Thiết lập bộ quan sát toàn diện để giải quyết tác động sóng nhiệt đại dương
(TN&MT) - Hệ thống Quan trắc Đại dương Toàn cầu (GOOS) vừa công bố báo cáo thường niên về tình trạng các mạng quan sát và cách chúng đáp ứng các nhu cầu xã hội cấp bách, bao gồm theo dõi các đợt nắng nóng trên biển, bảo vệ an toàn sinh vật trên biển và hệ sinh thái thảm cỏ biển.
Báo cáo mới dành riêng một chương cho nắng nóng trên biển
Mặc dù đã có nhiều cải thiện trong việc giám sát và hiểu biết một cách có hệ thống về đại dương, nhưng các hiện tượng có tác động lớn như bão nhiệt đới, sóng nhiệt trên biển và thời tiết biển cực đoan đồng nghĩa rằng cần có nhiều dịch vụ đại dương đa dạng hơn.
Báo cáo Hệ thống Quan sát Đại dương dành một chương đặc biệt cho các đợt nắng nóng trên biển. Các đợt nắng nóng ở biển thường kéo dài và có tác động tai hại đến hệ sinh thái biển, bao gồm việc di dời của cá và tỷ lệ tử vong cao ở các loài dễ bị tổn thương. Chúng cũng ảnh hưởng đến các hiện tượng cực đoan khác trên đất liền, như hạn hán và sóng nhiệt, đồng thời làm tăng số lượng các cơn bão nhiệt đới.
Báo cáo cho biết: “Do biến đổi khí hậu, các đợt nắng nóng trên biển ngày càng thường xuyên hơn, dữ dội và kéo dài hơn. Chúng xuất hiện ở tất cả các lưu vực đại dương, khiến một loạt hệ sinh thái và cộng đồng đại dương gặp nguy hiểm”.
Vào năm 2022, bất chấp sự xuất hiện của La Nina, 58% bề mặt đại dương phải hứng chịu ít nhất một đợt nắng nóng trên biển. Sự phát triển của El Nino, với nhiệt độ bề mặt nước biển ấm hơn bình thường ở Thái Bình Dương, đồng nghĩa với việc có khả năng năm 2023-2024 sẽ chứng kiến những đợt nắng nóng trên biển dữ dội hơn nữa. Điều này được chứng minh bằng đợt nắng nóng ở phía Đông Bắc Đại Tây Dương vào tháng 6/2023.
Các chương trình quốc tế khác nhau như GOOS, Chương trình Nghiên cứu Khí hậu Thế giới và Hệ thống Quan sát Khí hậu Toàn cầu hiện đang phối hợp hoạt động để thiết lập một bộ quan sát toàn diện, tích hợp vệ tinh và quan sát tại chỗ, nhằm giải quyết các tác động của sóng nhiệt trên biển. Để đạt mục tiêu này, họ cần làm việc với các bên liên quan trong nước và quốc tế, như các nhà quản lý hệ sinh thái biển và nghề cá.
Ông Mathieu Belbéoch, Giám đốc của OceanOPS, trung tâm quốc tế cung cấp các dịch vụ quan trọng trong việc giám sát, tích hợp và hỗ trợ các hoạt động cũng như luồng dữ liệu của mạng GOOS cho biết: “Trước tình trạng biến đổi khí hậu, cộng đồng toàn cầu phải cùng nhau nỗ lực để cải thiện phạm vi bao phủ, chất lượng và tính chất đa ngành của hệ thống quan trắc nhằm đáp ứng các dịch vụ dự báo quan trọng và nhu cầu xã hội. OceanOPS có thể giúp thực hiện những kết nối này”.
“Mắt” trên đại dương
Hệ thống quan sát đại dương toàn cầu hợp nhất các chương trình quan sát đại dương quốc tế, khu vực và quốc gia, chính phủ, cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức nghiên cứu và các nhà khoa học cá nhân để giám sát đại dương đang thay đổi của chúng ta thông qua “con mắt” của hàng ngàn nền tảng quan sát đại dương. Những nền tảng này bao gồm từ phao định hình tự động và tàu lượn dưới nước, đến phao cố định và phao trôi, đến tàu thương mại và nghiên cứu, thậm chí cả động vật có vú dưới biển.
Hệ thống quan sát này đã phục hồi sau tác động của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động quan sát. Báo cáo cho biết đã có những cải thiện đáng kể về công nghệ, các công cụ tự động, các phương pháp tiếp cận đa ngành và hợp tác quốc tế.
Báo cáo cũng giới thiệu những thành tựu và thách thức trong việc tiếp tục tích hợp các quan sát vật lý, sinh địa hóa và sinh học. Ngày càng có nhiều khoản đầu tư vào các cảm biến sinh địa hóa và phao định hình Argo tự động sâu, đồng thời ngày càng có nhiều thành phần mới của hệ thống như cáp thông minh và phương tiện bề mặt không người lái tiếp tục phát triển, một phần do sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác thuộc khu vực tư nhân.
Bảo đảm an toàn sinh mạng trên biển
Để đảm bảo cảnh báo và dự báo thiên thạch kịp thời và chính xác cần có sự liên kết chặt chẽ từ quan sát biển đến xử lý dữ liệu, mô hình dự báo và dịch vụ. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Ủy ban Hải dương học liên chính phủ của UNESCO cần phối hợp, thông qua GOOS để kết nối các mắt xích trong chuỗi này.
1.600 tàu cung cấp gần 10.000 quan sát mỗi ngày, chia sẻ chúng theo thời gian thực thông qua Hệ thống Viễn thông Toàn cầu của WMO.
Mặc dù gần đây đã có nhiều cải thiện về kỹ năng dự báo, các tàu vẫn phải hứng chịu những thiệt hại liên quan đến thời tiết, với những thiệt hại liên quan đến hàng hóa và sinh mạng. GOOS hiện đang hợp tác với cộng đồng vận tải biển để mở rộng quan sát khí tượng và hải dương học từ tất cả các tàu trên biển. Giá trị của các quan sát khí tượng và hải dương học không thể phóng đại. Những quan sát chất lượng hơn, được thực hiện thường xuyên hơn sẽ cải thiện khả năng dự báo cho tất cả các tàu trên biển, đồng thời giảm bớt những tổn thất liên quan đến thời tiết trên biển.
Để làm được điều này đòi hỏi tất cả mọi người từ thuyền viên đến dự báo viên phải chung tay để thu thập dữ liệu tốt hơn, cải thiện dự báo và tăng cường bảo đảm an toàn trên biển.
Ông David Legler, Chủ tịch Nhóm điều phối quan sát GOOS cho biết, GOOS có vai trò rất quan trọng để mở ra một kỷ nguyên mới về thông tin đại dương: các công nghệ quan sát và sự tham gia của khu vực tư nhân đang mang đến những cơ hội mới cho GOOS giải quyết những vấn đề này cũng như các nhu cầu quan sát đại dương cấp bách khác.
Báo cáo Hệ thống Quan sát Đại dương được thực hiện bởi OceanOPS - trung tâm hỗ trợ và giám sát hoạt động của GOOS, được ra mắt với sự hợp tác của WMO, Ủy ban Hải dương học Liên Chính phủ của UNESCO (IOC-UNESCO), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Hội đồng Khoa học Quốc tế (ISC).