Vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu nhiều kỳ vọng với Luật Đất đai (sửa đổi)
(TN&MT) - Dự kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV sẽ thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là một trong những nội dung quan trọng được đồng bào các dân tộc thiểu số, những người công tác, sinh sống ở Lai Châu, quan tâm và kỳ vọng chính sách đất đai sau khi được thông qua, ngày càng sát với điều kiện thự tiễn của địa phương. Đặc biệt, đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trao đổi với PV Báo TN&MT, bà Phạm Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lai Châu, cho biết: Lần sửa đổi Luật Đất đai này có nhiều nội dung được đề xuất sửa đổi liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất…, đặc biệt là việc phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong quản lý, sử dụng đất đai. Đây là một trong những lần sửa đổi Luật Đất đai có tính siết chặt hơn công tác quản lý đất đai, nhằm củng cố, khắc phục những hạn chế mà trước đó Luật Đất đai qua các thời kỳ chưa đề cập hoặc chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Đây cũng là một trong những yếu tố để thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội, hướng đến một xã hội bình đẳng, bình quyền trong việc sử dụng đất đai, chi tiết và cụ thể hóa từng đối tượng, từng trường hợp. Chúng tôi kỳ vọng lần sửa đổi Luật Đất đai lần này đảm bảo tính đồng bộ giữa các Luật khác như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Lâm nghiệp… để dễ thực hiện, tránh việc chồng chéo. Ngoài ra, có hướng dẫn cụ thể, chi tiết sát với đối tượng sử dụng đất, với tình hình thực tiễn tại địa phương. Đồng thời quy định cụ thể hơn về chính sách bồi thường, hỗ trợ công tác định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân được bố trí nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.
Nhìn về tổng thể, Dự thảo Luật Đất đai lần này có nhiều điều, khoản đã thay đổi, đáp ứng hoạt động quản lý đất đai trên thực tiễn hơn Luật Đất đai 2013. Ví như, quy định về phát triển quỹ đất, địa phương chúng tôi tổng hợp ý kiến của người dân cơ bản đồng ý với Dự thảo vì cơ bản phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. So với các lần Dự thảo trước thì Dự thảo lần này càng ngày càng sát với điều kiện, đối tượng, tình hình thực tiễn của người dân và của địa phương. Hy vọng, sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ là một trong những cẩm nang quản lý đất đai của các địa phương nói chung và của Lai Châu nói riêng ngày càng được chặt chẽ, đảm bảo hơn.
Đại diện cho HTX Dương Yến, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, ông Hoàng Đăng Bình, Giám đốc HTX, chia sẻ: Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung là một trong những điều tất yếu. Quá trình hình thành xây dựng và thực thi sẽ nảy sinh các vấn đề từ cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, mỗi lần sửa đổi điều luật là một lần hoàn thiện hơn, hướng đến đảm bảo lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người dân và của cả cộng đồng. Chúng tôi quan tâm bởi chính sách đất đai liên quan đến đời sống, sinh kế, tài sản của chúng tôi. Nếu chính sách tốt, quy định sát với đối tượng sẽ dễ hơn cho cả người thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai và cho cả người dân thực hiện nghĩa vụ đất đai. Nhất là đối tượng quản lý Nhà nước về đất đai cũng sẽ được minh bạch, chủ sở hữu đất đai cũng rõ trách nhiệm của mình. Không còn việc bao che sai phạm, lạm quyền tiêu cực trong việc quyết định các vấn đề pháp lý về đất đai. Người dân cũng không chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu khi sử dụng đất, thuê đất tại địa phương.
Tuy nhiên hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn vướng mắc do quy định về quyền thế chấp sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định Luật Đất đai 2013 vẫn còn thiếu linh thoạt trong việc hỗ trợ tài chính cho HTX khi thế chấp tại tổ chức tín dụng. Các hộ gia đình, cá nhân, thành viên HTX sử dụng đất nông nghiệp do nhà nước giao đất, chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, thừa kế, được cho, tặng quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn hộ gia đình, cá nhân khác (quy định tại Điều 190 Luật Đất đai năm 2013) . Riêng đối với đất trồng lúa, các hộ gia đình, thành viên của HTX không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa (khoản 3, Điều 191, Luật Đất đai 2013).
Tổ chức kinh tế (HTX, Liên hiệp HTX) là đối tượng không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (Khoản 2 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013).
Trong lần sửa đổi Luật Đất đai lần này, chúng tôi kỳ vọng bộ luật sẽ quy định và làm rõ vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ HTX, Liên hiệp HTX thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của nông dân để việc triển khai các dự án đầu tư của HTX sản xuất nông nghiệp quy mô được thuận lợi.
Đại diện cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, anh Tẩn Diêu Quang, (dân tộc Dao), bản Chi Sáng, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, cho biết: Cử tri và Nhân dân mong chờ Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua để Luật Đất đai sớm được ban hành đi vào cuộc sống. Những vấn đề lớn lao tôi không dám bàn luận ở đây, nhưng riêng về đất đai, chính sách đất đai sẽ ảnh hưởng đến nhà nhà, người người trong xã hội, có cả những người là đồng bào dân tộc thiểu số như chúng tôi.