Kinh tế

Hà Tĩnh: Đưa cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu thành thương hiệu

Đức Cảnh 24/10/2023 - 13:20

Thời tiết đang ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường, việc sản xuất nông nghiệp của người dân cũng bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, lựa chọn cây trồng để thích ứng và phát triển bền vững trước thách thức từ biến đổi khí hậu đang được nông dân Hà Tĩnh áp dụng, mang lại hiệu quả.

Cây hồng chỉ lối thoát nghèo

Trên ngọn đồi của gia đình Chị Trần Thị Nguyệt ở thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), người dân đang bận rộn thu hoạch hồng. Được biết, ban đầu đây là loại cây trồng chỉ để ăn nhưng nay đã trở thành cây hàng hóa giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Theo chị Nguyệt cho biết, hồng là loại cây dễ trồng, không tốn công chăm sóc như các loại cây ăn quả khác, chỉ cần bón một ít phân lúc cây nhỏ, sau này hồng phát triển tự nhiên. Cây hồng ra hoa vào tháng giêng, thu hoạch quả từ giữa tháng 9 âm lịch.

anh-1.-hong-yen-du.jpg
Hồng giòn Yên Du đang mang lại thu nhập khá cho người dân

Hiện gia đình chị Nguyệt có khoảng 150 gốc hồng giòn, đều đang phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập khá. Trong đó có 30 gốc hồng trên 50 năm tuổi, một số gốc có tuổi đời gần 100 năm, còn lại được trồng cách đây 15 năm.

Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất đồi thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, xã Đức Lĩnh đã phát triển đa dạng các loại cây trồng, như: cam, ổi, bưởi, chanh…và đặc biệt cây hông mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang cho biết: “Trước đây, trên đất vườn đồi, người dân chủ yếu trồng cam, chanh, bưởi, ổi. Nhưng sau khi có chủ trương chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang các cây trồng hồng giòn có giá trị kinh tế cao hơn”.

anh-5.-hong.jpg
Đây là loại hồng không hạt, có vị ngọt rất đặc trưng

Hiện nay, chỉ riêng thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh có khoảng 40 ha diện tích trồng hồng, thuộc 80 hộ trồng. Năm nay với thời tiết thuận lợi, hồng cho trái to, màu sắc đẹp, tổng sản lượng đạt khoảng hơn 45 tấn, cao hơn năm ngoái khoảng 5 tấn, đưa về cho bà con nguồn thu lớn.

Chị Nguyễn Thị Mai Huệ , thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh, chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 200 gốc hồng. Dự kiến năm nay, vườn hồng của gia đình sẽ cho hơn 4 tấn quả. Thương lái mua với giá bình quân 35 nghìn đồng/kg tại vườn. Đến thời điểm hiện tại, gia đình đã bán được gần 3 tấn, nhẩm tính hết vụ sẽ thu được khoảng 140 triệu đồng”.

Theo người dân nơi đây, quả hồng dòn không hạt nên không thể ươm giống, phương pháp chiết hay ghép cành cũng kém hiệu quả. Vì vậy, các chủ vườn thường chặt rễ tách ra từ cây mẹ, sau đó đào hố sâu khoảng nửa mét, đổ phân chuồng xuống dưới để trồng. Cây sau 5 năm cho quả bói, đến năm thứ 10 mới bắt đầu thu hoạch đại trà. Cây càng lâu năm thì sản lượng và năng suất càng cao.

Người trồng hướng đến sản phẩm OCOP

Ông Trần Hữu Long- Chánh Văn phòng UBND huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho biết, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, trên những vùng đồi ở Vũ Quang có thời điểm nhiều tháng không đủ nước tưới để trồng các loại cây ăn quả có múi. Trong khi đó hồng giòn không hạt lại là loại cây thích ứng được với điều kiện khí hậu này.

anh-2.-hong.jpg
Cây Hồng có khả năng chịu hạn tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay

Mặt khác, nguồn thu nhập từ trước tới nay của các hộ chủ yếu là cây Cam, cây chanh chi phí đầu tư lớn: như Phân bón, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.... Với giá trị kinh tế của cây hồng như hiện nay phải nói rằng hồng giòn không hạt cho hiệu quả kinh tế rất cao so với các loại cây trồng khác.

Do đó, sau khi hồng giòn không hạt được trồng kiểm chứng ở thôn Yên Du và phát huy hiệu quả, UBND huyện Vũ Quang khuyến khich địa phương mạnh dạn mở rộng diện tích cây hồng. Bên cạnh đó, sớm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để hướng đến phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, cho sẽ: “Năm 2021, hồng Yên Du được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, đây là niềm tự hào lớn giúp người trồng hồng nơi đây quyết tâm phát triển loại cây này bền vững, đem lại những sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng.

"Để giúp người dân xây dựng thương hiệu hồng Yên Du, xã đã hỗ trợ lập tổ hợp tác hồng với 10 thành viên. Sắp tới địa phương sẽ quy trình hóa các khâu trong sản xuất như đóng bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản vật, giúp các hộ dân trồng hồng có thêm thu nhập", ông Thanh nói.

anh-3.-hong-yen-du.jpg
Hồng Yên Du mang thương hiệu OCOP

Được biết, hồng giòn không hạt ở huyện Vũ Quang hiện chủ yếu được trồng ở các xã, Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Hương…, sản lượng hàng năm ước đạt 78 tấn. Theo nhiều hộ trồng hồng, cây hồng không hạt được đánh giá là loại cây khỏe mạnh, sinh trưởng tốt trên nhiều điều kiện đất và không cần nhiều công đầu tư chăm sóc, tưới tiêu.

Hồng giòn Yên Du, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang là một trong những sản phẩm được đánh giá, phân hạng theo Bộ tiêu chí đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg, Quyết định số 781/QĐ-TTg và quy chế đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP vào năm 2021.

Đức Cảnh