Sốp Cộp (Sơn La): Nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng, tạo sinh kế bền vững
(TN&MT) - Có hơn 70.000 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và sản xuất, những năm qua, Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, gắn lợi ích của người dân với công tác khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng, góp phần tạo sinh kế bền vững từ nghề rừng.
Xung quanh vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Đào Văn Tưởng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sốp Cộp.
PV: Xin ông cho biết công tác lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn huyện?
Ông Đào Văn Tưởng:
Nhằm mục tiêu bảo vệ tốt diện tích rừng hiện còn, Hạt kiểm lâm đã chủ động phối hợp với các cơ quan ban ngành của huyện, UBND các xã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đến chính quyền cơ sở các bản, từng người dân và chủ rừng. Vận động người dân chấp hành nội quy, quy ước, hương ước bảo vệ rừng.
Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn thường xuyên bám nắm địa bàn, tăng cường tuần tra, kiểm tra các điểm nóng về khai thác lâm sản, phá rừng trái pháp luật để làm nương, trực 24/24 đặc biệt là các ngày nắng nóng kéo dài. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản.
Chủ động phối hợp với các ban ngành đoàn thể của xã, các chủ rừng tuần tra, kiểm tra các điểm nóng về khai thác lâm sản, phá rừng trái pháp luật. Thường xuyên theo dõi, kịp thời thông báo cấp nguy cơ cháy rừng, cấp cháy rừng, các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy đến cơ sở xã, bản, chủ rừng và người dân để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
Đẩy mạnh phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm với Công an huyện, Ban chỉ huy Quân sự huyện, các đồn biên phòng trên địa bàn, Ban quản lý rừng đặc dụng Sốp Cộp và các huyện giáp ranh. Cùng với đó, tổ chức triển khai thực hiện tốt các Dự án phát triển lâm nghiệp bền vững, các chương trình, dự án trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, từng bước nâng cao chất lượng, tăng độ che phủ rừng, tính đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên rừng bền vững….
PV: Ông có thể thông tin rõ nét hơn một số kết quả nổi bật trong công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn huyện?
Ông Đào Văn Tưởng:
Trong năm 2023, Hạt Kiểm lâm đã cùng chính quyền các xã kiện toàn, củng cố 122 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR cấp bản; triển khai 72 cuộc họp cấp bản để tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng với hơn 4.400 lượt người tham gia nghe. Tham mưu thành lập Tổ kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR; tham mưu triển khai Tiểu dự án 1, Dự án 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn huyện...
Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, kịp thời ngăn chặn, lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính 51 vụ, giảm 14 vụ so với cùng kỳ 2022, chủ yếu là các vụ việc phá rừng trái phép để làm nương; mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép…
Huy động hơn 2.400 người tham gia chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất. Phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện rà soát vị trí tiếp nhận, bàn giao, kiểm tra công tác trồng, chăm sóc cây trồng lâm nghiệp phân tán năm 2023. Tỷ lệ cây sống đến nay đã đạt trên 98%.
Nhờ đó, những năm gần đây, rừng được bảo vệ tốt hơn, số vụ vi phạm giảm, chất lượng rừng được nâng lên, nhiều diện tích đất trống, đồi trọc đang được phủ xanh bởi rừng sản xuất. Góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 48%, đưa Sốp Cộp thành 1 trong những địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất tỉnh Sơn La.
PV: Thông qua triển khai các chương trình bảo vệ, phát triển rừng, ông đánh giá đã góp phần như thế nào để nâng cao đời sống cho nhân dân sống nhờ rừng?
Ông Đào Văn Tưởng:
Thông qua các chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững, đã góp phần tạo thêm sinh kế cho người dân từ nghề rừng. Trong giai đoạn 2009-2021, thực hiện chương trình hỗ trợ gạo cho hộ nghèo để chăm sóc, bảo vệ rừng và trồng rừng thay thế nương rẫy trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã giúp hàng nghìn hộ dân có thêm sinh kế. Từ chương trình hỗ trợ gạo cũng như số tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân trên địa bàn đã khoanh nuôi khoảng 4.000 ha rừng, bảo vệ khoảng hơn 11.000 ha rừng.
Năm 2023, triển khai Tiểu dự án 1, Dự án 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn huyện Sốp Cộp có 6 xã vùng đặc biệt khó khăn với hơn 27.000ha rừng được hỗ trợ kinh phí quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, cải thiện cuộc sống cho đồng bào DTTS, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng làm nương rẫy.
PV: Công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay trên địa bàn huyện Sốp Cộp đang gặp những khó khăn lớn nào, thưa ông?
Ông Đào Văn Tưởng:
Khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề biên chế. Hiện Hạt kiểm lâm huyện chỉ có 11 biên chế, trong đó, 4 kiểm lâm địa bàn phụ trách 8 xã, song diện tích rừng lớn lên đến 70.000ha rừng, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Trong khi, nhận thức của một bộ phận người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn hạn chế. Mức hỗ trợ để người dân sống được nhờ vào rừng dù có nhưng chưa cao, nên khó ngăn chặn triệt để tình trạng phát vén vào rừng làm nương rẫy, mua bán lâm sản trái phép…
Về các chính sách hỗ trợ nhân dân, từ năm 2022 đến nay, việc thực hiện hỗ trợ gạo cho đồng bào không thực hiện được do không có đối tượng thụ hưởng phù hợp. Theo quy định mới, chỉ có hộ nghèo mới được hỗ trợ, tuy nhiên, hộ nghèo lại thường không được giao làm chủ rừng.
PV: Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm Sốp Cộp đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm nào để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng, thưa ông?
Ông Đào Văn Tưởng:
Thời gian tới, Hạt kiểm lâm sẽ thường xuyên cập nhật theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, tiếp tục tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các chính sách về bảo vệ, phát triển lâm nghiệp bền vững.
Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu UBND các xã và chủ rừng điều chỉnh bổ sung phương án, kiện toàn tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR mùa khô hanh phù hợp tình hình thực tế. Chủ động phối hợp với các ban ngành đoàn thể chính trị xã hội của xã đổi mới phương pháp, nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng đến cơ sở các bản và chủ rừng.
Tuyên truyền, hướng dẫn bà con chăm sóc cây trồng lâm nghiệp phân tán năm 2023; hướng dẫn nhân dân đốt thực bì sản xuất nương rẫy đúng quy định; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng chữa cháy rừng theo phương châm bốn tại chỗ.
Tiếp tục rà soát, tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ diện tích đủ điều kiện để hỗ trợ bảo vệ rừng năm 2023. Định hướng cho người dân phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, các loài cây đa mục tiêu như: Sa nhân, sơn tra, mắc ca.... Đẩy mạnh khoanh nuôi, phục hồi, trồng rừng, giúp tăng độ che phủ rừng qua các năm, tạo việc làm và thu nhập bền vững cho nhân dân.
Huyện Sốp Cộp có 8 xã, trong đó có 4 xã biên giới với 120km đường biên giáp nước bạn Lào, 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) của huyện giảm trung bình từ 4-5%/năm, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 25%.