SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

Ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam: Cả hệ thống chính trị, xã hội kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sớm được thông qua

Lan Anh (thực hiện) 27/10/2023 06:55

(TN&MT) - Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ sớm góp phần giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư....Ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam trao đổi với phóng viên Báo TN&MT.

nguyen-truong-son-pho-giam-doc-so-tnmt-qn.jpg
Ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam

Theo ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội khoá XV xem xét thảo luận và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đã thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Nhà nước trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai, hướng tới phát huy tối đa nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và giải quyết hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng sử dụng đất; đồng thời, đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ trong công tác quản lý đất đai để nâng cao tính hiệu quả, bền vững được cân nhắc và quan tâm hàng đầu.

Trước đây khi thực hiện Luật Đất đai 2013, Quảng Nam gặp một số bất cập trong việc áp dụng quy định của pháp luật về đất đai để giải quyết các vấn đề thực tiễn liên quan đến việc công nhận quyền sử dụng đất và thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Với hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, cụ thể hơn, Luật Đất đai 2023 được ban hành sẽ giúp cho các chủ thể trong quản lý và sử dụng đất có cơ sở pháp lý rõ ràng, ổn định; dễ áp dụng và triển khai thực hiện; cắt giảm một số thủ tục hành chính, chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường nói chung và lĩnh vực đất đai nói riêng.

Đồng thời, Luật với nhiều nội dung được điều chỉnh, đổi mới được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn phát sinh trong công tác quản lý và sử dụng đất đai trên cả nước trong thời gian qua, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; góp phần khơi thông, tháo gỡ các nút thắt trong triển khai các dự án đầu tư do vướng cơ chế, chính sách về pháp luật đất đai trong thời gian qua, từ đó đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án và giải ngân kịp thời nguồn vốn đầu tư công;… hỗ trợ, khuyến khích, thu hút nhiều hơn nữa các nguồn lực đầu tư từ xã hội vào đất đai, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và mọi mặt đời sống dân sinh.

Đối với tỉnh Quảng Nam thì việc ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn đối với người dân và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Cả hệ thống chính trị, xã hội đang chờ đợi và kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh như việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; những thiếu hợp lý trong chủ trương, chính sách sử dụng đất và sự phát triển bất ổn của thị trường bất động sản, khiến nguồn lực đất đai bị sử dụng lãng phí; nỗi lo về quyền bình đẳng trong tiếp cận đất đai cũng như quyền có nhà ở của công dân đã được hiến định.

Đặc biệt Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp tại Quảng Nam đi theo theo tinh thần là phải hướng đến và đạt được hiệu quả cao nhất trong quản lý và sử dụng đất đai phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; nguồn lực đất đai phải tiếp tục được khẳng định là nguồn lực đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, tác động trực tiếp đến các đối tượng sử dụng đất, các thành phần kinh tế, đặc biệt là đến đời sống của từng người dân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.

Lan Anh (thực hiện)