Môi trường

Tiên Phước (Quảng Nam): Nông dân thoát nghèo nhờ nông nghiệp sạch

Lan Anh 24/10/2023 - 13:18

Dựa vào thế mạnh thế mạnh riêng có, người dân huyện Tiên Phước (Quảng Nam) đang từng bước phát triển các mô hình kinh tế vườn và trang trại theo hướng nông nghiệp sạch, sử dụng phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao thu nhập, ứng phó biến đổi khí hậu và giảm nghèo bền vững.

Thay đổi phương thức sản xuất

Là huyện trung du bán sơn địa của tỉnh Quảng Nam, Tiên Phước có tiềm năng và lợi thế lớn về phát triển nông - lâm nghiệp, kinh tế vườn - trang trại. Dựa vào lợi thế của địa phương, những năm qua Tiên Phước chú trọng phát triển các cây trồng chủ lực với hướng đột phá là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Toàn huyện có hơn 81ha tiêu, gần 275ha bưởi, 300ha lòn bon, hơn 458ha măng cụt... Giá trị thu nhập từ kinh tế vườn – trang trại tăng bình quân từ 60 triệu đồng/ha năm 2015 lên hơn 120 triệu đồng/ha năm 2022. Nhờ phát triển theo hướng hữu cơ, hầu hết loại cây ăn quả cho người dân mức thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với trước đây.

nongnghiep1.jpg
Vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của ông Đoàn Kim Thiệt (56 tuổi), trú tại thôn A7, xã Tiên Cảnh

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn tổng hợp rộng 4ha với nhiều loại cây ăn quả, ông Phạm Hồng Sơn tại thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà tự hào cho biết: Bản thân ông là một trong nhiều nông dân tại xã Tiên Hà đang rất thành công trong mô hình kinh tế vườn trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, ông không giống các nông dân khác mà chọn hướng đi riêng cho mình là phát triển kinh tế vườn với đột phá là nông nghiệp hữu cơ.

nongnghiep-4.jpg
Khu vườn ứng dụng công nghệ vi sinh, kết hợp công nghệ 4.0 của ông Phạm Hồng Sơn tại thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà.

Ông Sơn chia sẻ, sau khi trải qua các mô hình kinh tế vườn với cách làm theo truyền thống, và sử dụng các loại phân bón hoá học, thuốc trừ sâu thông thường đến những năm gần đây chuyển hẳn sang trồng cây ăn quả theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thì nhận thấy năng suất, hiệu quả tăng lên rõ rệt. Theo tính toán của ông Sơn, mỗi năm vườn cây cho doanh thu 128 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng hơn 88 triệu đồng.

“Bền vững và hiệu quả hơn nhiều. Bởi ngày nay, khi xã hội đã phát triển, người tiêu dùng có điều kiện và nhu cầu sử dụng các thực phẩm sạch, bảo đảm sức khoẻ nên dù bỏ ra thêm nhiều tiền nhưng họ vẫn chấp nhận. Đây là xu thế tất yếu của tiến bộ xã hội, mọi người từ ăn no đã chuyển sang ăn ngon, ăn an toàn. Đây cũng là tiêu chí, mục đích trong mô hình sản xuất của tôi nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn cho sức khoẻ cộng đồng. Muốn vậy, tôi có chiến lược đầu tư vườn trồng của mình theo hướng riêng là sử dụng phân hữu cơ và trồng xen canh các loài cây nhằm tạo sản phẩm quanh năm (mùa nào vụ đó, mùa nào trái đó)”- ông Sơn chia sẻ.

nongnghiep.jpg
Nắm bắt xu hướng người tiêu dùng, ông Sơn mạnh dạn phát triển nông nghiệp xanh với hàng ngàn gốc cây có giá trị kinh tế cao

Cũng theo ông Sơn, các loại cây ông trồng hiện nay là bưởi Thái da xanh xen lẫn cau, chuối, cam, chanh giấy, măng cụt. Mỗi loại này được ông sử dụng phân hữu cơ để bón, hoà với nước tưới nhỏ giọt tự động mỗi ngày. Trong khi đó, ông đặc biệt quan tâm “nuôi” các loài thiên địch trong vườn vừa là để cân bằng hệ sinh thái nhưng đồng thời cũng qua đó có nhiều loài giúp thụ phấn hoa, cho quả của vườn cây.

“Nếu như cây cau ngoài kinh tế thì nó cũng là trụ đỡ cho các cây khác như chanh giấy, măng cụt phát triển, nhất là vào mùa mưa gió. Trong khi đó cây chuối thì cho bóng mát và cũng che chắn gió để các loại khác không bị gió quật ngã. Mít khi lớn cũng tạo bóng, che nắng, giữ ẩm cho vườn. Ngoài ra, tôi không nhổ bỏ các loài cỏ trong vườn mà giữ lại để vừa giữ ẩm cho đất, vừa tạo hệ môi sinh cho gốc cây dễ phát triển”- ông Sơn bộc bạch.

Cũng chọn hướng đi phát triển nông nghiệp hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững gắn với chỉnh trang tường rào, cổng ngõ xanh, sạch, đẹp và hiệu quả, ông Đoàn Kim Thiệt (56 tuổi), trú tại thôn A7, xã Tiên Cảnh cho biết, vườn nhà ông có tổng diện tích hơn 2ha, được ông cải tạo từ vườn trồng quế trước đây. Hiện trong vườn ông trồng nhiều loại cây ăn quả có giá trị cao như: Cau, bưởi Thái da xanh, sầu riêng, măng cụt, tiêu… Với những loài cây này, ông Thiệt chỉ bón mỗi loài phân hữu cơ tại gốc khi trồng, sau đó bón thúc, bón chăm đất theo định kỳ cũng chỉ phân hữu cơ kết hợp với hoà tan trong ước để tưới. Ông quan niệm “bón phân cho đất chứ không bón phân cho cây, phải nuôi đất. Đó mới là cách làm hiệu quả nhất”.

Kỳ vọng phát triển du lịch sinh thái

Vườn tại Tiên Phước nằm gọn trong không gian làng mang đặc trưng của làng quê xứ Quảng, với nhiều hạng mục, công trình thiết yếu, đóng vai trò là không gian sống, không gian ở, không gian văn hoá, không gian sản xuất gắn bó máu thịt của người dân bên sông Tiên. Đây là những lợi thế để thu hút khách du lịch thăm quan, tìm hiểu; là cơ sở, thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng- Một hướng đi hiệu quả, phù hợp để phát triển nông thôn miền núi của Tiên Phước hiện nay.

nongnghiep5.jpg
Du khách đến tham quan trải nghiệm ở làng cổ Lộc Yên, Tiên Phước.

Ông Phạm Hồng Sơn tại thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà chia sẻ, mô hình vườn ứng dụng công nghệ vi sinh, kết hợp công nghệ 4.0 của ông thường xuyên được các đối tác và người làm vườn khắp nơi trong cả nước về tham quan, tìm hiểu và học tập. Để tranh thủ nguồn thu từ các đối tác này, ông Sơn dự kiến sắp tới sẽ nâng cấp 2 khu vườn nhà mình thành Khu du lịch sinh thái vừa để đón khách tham quan, vừa tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho khách hàng của mình.

Ông Tăng Ngọc Đức – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết hiện trên địa bàn huyện Tiên Phước có khá nhiều nhà vườn thành công như ông Sơn, ông Thiệt. Phòng NN&PTNT xem đây là những mô hình vườn mẫu để tiếp tục quảng bá, phát huy nhân rộng. Mục đích là vừa tạo ra phong trào sản xuất kinh doanh hiệu quả, vừa tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời qua đây để góp phần cải tạo bộ mặt nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp và khang trang. Riêng với hướng đi là phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch luôn là giải pháp được tỉnh và huyện khuyến khích, coi trọng.

Huyện đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng Trung du xứ Quảng giai đoạn 2017-2025 (Đề án 548). Mục tiêu chính của Đề án nhằm xây dựng Tiên Phước thành vùng trọng điểm về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái và huyện mang đặc trưng vùng trung du Quảng Nam.

Bên cạnh hình thành các mô hình chuyên canh và đa canh theo quy mô trang trại với các loại cây đặc sản thì địa phương sẽ hình thành mô hình làng mẫu, khu dân cư kiểu mẫu có cảnh quan đẹp, với nhiều loại cây trồng đặc sản, giá trị kinh tế cao gắn với khai thác du lịch, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

nongnghiep2.jpg
Các đối tác và người làm vườn khắp nơi trong cả nước về tham quan, tìm hiểu và học tập đến tham quan mô hình vườn nông nghiệp sạch của ông Sơn

“Sắp tới Tiên Phước sẽ tiếp tục khuyến khích và đầu tư phát triển các mô hình vườn mẫu, vườn điểm tại các xã, thị trấn gắn kết nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thân thiện môi trường với phát triển du lịch sinh thái vừa gia tăng giá trị, khả năng tiêu thụ nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường, thôn xanh – sạch – đẹp” - ông Đức cho hay.

Lan Anh