Tuần lễ Châu Mỹ Latinh và Caribe: Thúc giục hành động về khí hậu, cảnh báo sớm
(TN&MT) - Tuần lễ Khí hậu châu Mỹ Latinh và Caribe và Diễn đàn Bộ trưởng Môi trường cùng diễn ra tại Panama khi khu vực này đang phải hứng chịu nhiệt độ kỷ lục, hạn hán, cháy rừng, lũ lụt và bão.
Một hội nghị chuyên đề cấp cao do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đồng tổ chức về vai trò của Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia (NMHS) trong việc cung cấp các dịch vụ về thời tiết, nước và khí hậu cũng như cảnh báo sớm để bảo vệ môi trường, xã hội và ngăn ngừa thiên tai đã cho thấy công việc quan trọng của cộng đồng WMO.
Tác động khí hậu rõ rệt ở châu Mỹ Latinh và Caribe
Châu Mỹ Latinh và Caribe nắm giữ chìa khóa cho nhiều giải pháp khí hậu. Rừng, rừng ngập mặn và rạn san hô đóng vai trò là bể chứa carbon và phòng thủ tự nhiên chống lại lũ lụt. Đây cũng là khu vực dẫn đầu về năng lượng sạch, với gần 60% năng lượng được tạo ra từ thủy điện và có tiềm năng lớn về năng lượng gió và mặt trời. Tuy nhiên, khu vực ngày càng dễ bị tổn thương trước các tác động của khí hậu.
Phần lớn Nam Mỹ có mùa đông nóng kỷ lục và nhiệt độ tối đa trên 40 độ C tiếp tục kéo dài đến mùa xuân ở các quốc gia như Argentina, Bolivia và Paraguay. Vùng Caribe cũng phải hứng chịu nắng nóng cực độ và hứng chịu những cơn bão nhiệt đới cuối mùa.
Theo dự báo, hiện tượng El Nino đang diễn ra sẽ làm tăng thêm nhiệt độ trên đất liền và đại dương cũng như tạo ra thời tiết khắc nghiệt hơn - với mưa lớn và lũ lụt ở một số vùng trong khu vực và hạn hán ở những nơi khác.
Cụ thể, lưu vực sông Amazon, nơi chiếm khoảng 40% tổng diện tích đại lục Nam Mỹ đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất. Vào giữa tháng 10, sông Negro ở Manaus đã phá kỷ lục lịch sử về mực nước thấp nhất kể từ ngày 23/10/1902, ở mức 13,59 mét. Trong khi đó, khói từ các đám cháy bao trùm khắp Argentina, Brazil và Bolivia.
El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa ở lưu vực sông Amazon nhưng các nhà khoa học ngày càng lo lắng rằng xu hướng biến đổi khí hậu kéo dài và nạn phá rừng cũng là yếu tố làm nghiêm trọng thêm tình trạng thiếu hụt này.
Phá rừng khiến đất rừng nhiệt đới Amazon lưu trữ ít độ ẩm hơn trong mùa mưa và nhiệt độ tăng đang góp phần vào điều này. Các vụ cháy tái diễn đã phá hủy các hệ sinh thái quan trọng. Theo ông Carlos Nobre, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Cao cấp, Đại học Sao Paulo, Brazil, các khu vực phía Nam Amazon, nơi từng là bể chứa carbon quan trọng, có nguy cơ trở thành nguồn phát thải carbon ròng do cháy rừng.
“Để cứu Amazon, chúng ta phải giải quyết cả tình trạng tăng nhiệt độ toàn cầu và nạn phá rừng ở chính Amazon”, Giáo sư Nobre nhấn mạnh tại phiên họp của Hội nghị Khoa học Mở của Chương trình Nghiên cứu Khí hậu Thế giới đang diễn ra ở Kigali, Rwanda.
Khu vực Caribe và Nam Mỹ cũng dễ bị ảnh hưởng bởi bão bụi và bão bụi từ sa mạc Sahara đã ảnh hưởng đến khu vực này, gây ra các vấn đề về chất lượng không khí. Bão bụi ảnh hưởng đến hàng không và vận tải đường bộ, làm giảm hiệu suất của các nhà máy điện mặt trời và lây lan mầm bệnh cho con người, tất cả đều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế địa phương và khu vực. Theo Bản tin bụi trong không khí do WMO vừa phát hành, việc mất chất dinh dưỡng trong đất khiến ngành nông nghiệp thiệt hại hơn 8 tỷ USD mỗi năm ở khu vực Liên Mỹ. Trong Bản tin này, có bản đồ về khả năng dễ bị ảnh hưởng bởi bụi để hỗ trợ những người ra quyết định trong khu vực.
Cần hành động khẩn cấp
Tổng thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas cho biết: “Khu vực Caribe và Nam Mỹ là một trong những điểm nóng. Những thách thức mà khu vực này đang phải đối mặt do các cơn bão nhiệt đới, cuồng phong và những thay đổi về lượng mưa một phần do tác động của biến đổi khí hậu và một phần do El Nino và La Nina”.
Tính dễ bị tổn thương ngày càng tăng của xã hội và nền kinh tế trước thời tiết có tác động mạnh là một trong những yếu tố hối thúc sáng kiến Cảnh báo sớm cho tất cả mọi người, nhằm đảm bảo rằng mọi người trên Trái đất được bảo vệ bởi các cảnh báo sớm - bao gồm cả các quốc đảo nhỏ đang phát triển ở tuyến đầu của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Kết quả của hội nghị chuyên đề vào ngày 24/10 sẽ được đưa vào phiên họp cấp cao của Tuần lễ Khí hậu Châu Mỹ Latinh và Caribe và Diễn đàn Bộ trưởng Môi trường. Một trong những thông điệp chính gửi tới các Bộ trưởng là NMHS đóng vai trò chính trong việc tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng bằng cách phục vụ các lĩnh vực chiến lược và đưa ra cảnh báo sớm. Hỗ trợ tài chính cho NMHS là khoản đầu tư chiến lược quốc gia.
Các Bộ trưởng Bộ Môi trường đánh giá NMHS là những tác nhân quan trọng trong Kế hoạch Thích ứng Quốc gia và các sáng kiến tài trợ khí hậu liên quan.
Tuần lễ Khí hậu Châu Mỹ Latinh và Caribe nhằm đóng góp vào việc kiểm kê toàn cầu đầu tiên của Thỏa thuận Paris - một bước quan trọng để đổi mới tham vọng toàn cầu tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP28) nhằm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C.
Khoảng 3.000 người tham gia từ khắp khu vực dự kiến sẽ tổ chức các cuộc thảo luận xoay quanh bốn nội dung chính, mỗi nội dung được xây dựng để đưa ra những đóng góp cụ thể cho khu vực.
Các cuộc thảo luận này được kỳ vọng sẽ giải quyết các thách thức và đưa ra các giải pháp liên quan đến hệ thống năng lượng và công nghiệp; khu định cư, cơ sở hạ tầng và giao thông; đất đai, đại dương, thức ăn và nước uống; cũng như xã hội, sức khỏe, sinh kế và nền kinh tế, nêu rõ các sáng kiến đang được triển khai và có thể nhân rộng trong tương lai.