Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Chiều 24/10, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Trình bày Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 06 chương với 34 điều.
Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, để cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo ngay trong nội dung giải thích, bảo đảm thống nhất với khái niệm “Khu quân sự” (KQS) và các nội dung của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉnh lý lại khái niệm công trình quốc phòng (CTQP) là công trình xây dựng, địa hình, địa vật tự nhiên được xác định, cải tạo do quân đội, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, bảo vệ để phục vụ cho hoạt động quân sự, quốc phòng, phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc; CTQP có thể nằm trong hoặc ngoài KQS.
Bên cạnh đó, để bảo đảm chặt chẽ, UBTVQH đề nghị chỉnh lý lại khái niệm này như sau: “KQS là khu vực có giới hạn được thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự, quốc phòng”.
Đối với quy định về công trình lưỡng dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, công trình lưỡng dụng quy định trong dự thảo Luật là công trình kết hợp quốc phòn với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng quy định tại Điều 15 Luật Quốc phòng; sân bay mang tính lưỡng dụng là một loại của công trình lưỡng dụng và việc quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng được thực hiện theo các quy định tại khoản 6 Điều này; việc quy định 01 Điều về công trình lưỡng dụng trong dự thảo Luật là phù hợp, làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị, tính năng của loại hình công trình này.
Trong trường hợp phá dỡ CTQP được thực hiện khi CTQP đó không phù hợp để sử dụng cho dự án phát triển kinh tế - xã hội, chủ đầu tư dự án không có nhu cầu sử dụng hoặc CTQP buộc phải phá dỡ để bảo đảm bí mật quân sự. Thẩm quyền phá dỡ CTQP do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định nhưng việc chuyển mục đích sử dụng diện tích đất quốc phòng nơi có CTQP bị phá dỡ sang mục đích khác vẫn do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Do đó, UBTVQH đề nghị cho giữ như dự thảo Luật…
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ nhất trí cao với nhiều nội dung của báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Theo đó, Dự thảo Luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Về giải thích từ ngữ, khoản 2 Điều 2 của dự thảo luật quy định, “khu quân sự là khu vực có giới hạn được thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự, quốc phòng.” Để đồng bộ với Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, đặc biệt phù hợp với quy định về ranh giới giữa các bất động sản của Bộ luật Dân sự, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung quy định này thành: “khu quân sự là khu vực có giới hạn được cơ quan quân sự thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự, quốc phòng và được chính quyền các cấp xác định quyền sở hữu.”
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, nếu giải thích kỹ lưỡng và chi tiết mọi khái niệm thì Chương 2 sẽ có dung lượng rất lớn, bao hàm nhiều nội dung. Tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu để giải thích chi tiết, cụ thể đồng thời đảm bảo được bố cục hài hòa của dự thảo luật.
Về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự, Bộ trưởng cho biết, việc phân loại, phân nhóm trong dự thảo luật được nghiên cứu kế thừa quy định tại Nghị định số 04 của Chính phủ ngày 16/1/1995 ban hành quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại, nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tài sản công, tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng, tài sản phục vụ công tác quản lý thống nhất với phạm vi điều chỉnh của luật này.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở xác định phạm vi, yêu cầu, nội dung quản lý, bảo vệ và chế độ, biện pháp quản lý bảo vệ phù hợp đối với từng loại nhóm, là cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan. Do tính chất đa dạng của công trình quốc phòng, khu quân sự cũng như yêu cầu của việc quản lý, bảo vệ, việc phân loại trong dự thảo luật là phù hợp, thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, thống nhất với các quy định của pháp luật…
Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao.
Kết luận tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận để gửi đến các vị đại biểu theo dõi và chuyển đến các cơ quan để nghiên cứu, tiếp thu giải trình và đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh khẩn trương chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu để hoàn chỉnh dự thảo Luật; hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua bảo đảm chất lượng, tạo được sự đồng thuận cao, đúng theo kế hoạch, chương trình kỳ họp.