Môi trường

Bà Rịa – Vũng Tàu: Để người dân thấy lợi ích từ phân loại rác tại nguồn

Linh Nga 30/10/2023 - 10:53

(TN&MT) – Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang triển khai nhiều giải pháp quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn để bảo đảm phát triển của tỉnh theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Điều này vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, vừa nâng cao đời sống cho người dân khi môi trường tốt hơn và có thêm nguồn vốn từ bán vật liệu phế thải.

a-1-mo-hinh-bien-rac-thanh-tien.jpg
Mô hình thu gom rác tái chế bán lấy tiền gây quỹ để giúp đỡ người nghèo của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang được đông đảo hội viên và người dân hưởng ứng, tham gia

Kiểm soát nguồn thải còn gặp nhiều khó khăn

Theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, xác định công tác BVMT đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển bền vững của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo đó, thời gian qua, việc quản lý, kiểm soát các nguồn thải luôn được tỉnh chú trọng thực hiện. Hiện tỉnh đã chấm dứt việc chôn lấp CTRSH không hợp vệ sinh tại các bãi rác tạm. Hạ tầng kỹ thuật về xử lý CTR được đầu tư cải thiện, tạo điều kiện chủ động trong giải quyết, xử lý CTR phát sinh trên địa bàn. Các bệnh viện, trung tâm y tế được đầu tư hệ thống xử lý CTR theo mô hình tập trung…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp phải một số khó khăn, tồn tại, như: các dự án xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt chậm được thực hiện so với kế hoạch; chưa xử lý dứt điểm được lượng rác thải tồn đọng tại khu vực Bãi Nhát, huyện Côn Đảo. Công tác triển khai quy hoạch, đầu tư hạ tầng và quản lý hoạt động của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên còn chậm, dẫn đến việc xảy ra tình trạng phát thải tại một số nơi, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, việc phân loại CTRSH tại nguồn mới chỉ được thực hiện thí điểm tại một số địa bàn, chưa phổ biến…

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: Việc phân loại CTRSH tại nguồn là một trong những giải pháp quan trọng góp phần vào việc giải quyết những vấn đề môi trường do CTR gây ra, cụ thể: Phân loại các thành phần trong CTRSH thành những phần riêng biệt, có thể tái chế, tái sử dụng, thu gom được các loại chất thải nguy hại có lẫn trong CTRSH; thực hiện thu phí xử lý và bán nguyên liệu tái chế, cân bằng thu chi trong quản lý CTRSH, giảm bớt khối lượng chất CTRSH phải chôn lấp ở các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, xử lý bằng phương pháp đốt, góp phần giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, từng bước thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải nhà kính trong quá trình xử lý chất thải… Thế nhưng hiện tại, việc phân loại CTRSH tại nguồn ở Bà Rịa – Vũng Tàu phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa.

“ Việc tổ chức phân loại, thu gom CTRSH tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân, mà còn giúp thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý CTR, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Tuy nhiên, để mục tiêu phân loại, xử lý CTRSH tại nguồn đi vào cuộc sống thiết thực, phải có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị và từng người dân” - ông Đặng Sơn Hải nhấn mạnh.

Tính tới thời điểm hiện tại, khối lượng CTRSH trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được thu gom, xử lý trung bình khoảng 950 tấn/ngày, nhưng hầu như chưa được phân loại, chưa có giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý phù hợp nên chưa đáp ứng đầy đủ về hiệu quả và chưa mang tính bền vững…

a-2-doi-rac-lay-qua.jpg
Các ngành chức năng tỉnh BR-VT thường xuyên tổ chức hoạt động “Đổi rác lấy quà” nhằm lan tỏa, phát huy tốt vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động BVMT

Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững

Theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu , cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tác động của quá trình đô thị hóa, lượng CTR phát sinh trên địa bàn tỉnh có tốc độ tăng khoảng 10% mỗi năm, dự báo đến năm 2025, khối lượng CTRSH phát sinh khoảng 1.590 tấn/ngày. Do đó, để BVMT, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phê duyệt Đề án Quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030. Mục tiêu là đến năm 2025, tỷ lệ CTRSH trên địa bàn tỉnh được phân loại đạt trên 30% và đạt 50% vào năm 2030.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo đó, ngoài việc tập trung nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong công tác quản lý CTR, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bằng nhiều hình thức cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc phân loại CTRSH tại nguồn, rác thải sau khi phân loại phải được chứa đựng trong các túi để chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định. Khuyến khích người dân tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

Đồng thời, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về việc giữ gìn cảnh quan chung, không xả rác bừa bãi và đặc biệt là ý thức phân loại rác ngay từ chính trong mỗi căn nhà, mỗi cơ quan, đơn vị để rác thải trở thành tài nguyên, được tái chế, tái sử dụng và tạo ra giá trị, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.

Song song đó, tỉnh cũng tập trung phát huy tối đa vai trò của các tổ chức, đoàn, hội như: Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, tổ dân phố… cùng giám sát việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Xử phạt các hành vi vứt rác không đúng nơi quy định, không phân loại rác thải tại nguồn; Kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực thu gom, tái chế, xử lý CTRSH, đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại phù hợp với từng loại CTR đã được phân loại, để đồng bộ từ khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý rác.

Linh Nga