Xã hội

Phát triển cây dược liệu - “bài toán” thoát nghèo cho người dân vùng cao Hà Giang

Việt Khang 24/10/2023 - 13:18

(TN&MT) - Hà Giang là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi, có khí hậu quanh năm mát mẻ, rất thích hợp cho các loại cây dược liệu phát triển. Xác định đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã và đang có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển mạnh diện tích trồng cây dược liệu trong toàn tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Phát triển dược liệu trên vùng cao nguyên đá Hà Giang

Hà Giang là một tỉnh miền núi phía bắc có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi để phát triển các mô hình rừng nhiệt đới. Đặc biệt, dải núi Tây Côn Lĩnh và cao nguyên đá Đồng Văn đã tạo thành 3 tiểu vùng mang đặc điểm khác nhau và kiểu thời tiết á nhiệt đới và ôn đới phù hợp với phát triển cây dược liệu.

Theo thống kê, Hà Giang hiện có trên 1.560 loài dược liệu, thuộc 824 chi, 202 họ, chiếm hơn 39% số loài dược liệu của cả nước; 51 loài cây thuốc quý, hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 97 loài nằm trong diện bảo tồn cấp quốc gia. Toàn tỉnh có trên 10.800ha dược liệu, phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố.

a-va-lam-binh-16628181456171016677286-8-0-808-1280-crop-16628181545941992014939.jpg
Bà con ở Hà Giang trồng cây dược liệu để thoát nghèo

Thời gian qua, Hà Giang đã triển khai trồng mới 10.000 ha, chú trọng, đẩy mạnh phát triển cây dược liệu theo Dự án trồng cây dược liệu gắn với công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại 6 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Ðồng Văn, Hoàng Su Phì, Xín mầni đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 50 nghìn lao động hằng năm, góp phần tăng mức thu nhập bình quân của tỉnh (mức thu mua dược từ 150 đến 200 triệu đồng/ha).

Đặc biệt, những giống cây dược liệu đầu tiên được trồng thử nghiệm tại Hà Giang như: thảo quả, hương thảo, ấu tẩu, giảo cổ lam, atiso, bạch chỉ… đã sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng Cao nguyên đá. Chính vì vậy, việc trồng cây dược liệu có giá trị cao đã giúp người dân nơi đây làm giàu và thay đổi cuộc sống.

Bên cạnh đó, các mô hình trồng cây dược liệu ở Hà Giang đã mang hiệu quả mang lại khá rõ nét. Cây dược liệu trồng ở nơi không khí trong lành, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên có hoạt tính cao, an toàn và cho giá trị lớn, nâng cao thu nhập cho người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Ðể góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, cùng với việc trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, tỉnh Hà Giang cũng đã xác định phát huy cao nhất diện tích đất dưới tán rừng để duy trì, bảo tồn và phát triển lợi thế cây dược liệu ở khu vực này. Trồng và sản xuất thành công các sản phẩm dược liệu đã thu hút và đáp ứng nhu cầu khách đến tham quan, du lịch và là hướng đi đúng đắn, khả thi trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhằm mang lại lợi nhuận cao, tăng tính ổn định, bền vững hệ sinh thái rừng và không ảnh hưởng quỹ đất của các loại cây trồng khác.

uploadfile_000069300.jpg
Cánh đồng trồng cây dược liệu góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở những huyện nghèo, nhất là những huyện vùng cao, vùng xa ở Hà Giang

Mặt khác, cùng với các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh và các huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang về việc ổn định đời sống dân cư, việc triển khai dự án trồng dược liệu đã góp phần giúp người dân không chỉ trong vùng dự án mà cả các vùng lân cận yên tâm, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa chính quyền và nhân dân trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở những huyện nghèo, nhất là những huyện vùng cao, vùng xa.

Nỗ lực trở thành trung tâm dược liệu quốc gia

Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu ngày càng cao của thị trường, tỉnh Hà Giang đã có nhiều giải pháp linh hoạt để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến từ cây dược liệu. Tỉnh Hà Giang đã tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị nhằm giới thiệu sâu rộng đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân về tầm quan trọng và tiềm năng của cây dược liệu.

Thông qua các cuộc hội nghị như: Hội nghị xúc tiến phát triển vùng rau hoa, dược liệu của tỉnh; Hội thảo phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông bắc và Tây bắc; Hội thảo xây dựng chiến lược phát triển dược liệu tỉnh Hà Giang thành vùng trọng điểm; Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp dược liệu tại Hà Giang để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và phát triển vùng trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh.

duoc-lieu.jpg
Những vùng đồi trồng cây dược liệu theo tiêu chuẩn sạch tại Hà Giang

Thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ, tỉnh Hà Giang đã linh hoạt trong việc giao mặt bằng và đất sạch cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng đơn giản hóa các thủ tục hành chính không cần thiết.

Theo đó, tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân để trồng mới cây dược liệu; 100% lãi suất vay vốn để xây dựng vườn ươm giống dược liệu với mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 500 triệu đồng/vườn, thời gian hỗ trợ 36 tháng. Hỗ trợ 100% lãi suất đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản.

Đặc biệt, Hà Giang còn thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, chế biến dược liệu như: hỗ trợ tối đa 15 tỷ đồng/nhà máy chế biến dược liệu; hỗ trợ 30% tiền thuê đất trồng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đặt tại tỉnh (theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế) với thời gian hỗ trợ 60 tháng...

Nhờ có sự hỗ trợ về cơ chế chính sách, cùng với nhiều giải pháp linh hoạt, đến nay tỉnh Hà Giang đã thu hút được nhiều doanh nghiệp vào phát triển dược liệu. Điển hình như: Công ty TNHH Y học bản địa Việt Nam đã xây dựng vườn ươm cây dược liệu, tiến hành trồng được 72ha cây thảo quả, 10ha cây dược liệu dưới tán rừng; xây dựng xong phòng khám bệnh y học cổ truyền, nhà điều hành và đang khẩn trương hoàn thành khu nhà phục vụ nghỉ dưỡng du lịch…

Với định hướng đúng và giải pháp phát triển lâu dài, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Hà Giang sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của cây dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương và sự phát triển bền vững của tỉnh.

Việt Khang