Hà Tĩnh xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai: Chuẩn hóa về thông tin, minh bạch trong quản lý
(TN&MT) - Thời gian qua, công tác xây dựng hệ thống thông tin đất đai ở Hà Tĩnh được đẩy mạnh triển khai và mang lại hiệu quả, làm cơ sở để minh bạch thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được thuận lợi.
Nỗ lực chuẩn hóa, minh bạch thông tin
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai là xu thế tất yếu hiện nay, phục vụ xây dựng Chính phủ số, chính quyền điện tử, nền kinh tế số. Chính vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cũng như các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu đất đai với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác thời gian qua tại Hà Tĩnh được các cấp chính quyền, các sở ngành hết sức quan tâm, đẩy mạnh.
Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG) là Dự án hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu suất và tính minh bạch của dịch vụ quản lý đất đai tại các tỉnh. Dự án thực hiện tại 28 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan, đơn vị có liên quan, ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đã và đang nỗ lực thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đồng thời, triển khai kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các điều kiện cần thiết, cung cấp trên cổng dịch vụ công, các dịch vụ công về đất đai.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, ghi nhận những đóng góp phải kể đến công tác đo đạc bản đồ với khối lượng lớn công việc được thực hiện. Toàn tỉnh Hà Tĩnh đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính; công tác quản lý đo đạc bản đồ địa chính, địa giới hành chính, đo đạc bản đồ đất lâm nghiệp, thủy sản, bản đồ khai thác khoáng sản, đo đạc bản đồ phục vụ giải phóng mặt bằng, bản đồ chuyên đề… đã được thống nhất quản lý; đã tránh được chồng chéo, sai sót, tiết kiệm ngân sách, giảm được phần nào khiếu kiện và tạo ra sự thống nhất về chuẩn dữ liệu giữa các ngành trong tỉnh.
Ông Lê Ngọc Huấn - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, cho hay: “Nguồn tài liệu bản đồ địa chính, đo đạc bản đồ đất lâm nghiệp, bản đồ chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường cơ bản đã đáp ứng cho công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cũng từ đây làm cơ sở xây dựng dữ liệu đất đai đạt chuẩn thông tin”.
Chính nhờ vậy, tại các khu vực đã được đo đạc thành lập bản đồ cho thấy tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai ít xảy ra; Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đã góp phần tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện các quyền sử dụng đất đặc biệt là việc chuyển quyền sử dụng đất, thế chấp, vay vốn để phát triển sản xuất.
Mặt khác, tài liệu bản đồ địa chính đã phục vụ kịp thời cho công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả đó đã nói lên phần nào về tính hiệu quả của việc xây dựng cơ sở dữ liệu, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và đảm bảo an toàn, an ninh trật tự tại địa phương.
Được biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho 12/13 huyện. Trong đó có 3 huyện đã tổ chức thi công (Can Lộc, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh), có 4 huyện đang lập hồ sơ mời thầu (Lộc Hà, Thạch Hà, Hương Sơn, Vũ Quang) và 5 huyện đang trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (Hương Khê, Nghi Xuân, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và thành phố Hà Tĩnh). Riêng huyện Cẩm Xuyên sẽ triển khai khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, điều chỉnh.
Việc hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai sẽ thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý đối tượng, quỹ đất, việc các tổ chức, hộ gia đình khi được giao đất, cho thuê đất...
Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, việc đăng ký đất đai là bắt buộc, tuy nhiên, trong thực tiễn, việc chấp hành đăng ký đất đai của một số người dân còn chưa nghiêm túc, nhất là các trường hợp không thường trú tại địa phương. Chính điều này gây khó khăn khi thành lập hồ sơ địa chính phục vụ công tác quản lý cũng như cập nhật dữ liệu thông tin.
Ngoài ra, trên địa bàn số thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu vẫn còn nhiều, nguyên nhân chủ yếu do lấn chiếm. Việc giải quyết không dứt điểm sẽ kéo theo tiến độ cập nhật dữ liệu thông tin gặp khó khăn, trở thành điểm nghẽn trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lô đất, thửa đất.
Về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh còn chỉ rõ một số tồn tại, vướng mắc mang tính khách quan, khó tháo gỡ: Dự án VILG (tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai) là dự án sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) nên việc thực hiện dự án phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của WB và các quy định của Việt Nam. Thủ tục, quy trình thẩm định Kế hoạch đấu thầu phụ thuộc vào kế hoạch phân bố nguồn vốn hàng năm.
Trong khi các hoạt động dự án dịch vụ kỹ thuật chuyên ngành mang tính chất đặc thù, các đơn vị đủ năng lực tham gia thực hiện có hạn, trong lúc nhiều tỉnh cùng thực hiện dự án, ở một khoảng thời gian ngắn (2 năm). Đội ngũ cán bộ chưa có kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện dự án ODA, hầu hết cán bộ đều hoạt động kiêm nhiệm nên đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.