Tuy Đức (Đắk Nông): Nỗ lực thoát nghèo bền vững
Nhờ sự quan tâm, ưu tiên phân bổ nguồn lực của Trung ương và cấp tỉnh, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) đã triển khai nhiều chương trình giảm nghèo hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hiện tại, cả hệ thống chính trị của huyện đang nỗ lực từng ngày để hoàn thành mục tiêu thoát khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước vào cuối năm 2023.
Để hiểu rõ hơn những cố gắng, nỗ lực cũng như quyết tâm cao độ từ người dân cho đến chính quyền địa phương phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Trần Vĩnh Phú -Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức.
Pv: Thưa ông! Tuy Đức là một trong hai huyện 30a của tỉnh Đắk Nông đang được Trung ương hỗ trợ nhiều chính sách giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế thoát nghèo. Ông có thể chia sẻ một số chương trình chính sách hỗ trợ và có hiệu quả như thế nào?.
Ông Trần Vĩnh Phú: Tuy Đức là huyện biên giới đặc biệt khó khăn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 44% dân số. Huyện có đặc thù dân cư sống rải rác, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.Giai đoạn 2020 - 2025, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ đột phá mà huyện Tuy Đức đặt ra.
Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, huyện đẩy mạnh các giải pháp giảm nghèo bền vững. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Tuy Đức đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân dựa trên điều kiện, đặc thù và nguồn lực của địa phương.Trong đó, huyện chú trọng hỗ trợ giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số. Công tác giảm nghèo được gắn với phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.
Huyện đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề số 06 về công tác giảm nghèo bền vững tại 6 bon đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giai đoạn 2021-2025.Thực hiện nghị quyết này, huyện đã nghiên cứu, phân tích điều kiện, cuộc sống của từng hộ dân, từng bon để đưa ta các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo.Đơn cử như bon Bu NĐơr, xã Quảng Tâm, dựa trên tình hình thực tế, huyện đã ưu tiên lồng ghép nguồn vốn phát triển kinh tế, xã hội từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện giảm nghèo bền vững. Cụ thể, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, huyện đã hỗ trợ nhà ở cho 2 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2 hộ; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, bảo vệ phát triển rừng… cho hàng chục hộ, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng.
Ngoài ra, huyện hỗ trợ 117 triệu đồng tiền điện cho 199 hộ; 4 tỷ đồng vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất cho 96 hộ.100% người dân trong bon được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách Nhà nước. UBND xã Quảng Tâm đã kêu gọi, vận động xã hội hóa được hơn 190 triệu đồng để hỗ trợ, giúp bà con trong bon Bu NĐơr phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.Kết quả, năm 2022, bon Bu NĐơr đã giảm được 82 hộ nghèo. Đây là kết quả giảm nghèo hiệu quả nhất của bon từ trước tới nay. thực hiện Nghị quyết 06, các xã trên địa bàn đã linh động trong việc lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án để thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân.
Pv: Được biết, hiện nay Tuy Đức đang là một trong ít huyện của khu vực Tây Nguyên trồng hiệu quả cây mắc ca đạt năng suất giúp đời sống người dân ngày một ổn định hơn. Ngoài ra, đây được xem là cây trồng vừa giúp chống biến đổi khi hậu và giảm nghèo bền vững. Ông đánh giá như thế nào về loại cây trồng này?.
Ông Trần Vĩnh Phú: Dựa vào những mô hình thử nghiệm, huyện Tuy Đức đã quy hoạch và tập trung phát triển các loại cây trồng phù hợp với từng tiểu khí hậu, thổ nhưỡng. Đến nay, huyện đang dần hình thành các vùng cây trồng quy mô lớn, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. So với các loại cây trồng dài ngày khác như cà phê, hồ tiêu... thì mắc ca là cây trồng dễ tính, mức đầu tư thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, trong khi thu nhập lại cao gấp vài lần cà phê.
Nhưng để phát triển bền vững và nâng cao giá trị cây mắc ca hơn nữa thì phải gắn với chế biến sâu, tìm đầu ra ổn định. Và điều quan trọng là phải áp dụng quy trình canh tác sạch, theo hướng hữu cơ để vừa có sản phẩm đạt chất lượng, vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ đất sản xuất bền vững, đồng thời an toàn cho nông dân trực tiếp làm việc ở vườn. Mắc ca đang là cây trồng phù hợp với tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân nơi đây. Mắc ca giúp người dân thoát nghèo, thậm chí làm giàu.
Cụ thể, vùng sản xuất điều 9.780 ha tại xã Đắk Ngo, Quảng Tân; vùng sản xuất cà phê 12.300 ha tại xã Quảng Tân, Đắk R'tíh, Đắk Búk So; vùng sản xuất hồ tiêu 1.800 ha tại xã Quảng Tân, Quảng Tâm và Đắk Búk So; vùng sản xuất mắc ca 1.420 ha tại xã Quảng Trực, Quảng Tâm, Đắk Búk So; vùng sản xuất rau xanh 250 ha trên địa bàn xã Đắk Búk So, Quảng Tâm... Theo Đề án “Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, huyện Tuy Đức đặt mục tiêu đạt 3.247ha mắc ca vào năm 2025. Đến năm 2030 tăng lên 5.897ha và đến năm 2050 đạt 6.035ha.
Theo đề án phát triển bền vững cây mắc ca của UBND huyện Tuy Đức, thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với đơn vị chức năng rà soát đất lâm nghiệp phù hợp để đưa vào trồng mắc ca theo mô hình nông lâm kết hợp; xây dựng các nhà máy chế biến hạt mắc ca quy mô, tạo đầu ra ổn định. Trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ thành lập hiệp hội sản xuất mắc ca trên địa bàn; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm hạt mắc ca Tuy Đức... Tuy Đức có gần 62.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, huyện tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, sắp xếp lại sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa bàn.
Xin cám ơn ông !