Xã hội

Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững ở huyện vùng cao Yên Minh

Bảo Hà 30/10/2023 - 13:01

Là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang, với 15/18 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, các cấp chính quyền và người dân huyện Yên Minh đã thực hiện nhiều giải pháp giúp bà con vươn lên xóa đói, giảm nghèo, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh Hà Giang.

Khởi sắc ở huyện nghèo Yên Minh

Huyện Yên Minh nơi tập trung các dân tộc người Mông, Nùng, Tày, Dao, Giáy... với 4 xã biên giới khó khăn bởi điều kiện tự nhiên chủ yếu là núi đá, đất sản xuất ít, cây lương thực của người dân vẫn là cây ngô, chăn nuôi chưa phát triển, thường xuyên thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Trước đây, người dân vẫn còn nặng nề tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; sản xuất nhỏ lẻ theo hướng tự cung, tự cấp… Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí đa chiều) của huyện Yên Minh rất cao.

11.jpg
Chương trình trao tặng bò sinh sản cho hộ nghèo tại xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

Thế nhưng, trong những năm qua, nhờ phát huy tối đa nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ vùng biên giới, đặc biệt khó khăn của Trung ương và của tỉnh Hà Giang gắn với tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay của huyện Yên Minh đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 19%, mức giảm bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 là 6%, đạt mục tiêu đề ra với 4.322 hộ đã thoát nghèo.

Chia sẻ về những kết quả đã đạt được trong những năm qua của huyện, Chủ tịch UBND huyện Yên Minh Sùng Mí Thề cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, huyện Yên Minh đã thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, huyện ủy, UBND huyện đã ban hành Nghị quyết, kế hoạch thực hiện bài bản, thể hiện quyết liệt, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhận được sự đồng thuận cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là các hộ nghèo.

Theo đó, lãnh đạo huyện Yên Minh đã đưa ra Nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo để phấn đấu thoát khỏi 62 huyện nghèo của cả nước. Để đạt được mục tiêu này huyện Yên Minh tập trung trọng tâm vào những chương trình, chính sách phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp cho người dân, hỗ trợ người dân triển khai các mô hình phát triển kinh tế tạo sinh kế, thúc đẩy giao thương, đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống điện, nước….

Nhiều chương trình, phương án đột phá về sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sản lượng lương thực và quy hoạch vùng sản xuất trọng điểm cũng được lãnh đạo huyện áp dụng triển khai đối với một số loại cây trồng chính như: Quy hoạch vùng trọng điểm sản xuất lúa ở 5 xã gồm Bạch Đích, Mậu Duệ, Ngọc Long, Du Già và thị trấn Yên Minh; quy hoạch vùng sản xuất ngô ở 9 xã: Du Già, Du Tiến, Sủng Thài, Mậu Long, Ngọc Long, Thắng Mố, Đường Thượng, Lũng Hồ và Phú Lũng và quy hoạch vùng sản xuất cây đậu tương ở một số xã.

22.jpg
Đời sống người dân được ấm no, nhiều người dân thoát nghèo.

Bên cạnh đó, huyện Yên Minh cũng ban hành phương án và kế hoạch hỗ trợ phát triển mô hình trang trại chăn nuôi hộ theo hướng tập trung; hỗ trợ người dân tiền vốn mua con giống, hỗ trợ tu sửa chuồng trại, thức ăn và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ tham gia mô hình chăn nuôi đại gia súc. Các hộ dân tham gia có trách nhiệm, đóng góp thêm tiền mua con giống, tu sửa chuồng trại, trồng thêm thức ăn chăn nuôi để hỗ trợ đàn gia súc phát triển tốt, giúp cho người có phương tiện sản xuất, sức cày kéo, phân bón, tạo việc làm, có sản phẩm giá trị cao để bán ra thị trường, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Cùng với nông nghiệp, các lĩnh vực khác như giao thông, xây dựng, công nghiệp, du lịch… cũng có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, từ các chính sách hỗ trợ, huyện đã ưu tiên nguồn vốn tập trung xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Do đó, người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ dân tộc thiểu số đã hưởng đủ các chính sách, dự án giảm nghèo; hệ thống cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư, hoàn thiện, đời sống người dân từng bước được nâng lên, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Điểm nhấn trong công tác giảm nghèo của huyện là việc phân công cán bộ "đỡ đầu" hộ nghèo thể hiện tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên cùng chung tay "gánh vác" nhiệm vụ giảm nghèo trên địa bàn huyện vùng cao còn nhiều gian khó. Theo đó, 100% số cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn toàn huyện trực tiếp tham gia hỗ trợ cho hơn 1.300 hộ nghèo. Cán bộ, đảng viên dành nhiều thời gian xuống hộ nghèo tìm hiểu nguyên nhân đói nghèo, nguyện vọng của bà con để có hình thức giúp đỡ cụ thể như: Hướng dẫn các hộ lịch thời vụ, kỹ thuật sản xuất cây trồng, chăn nuôi, hướng dẫn nên bà con biết và tiếp cận với các chương trình, chính sách, nguồn vốn của Nhà nước đối với đồng bào vùng cao như: Vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, lãi suất thấp từ Ngân hàng chính sách xã hội; chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm; chính sách về nhà ở và hỗ trợ sản xuất;…

Tiếp tục nâng cao hiệu quả giảm nghèo

Theo ông Sùng Mí Thề, trong giai đoạn 2021 – 2025, Đảng bộ, chính quyền huyện Yên Minh đang kiên định với mục tiêu tiếp tục duy trì tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân 6%/năm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 31,5 triệu đồng/năm, nâng cao hiệu quả giảm nghèo, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới…

33.jpg
Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Yên Minh thực hiện thủ tục giải ngân vốn vay cho người nghèo.

Để đạt mục tiêu đề ra, huyện sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các Đề án, Phương án thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thương mại - dịch vụ, chú trọng nhân rộng các mô hình mới, có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Phấn đấu sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, dần đưa huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, huyện cũng tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh, sức sáng tạo của địa phương để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, với định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, phát triển mạnh dịch vụ, tạo sự bứt phá về du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển và sức mạnh đoàn kết các dân tộc…

Giải pháp thực hiện cho từng chỉ tiêu, lĩnh vực cụ thể cũng đã được huyện xác định, như toàn huyện tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển theo chiều rộng và chiều sâu; phát triển toàn diện sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào đời sống và sản xuất; tập trung nguồn lực xây dựng thực hiện đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Đồng thời huyện tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, phát triển thể dục - thể thao và thông tin, truyền thông, gắn với xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Bảo Hà