Kinh tế

Ngân hàng Chính sách xã hội Yên Bái: Đồng hành cùng người dân thoát nghèo

Thanh Ngà 24/10/2023 - 13:19

(TN&MT) – Trong thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đến với người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, họ cận nghèo giúp người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Long Thảo – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái về những hiệu quả mà các chính sách này mang lại cho người dân.

z4796671680574_bbb0d0cfe8fbd3ada1bc2613be43aa4d.jpg
Ông Đỗ Long Thảo – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái

PV: Thưa ông! Trong thời gian qua Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đã có những chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo như thế nào? Đặc biệt, là chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế giúp người dân thoát nghèo bền vững?

Ông Đỗ Long Thảo: Trong thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội luôn chú trọng, tích cực triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đến với người dân một cách nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên cho khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Đến nay, về cơ bản hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu, đủ điều kiện đều đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội.

Trong giai đoạn 2002-2023 Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đã thực hiện cho vay 452.819 lượt khách hàng với số tiền 11.172 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân mỗi năm trên 10%. Từ hai chương trình tín dụng chính sách thời điểm năm 2003 với dư nợ 173 tỷ đồng, đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã triển khai 17 chương trình tín dụng chính sách, dư nợ 4.650,4 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ các chương trình cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm 55,7%. Số khách hàng còn dư nợ các chương trình là 84.436 khách hàng. Dư nợ bình quân một hộ đạt 55 triệu đồng/hộ.

PV: Vậy thưa ông, những chính sách này đã hỗ trợ người dân phát triển kinh tế và thoát nghèo ra sao?

Ông Đỗ Long Thảo: Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo, đối tượng chính sách khác, nhất là khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa; mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; làm quen với các dịch vụ ngân hàng, tài chính; từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, trình độ quản lý vốn; mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

z4707373365555_a5ace8696ed58414fc2f17b84a1fcff4.jpg
Nhiều hộ dân được tiếp cận chính sách vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách xã hội, các đối tượng thụ hưởng còn có điều kiện trang trải chi phí học tập, xây dựng nhà ở, công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh; giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội; làm thay đổi căn bản nhận thức của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng cuộc sống.

PV: Xin ông cho biết, chính sách hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo đã mang lại hiệu quả như thế nào trong việc góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong thời gian qua?

Ông Đỗ Long Thảo: Qua hơn 20 năm triển khai Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 132.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Đồng thời thu hút, tạo việc làm cho trên 20.000 lao động; gần 41.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 159.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 10.000 căn nhà ở cho hộ nghèo...

Vốn tín dụng ưu đãi đã thực sự giúp hộ nghèo, hộ chính sách nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bư­ớc thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 2011-2015 giảm từ 24,23% năm 2010 xuống còn 16,2% năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 2016-2020 giảm từ 32,2% năm 2015 xuống còn 7,04% năm 2020; Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025 giảm từ 18,7% năm 2021 xuống còn 12,92 % năm 2022.

PV: Xin ông cho biết, trong thời gian tới, để chính sách hỗ trợ đúng đối tượng mang lại hiệu quả đơn vị có kế hoạch và giải pháp ra sao?

Ông Đỗ Long Thảo: Trong giai đoạn tiếp theo, để vốn tín dụng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái xác định cần tập trung huy động nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vốn vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, phấn đấu tăng trưởng tín dụng mỗi năm từ 8 -10%.

Cùng với đó, tăng cường công tác khảo sát nhu cầu vốn tại địa phương để giải ngân cho vay kịp thời khi có nguồn vốn. Đảm bảo 100% số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn được sử dụng nguồn vốn ưu đãi. Đảm bảo các chương trình tín dụng chính sách hoàn thành 100% kế hoạch được giao hàng năm, không để tồn đọng, lãng phí vốn. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng chính sách. Đôn đốc thu hồi nợ đến hạn để cho vay quay vòng, tăng vòng quay vốn tín dụng để tăng số lượng khách hàng được thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi.

Mặt khác, ban đại diện hội đồng quản trị các cấp chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Thành viên Ban đại diện hội đồng quản trị cấp huyện là Chủ tịch UBND cấp xã nêu cao vai trò trách nhiệm trong quản lý tín dụng chính sách trên địa bàn, chỉ đạo mạng lưới trưởng thôn, bản, tổ dân phố thực hiện giám sát hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, giám sát hộ vay vốn.

Tích cực huy động nguồn vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng theo chỉ tiêu kế hoạch được cấp trên giao. Thường xuyên báo cáo, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về hoạt động tín dụng chính sách xã hội; kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách liên quan để việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội đạt hiệu quả thiết thực, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc tiếp cận vốn, đầu tư sử dụng vốn hiệu quả và trách nhiệm với nhà nước trong hoàn trả vốn vay…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Ngà