triển bền vững
Kỳ 2: Quyết liệt hơn để xử lý dứt điểm những tồn tại
(TN&MT)- Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi liên tục thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn phát hiện ra nhiều trường hợp vi phạm và có những biện pháp xử lý kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại kéo dài, yêu cầu ngành chức năng cần có những giải pháp quyết liệt, cụ thể hơn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động này.
Những vi phạm mang tính đặc thù
Qua các buổi làm việc trực tiếp với doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cũng như khảo sát hiện trường, Phóng viên Báo TN&MT nhận thấy nhiều bất cập trong hoạt động khai thác khoáng sản phổ biến ở hầu khắp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Theo đó, vi phạm điển hình ở các mỏ khai thác đất được cấp phép khai thác từ lâu, đến nay đã khai thác vượt ranh giới được cấp phép. Bên cạnh đó, đại đa số các mỏ đều chưa được đấu nối giao thông, chỉ sử dụng thiết kế mỏ cơ sở để triển khai khai thác, vị trí mở vỉa không đúng theo thiết kế mở vỉa được phê duyệt. Đơn cử, qua ghi nhận thực tế tại mỏ đất núi ông Đoài (thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện, TP. Quảng Ngãi) do Công ty TNHH Cơ giới và Xây lắp Việt Đức khai thác, hầu như đều tồn tại những bất cập nêu trên. Ngoài ra, tình trạng khá phổ biến tại nhiều mỏ đất là không có giám đốc điều hành mỏ tại hiện trường và khi được đề nghị gặp thì luôn có lý do vắng mặt. Vậy, vấn đề an toàn lao động tại mỏ có được đảm bảo khi giám đốc mỏ không có ở hiện trường?
Đối với hoạt động khai thác đá, trên địa bàn huyện Bình Sơn, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng đá nguyên khối trữ tại nhiều mỏ đá tăng lên với số lượng cao bất thường. Trong khi đó, tại nhiều mỏ đá, hoạt động mở vỉa, khai thác tại mỏ phần lớn triển khai cầm chừng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có một dự án lớn đang được triển khai tại Khu kinh tế Dung Quất, quá trình cải tạo mặt bằng có dôi dư ra hàng triệu khối đất đá. Được biết, nhiều doanh nghiệp khai thác mỏ đá trên địa bàn đã vận chuyển một phần lượng đất đá này về tích trữ tại mỏ để chế biến thành phẩm và xuất ra thị trường. Theo đó, nguồn gốc đá tại nhiều mỏ đá trên địa bàn huyện Bình Sơn đang có “vấn đề” và cần sự vào cuộc xác minh từ cơ quan chức năng.
Cũng với nguồn gốc đất, đá dôi dư kể trên, đã có doanh nghiệp sử dụng để thực hiện hoàn thổ mỏ đá. Cụ thể, ở mỏ đá Thượng Hoà (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn), Công ty Cổ phần Xây dựng Đô thị và Khu công nghiệp (đơn vị khai thác) cho biết đã sử dụng để phục hồi phần diện tích đã khai thác đến cao trình kết thúc theo thiết kế. Vậy nguồn gốc vật liệu hoàn thổ mà doanh nghiệp sử dụng liệu đã phù hợp với Đề án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt hay chưa?
Khai thác ngoài giờ quy định, lưu lượng xe ra vào mỏ lớn,… là những bất cập thường thấy tại nhiều mỏ khai thác cát. Tại mỏ cát Tịnh An – Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi), dễ dàng nhận thấy lưu lượng lớn xe chở cát ra vào mỏ mỗi ngày. Gần như vào mọi thời điểm hoạt động, tại khu vực khai thác có khoảng chừng 30 – 40 đầu xe, loại thùng tải từ 20 – 30m3, xếp hàng đợi nhận cát. Ở khu vực nhà điều hành, trạm cân thì số lượng xe chở cát xuất mỏ liên tục. Trong nhiều ngày, PV ghi nhận mỏ cát hoạt động “không nghỉ trưa”, còn sau 18h thì các máy múc vẫn hoạt động đưa cát lên bãi để ngày hôm sau thuận tiện chuyển cát lên xe. Được biết, mỏ cát Tịnh An – Nghĩa Dũng do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Khoáng sản Quảng Ngãi khai thác với công suất 200.000m3/năm, nhưng với hiện trạng khai thác hiện nay thì có vẻ như công suất cho phép nguy cơ “chỉ nằm trên giấy tờ”!
Công tác tham mưu đã thật sự phù hợp?
Vừa qua, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn gửi các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh về việc lắp đặt camera, trạm cân và hệ thống giám sát hoạt động khai thác mỏ khoáng sản. Theo đó, Sở TN&MT yêu cầu trước ngày 30/10/2023, các doanh nghiệp phải hoàn thành việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại khu vực mỏ. Sau thời hạn nêu trên, đơn vị nào không thực hiện, Sở TN&MT sẽ xử lý theo quy định, đồng thời tham mưu UBND tỉnh đình chỉ, yêu cầu dừng hoạt động tại mỏ và không xem xét giấy phép khai thác khoáng sản (trừ trường hợp bất khả kháng).
Với yêu cầu trên, có thể thấy ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đang có những biện pháp quyết liệt để nâng cao công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Tuy nhiên, theo Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/03/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản thì hành vi không lắp đặt trạm cân tại nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Như vậy, xét trên các quy định hiện hành thì nội dung sẽ tham mưu UBND tỉnh đình chỉ, yêu cầu dừng hoạt động tại mỏ nếu doanh nghiệp không thực hiện lắp đặt trạm cân, camera giám sát thì đã thật sự phù hợp hay chưa?
Một vấn đề khác là công tác tham mưu trong việc gia hạn giấy phép khai thác mỏ không hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn cử, một doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn xã Bình Đông, huyện Bình Sơn cho rằng thời gian gia hạn giấy phép khai thác chưa phù hợp với trữ lượng còn lại tại mỏ, làm cho doanh nghiệp phải nhiều lần xin gia hạn. Cụ thể, tại mỏ đá Thượng Hoà (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) có trữ lượng 2.000.000m3, doanh nghiệp được cấp phép khai thác lần đầu vào năm 2000 với công suất khai thác 100.000m3/năm và thời hạn khai thác trong 10 năm. Đại diện doanh nghiệp cho biết đã tiến hành gia hạn nhiều lần và mỗi lần chỉ được gia hạn thêm từ 2 - 3 năm, trong khi công suất khai thác không thay đổi. Việc thời gian gia hạn khai thác ngắn, cộng thêm thời gian thực hiện các thủ tục gia hạn kéo dài đã vô tình tạo ra những khó khăn cho doanh nghiệp.
Rõ ràng, hàng loạt mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được cấp phép khai thác, nhưng hoạt động quản lý, giám sát chưa chặt chẽ và công tác quản lý còn nhiều vướng mắc, bất cập đang trở thành lực cản phát triển khoáng sản một cách bền vững.