Xã hội

Hành trình giảm nghèo bền vững ở Bắc Kạn

Mai Anh 24/10/2023 - 13:14

(TN&MT) - Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Bắc Kạn đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo, thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và công tác giảm nghèo về thông tin, từ đó tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn tỉnh.

Triển khai nhiều chính sách giảm nghèo thường xuyên

Giai đoạn 2021 - 2025, từ nguồn vốn Trung ương phân bổ trên 473 tỷ đồng, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai 157 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có 10 dự án liên kết chuỗi giá trị và 147 dự án cộng đồng. Cùng với đó là triển khai các chính sách giảm nghèo thường xuyên gồm chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo cho học sinh con hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ về y tế; chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo; chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo hưởng thụ văn hoá thông tin; chính sách hỗ trợ nhà ở và chính sách hỗ trợ tiền điện.

Các chính sách này được triển khai đã giúp giải quyết việc làm cho hơn 21.500 lao động, số người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 1.693 người; đào tạo nghề cho hơn 14.600 người. Bên cạnh đó, các chính sách đã hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho 124.507 lượt học sinh nghèo, cận nghèo với kinh phí hơn 246 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn cho 34.200 lượt học sinh, kinh phí thực hiện trên 150 tỷ đồng; thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gần 430.000 đối tượng chính sách xã hội, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đạt 97%.

z461482319088172b5251d11dfb6ea31f7ae124b57e345j-7c0db8487cb2.jpg
Người dân xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn được hỗ trợ vốn vay

Các chính sách cũng đã giúp tổ chức khám, chữa bệnh cho trên 165.000 lượt người nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều năm 2022 giảm 2,66%, vượt mục tiêu đề ra, tỷ lệ giải ngân đạt 41% kế hoạch, các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, giáo dục - đào tạo, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin cơ bản mức độ thiếu hụt năm sau đều giảm so với năm trước.

Bên cạnh đó, ngành chức năng tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý tại 215 điểm, với 9.557 người tham dự, cấp phát 53.826 tờ gấp và đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý; biên soạn, in ấn và cấp phát 1.500 cuốn “Cẩm nang pháp luật trợ giúp pháp lý” cho người có uy tín tại thôn, bản, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cán bộ các cơ quan liên quan; trợ giúp pháp lý cho 124 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; 322 người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bằng nhiều nguồn lực, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 4.145 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh với số tiền hỗ trợ gần 128 tỷ đồng; chi trả hỗ trợ tiền điện cho trên 110.000 lượt hộ, với tổng kinh phí thực hiện 23 tỷ đồng.

Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vì mục tiêu giảm nghèo bền vững

Trong nửa đầu hành trình giảm nghèo bền vững, thành công lớn nhất của tỉnh chính là nâng cao nhận thức và khơi dậy khát vọng vươn lên cho các hộ nghèo. Điều đó được chứng minh bằng con số giảm nghèo đạt 2,66% trong năm 2022. Con số này đã vượt chỉ tiêu giảm nghèo từ 2 - 2,5%/năm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, đồng thời là tiền đề để Bắc Kạn tiếp tục làm tốt công tác này trong những năm tiếp theo.

Để công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả, ông Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào “Bắc Kạn chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; thường xuyên cập nhật, phổ biến, nhân rộng các mô hình tốt, những kinh nghiệm, sáng kiến hay về công tác giảm nghèo bền vững để tuyên truyền trong Nhân dân.

mo-hinh-nuoi-de-cua-anh-bui-van-sy-thon-bo-pet-xa-yen-thinh-85f171f86446.jpg
Mô hình nuôi dê của một hộ dân ở thôn Bó Pết, xã Yên Thịnh, huyện Chợ Đồn nằm trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất giúp cho người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu

Đồng thời, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sâu sát, quyết liệt, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và cộng đồng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Các sở, ngành, địa phương cũng cần chủ động, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tiểu dự án; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường xuyên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh các đơn vị, địa phương cần tận dụng tối đa nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn theo hướng dẫn của các bộ, ngành và của tỉnh, phấn đấu giải ngân đạt kết quả cao nhất năm 2023 và đến cuối năm 2025.

Đối với chương trình hỗ trợ cho các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, ông Phạm Duy Hưng đề nghị các địa phương thực hiện hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của đối tượng và nguồn vốn hỗ trợ của chương trình, góp phần nâng cao tỷ lệ nhà ở đạt tiêu chuẩn trong thời gian tới.

Mai Anh