Mường Khương – Lào Cai: Chuyển đổi cây trồng hướng đi giúp dân thoát nghèo
(TN&MT) - Là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Lào Cai, đời sống của nhân dân huyện Mường Khương còn gặp rất nhiều khó khăn. Những năm qua, xác định nâng cao thu nhập cho người dân là một nhiệm vụ trọng tâm để giảm nghèo, Mường Khương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các mô hình sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Để tìm hiểu rõ hơn về công tác chuyển đổi cây trồng giảm nghèo bền vững, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Giàng Quốc Hưng, Bí thư huyện Mường Khương xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết thời gian qua huyện Mường Khương đã làm gì để phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững nhờ vào chuyển đổi cây trồng?
Ông Giàng Quốc Hưng: Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua huyện Mường Khương đã lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực, tiềm năng theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đến nay, huyện đã phát triển được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị như: Vùng chè 4.915 ha, vùng dứa 1.638 ha, vùng chuối 463 ha, vùng quýt 815 ha; các vùng sản xuất hàng hóa này đã mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định, bền vững cho Nhân dân, giúp người dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Nhờ có chuyển đổi cây trồng từ lúa, ngô, khoai, sắn sang trồng chè, quýt, chuối, mà mặt bằng của huyện biên giới 30a Mường Khương đã có nhiều thay đổi. Toàn huyện đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 80% các con đường liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa… Đặc biệt đời sống người dân được nâng lên, thu nhập tăng, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Khương những năm gần đây cũng theo đó giảm dần.
Năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo của Mương Khương giảm 7,66%, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn lại là 39,67%. 9 tháng đầy năm 2023 Mường Khương đã giảm được 3% các hộ nghèo của huyện, chúng tôi phấn đấu hết năm 2023 Mường Khương chỉ còn 32% hộ nghèo.
PV: Xin ông nói rõ hơn về việc chuyển đổi cây trồng giúp người dân thoát nghèo vươn lên làm giàu ở Mường Khương ?
Ông Giàng Quốc Hưng: Trong các ngành hàng chủ lực huyện Mường Khương đang tập trung phát triển để giúp người dân thoát nghèo thì mô hình trồng chè đã thể hiện “ý Đảng, lòng dân”, được cấp ủy, chính quyền vào cuộc, Nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng rất mạnh mẽ. Cây chè có nhiều lợi thế để giúp người dân có thu nhập ổn định, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Trước đây đời sống kinh tế các hộ gia đình ở xã Thanh Bình còn gặp khá nhiều khó khăn bởi nguồn thu chủ yếu chỉ trông chờ vào ít nương rẫy trồng ngô, khoai, sắn. Nhưng từ năm 2015, dưới sự tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng của chính quyền địa phương, đồng thời nhận thấy người dân các xã lân cận như Bản Sen, Lùng Vai có thu nhập cao từ cây chè nên các gia đình tại xã Thanh Bình đã chuyển đổi những diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng chè.
Đến nay, nhiều gia đình đã thoát nghèo và có của ăn của để. Ví du như gia đình chị Giàng thị Súa, xã Thanh Bình có hơn 1 ha chè đã cho thu hoạch, trung bình hàng năm đem lại thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng, hay gia đình của anh Lý seo Dìn mỗi năm thu hoạch hơn 100 triệu đồng nhờ vào cây chè… nhờ có cây chè nhà anh Dìn và chị Súa đã không còn trong hộ nghèo mà đã trở thành hộ khá của xã.
Trong thời gian tới, huyện Mường Khương sẽ tập trung chuyển đổi nhiều loại cây trồng trong đó ưu tiên cho cây chè bởi theo nghiên cứu thì đây là cây trồng phí đầu tư không lớn (từ trồng đến thu hoạch khoảng 70 triệu/ha), trồng 1 lần cho thu hoạch 70 - 80 năm.
Cây chè phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Mường Khương nên cho chất lượng cao, khác biệt với các vùng chè khác, được người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu thu thuận lợi. Cây chè thích ứng tốt với xu thế biến đổi khi hậu như hiện nay, ít bị thiệt hại do nắng hạn, dông lốc.
Trên địa bàn huyện có nhiều cơ sở chế biến chè, liên kết tiêu thụ ổn định sản phẩm chè búp tươi cho Nhân dân. Người trồng chè cứ yên tâm sản xuất, không phải lo đầu ra như các nông sản khác.
Cây chè nếu được chăm sóc tốt, đúng quy trình có thể cho năng suất 40 tấn/ha. Giá trị bình quân đạt 100 triệu/ha, thâm canh tốt, đúng kỹ thuật có thể đạt 250 triệu/ha.
Chính vì vậy, cây chè có thể coi là “chìa khóa” để giúp người dân có nguồn thu nhập cao, ổn định, chia tay với đói nghèo.
PV: Huyện Mường Khương đã gặp phải khó khăn thách thức gì trong công tác giảm nghèo và giảm nghèo liên quan tới chuyển đổi cây trồng?
Ông Giàng Quốc Hưng: Các khó khăn trong công tác giảm nghèo liên quan tới chuyển đổi cây trồng là đầu ra một số sản phẩm như chuối, dứa bấp bênh, không ổn định, điệp khúc “được mùa, mất giá” thường xuyên xảy ra.
Trình độ nhận thức của đại bộ phận Nhân dân còn hạn chế, sản xuất chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Địa hình của Mường Khương cũng là một trở ngại trong việc giao thương do giao thông còn chưa thuận tiện, nhiều đồi núi, nhiều loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao nhưng thổ nhưỡng lại không phù hợp…
PV: Trong thời gian tiếp theo, Mường Khương có kế hoạch gì để công tác giảm nghèo đi vào thực tiễn và bền vững, đặc biệt là giảm nghèo nhờ vào phát huy giá trị các loại cây trồng?
Ông Giàng Quốc Hưng: Trong thời gian tới, để phát huy giá trị các loại cây trồng góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn, huyện Mường Khương tập trung triển khai một số nhiệm vụ. Đó là, tiếp tục tranh thủ tối đa sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, của tỉnh Lào Cai để hỗ trợ Nhân dân phát triển các ngành hàng chủ lực, tiềm năng: Chè, dứa, chuối, quýt, lúa Séng cù, ớt… Phấn đấu đến hết năm 2025 diện tích chè đạt 6.500 ha, dứa 1.570 ha, chuối 1.000 ha, lúa Séng cù 700 ha, ớt 200 ha.
Tiếp tục quan tâm, thu hút các nhà đầu tư chiến lược xây dựng các cơ sở chế biến liên kết tiêu thụ nông sản chủ lực, tiềm năng cho Nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025 thu hút thêm 02 nhà máy chế biến chè (01 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm cao cấp từ chè).
Tập trung nguồn lực, đào tạo, tập huấn, trang bị cho nhân dân “kỹ thuật sản xuất nông nghiệp chính xác” để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các ngành hàng chủ lực, đáp ứng yêu cầu thị trường.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!