Đà Nẵng: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 đưa nước mắm Nam Ô vươn xa
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nước mắm Nam Ô, anh Bùi Thanh Phú (39 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) với trách nhiệm và kiến thức của mình, đã làm ra sản phẩm nước mắm Hương Làng Cổ danh tiếng, tạo sinh kế cho người dân, góp phần gìn giữ và phát triển làng nghề thủ công truyền thống.
Phát triển nghề làm nước mắm truyền thống
Dừng chân trước cơ sở nước mắm Hương Làng Cổ, chúng tôi đã nghe mùi nước mắm nhĩ thơm nồng, đập vào mắt là hàng chục chiếc chum đang ủ mắm được đậy kín, bảo quản sạch sẽ trong sân nhà dưới bảng hiệu “Nước mắm Nam Ô Hương Làng Cổ”. Bên hông nhà là các các thùng nước mắm đang được lọc qua phễu tre, trên tường có ghi dòng chữ lớn “Quê hương là mùi nước mắm”.
Tiếp chúng tôi là anh Bùi Thanh Phú, Thạc sỹ ngành công nghệ thông tin, là thầy giáo dạy Tin học Trường Trung học Phổ thông Phạm Phú Thứ. Anh Phú cho biết, gia đình anh trải qua truyền thống 4 đời làm nước mắm. Trong giai đoạn nghề làm mắm dần mai một, việc anh thành lập Công ty TNHH Mắm Hồng Hương năm 2016 là một sự dấn thân nhưng lại giúp nhiều người dân thấy rằng nước mắm vẫn còn có tương lai và cùng nhau đưa nước mắm Nam Ô vươn xa thị trường trong nước, góp phần quan trọng để nghề làm nước mắm Nam Ô được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.
Nhằm giữ được hương vị đặc trưng của nước mắm Nam Ô, cơ sở sản xuất của anh Phú vẫn trung thành với công thức ủ mắm cổ truyền của làng. Đó là trộn cá cơm than đánh bắt ở vùng biển Nam Ô (Đà Nẵng) với muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Những con cá cơm tươi xanh vừa vào bờ sẽ được anh lựa chọn kỹ càng, không để trộn lẫn những loại cá khác hay tôm mực, rồi đưa vào muối ngay để đảm bảo nguyên liệu tươi ngon. Mắm được trộn theo tỷ lệ 3 cá: 1 muối, rồi ủ trong lu sành từ 12-18 tháng mới mang ra lọc.
Sau khi mắm chín tới sẽ chuyển sang màu đỏ cánh gián hoặc hổ phách, anh dùng phễu tre bọc vải mịn để lọc lấy nước mắm, loại bỏ cặn bã và xác cá. Nước mắm nhĩ tiếp tục được ủ hương trong khoảng 10 ngày để hơi muối bốc lên và dịu đi, chỉ giữ lại hương vị tinh khiết và thơm ngon nhất.
Theo anh Phú, nguồn nguyên liệu sản xuất từ địa phương hiện có với kinh nghiệm sản xuất được truyền qua nhiều thế hệ nên tay nghề của người làm mắm tại địa phương rất cao. Sản phẩm không sử dụng hóa chất nên rất tốt cho sức khỏe con người.
Tạo thu nhập cho người dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao
Với diện tích sản xuất gần 1.000 m2, mỗi năm anh Phú xuất bán khoảng 25.000 lít nước mắm, giải quyết công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương (thường xuyên và mùa vụ), tạo thu nhập bình quân cho người lao động: 6 triệu đồng/tháng, doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, còn liên kết thu mua sản phẩm cho 4 hộ dân khác, tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Công nghệ sử dụng làm nước mắm Hương Làng Cổ là sử dụng phương pháp truyền thống, kết hợp sự hỗ trợ máy móc như: máy chiết rót, máy đóng nắp, máy dán nhãn để nâng cao năng suất của người lao động. Tính thân thiện với môi trường thể hiện qua quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn HACCP tạo ra sản phẩm organic phục vụ yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Với dây chuyền chiết rót, đóng chai, dán nhãn bán tự động giúp nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm hàng hóa đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, Sở Khoa học Công nghệ thành phố, Hội Nông dân thành phố đánh giá cao.
Từ khi dây chuyền đưa vào hoạt động có hiệu quả đã có nhiều tập thể, cá nhân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật như: Du lịch cộng đồng Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi…
Hằng năm, đã có nhiều sinh viên các trường Đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và sinh viên quốc tế đến tham quan trải nghiệm, thực tập tại mô hình như: sinh viên đại học Republic Polytechnic Singapore, Đại học Sư phạm Đà Nẵng….
Hiện anh Phú đang triển khai hiệu quả mô hình phát triển nghề mắm truyền thống kết hợp du lịch tham quan, trải nghiệm, giúp Nam Ô không chỉ là nơi sản xuất mắm mà còn là điểm đến văn hoá thú vị; góp phần giới thiệu văn hóa người Đà Nẵng đến với du khách và giới thiệu sản phẩm nước mắm Nam Ô đến với người dùng, làm cho thương hiệu nước mắm Nam Ô vươn xa, mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo anh Phú, đơn vị anh chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quá trình quảng bá và bán sản phẩm. “Chúng tôi thấy được tầm quan trọng của CNTT trong giai đoạn hiện nay nên đã mua tên miền nuocmamnamo.vn và huonglangco.vn hơn 10 năm nay để giới thiệu và bán sản phẩm trên website. Chúng tôi bố trí nhân viên chăm sóc khách hàng online để kịp thời tư vấn khách hàng”, anh Phú chia sẻ.
Ngoài ra, nước mắm Hương Làng Cổ cũng thường xuyên tham gia quảng bá sản phẩm tại các sự kiện lớn của thành phố và các hội chợ trong và ngoài nước như: Hội chợ quốc tế tại Lào, Thái Lan, hội chợ Xuân, hội chợ hàng Việt…
Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nước mắm Hương Làng Cổ là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu được chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế HACCP, đạt chuẩn OCOP 4 sao của TP. Đà Nẵng, trở thành sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng.
Đặc biệt, năm 2023, anh Bùi Thanh Phú được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là một trong 100 “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.
Anh Phú cho biết, hiện nay diện tích sản xuất của các hộ dân của làng nước mắm Nam Ô ngày càng thu hẹp, rất khó cho việc phát triển nước mắm Nam Ô trong tương lai. "Tôi mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để làng nghề sớm có khu sản xuất nước mắm tập trung và điểm trưng bày sản phẩm. Từ đó, bà con làng nghề làm nước mắm truyền thống sẽ yên tâm mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng, tạo thu nhập cho người lao động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường"- anh Phú trăn trở nói.