Môi trường

Phụ nữ đầy nhiệt huyết với công tác bảo tồn đa dạng sinh học

Bài: Khánh Ly - Trình bày: Hoàng Hiền 20/10/2023 - 16:06

(TN&MT) - Những năm gần đây, ngày càng có nhiều nữ giới tham gia công tác trong ngành bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

318549415_516151783876793_3610848550298607137_n.jpg
san-buom-o-vuon-quoc-gia-cuc-phuong-10-09534057.jpg

Với công việc có tính chất đặc thù, nhiều người phải thường xuyên xa gia đình, làm việc tại các cơ sở bảo tồn, vườn quốc gia, sinh cảnh tự nhiên hoang dã... Vậy đâu là động lực để các chị gắn bó với công việc lâu dài, và truyền cảm hứng yêu thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học cho những người xung quanh?

Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã ghi lại những chia sẻ của 3 người phụ nữ đang làm việc trong ngành bảo tồn. Góc nhìn khác nhau nhưng họ cùng chung niềm tin rằng, phụ nữ hoàn toàn có thể làm những công việc nam giới đang làm và mong muốn xã hội sẽ ghi nhận đóng góp của phụ nữ một cách công bằng để họ có thể phát huy trí tuệ, sức lao động hiệu quả nhất.

h9-10-bac-abtl-14.8-1-.jpg

Chị Lê Thị Bắc

Giám sát chuyên môn,
Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam - Trưởng ban Tư vấn bình đẳng giới Tổ chức Động vật Châu Á

Chị Bắc đã trực tiếp chăm sóc gấu trong 14 năm qua. Công việc chủ yếu là mang lại cho những chú gấu một môi trường sống bình yên, cung cấp đầy đủ về mặt vật chất cũng như tinh thần để giúp gấu tái hòa nhập với môi trường tự nhiên, dần hồi phục sức khỏe sau quãng thời gian dài bị nuôi nhốt.

h9-10-bac-abtl-14.8-2-1(2).jpg

"Theo quan điểm của tôi, công việc không phân biệt nam giới mới đóng vai trò quan trọng hoặc là phù hợp. Nữ giới cũng có những thế mạnh riêng nếu chúng ta biết cách khai thác, hướng dẫn đào tạo và phân quyền đúng người, đúng việc. Tại nơi tôi làm việc, thông thường sẽ có những bộ phận chuyên biệt khác nhau với từng nhiệm vụ được phân công cụ thể. Nam giới sẽ đảm nhiệm những công việc nặng nhọc nhưng nếu trường hợp cần, phụ nữ vẫn có thể làm được. Một con gấu 200kg, 4 người phụ nữ không thể khiêng nổi thì chúng tôi sẽ đổi lại bằng 6 người khiêng và chúng tôi cũng đã thực hiện được điều đó.

97984354_3016022278447883_4199812557550125056_n.jpg
Các nhà bảo tồn tham gia cứu hộ gấu
anh-.jpg
Cán bộ nữ cùng di chuyển lồng cứu hộ gấu, tổng trọng lượng cả lồng và chú gấu trong lồng khoảng 400 kg

Do vậy, nam hay nữ không phải là một vấn đề, mà vấn đề chính ở đây là tư duy nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi nơi làm việc khác nhau. Chúng ta có dám trao quyền, đặt niềm tin ở họ để họ có cơ hội được thể hiện năng lực của chính mình hay không.

305511432_5513009475415805_14145156836960229_n.jpg
Gấu con chơi đùa trong Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam

Tại nơi tôi công tác, nam nữ đều nhận mức lương như nhau, nhiệm vụ như nhau, cơ hội phát triển như nhau và mọi chế độ đãi ngộ như nhau. Phụ nữ chúng tôi vẫn phải làm các công việc nặng nhọc của nam giới, nhưng với tinh thần hỗ trợ và phối kết hợp với nhau. Anh nam giới cắt cây thì chúng tôi khiêng cây, anh nam giới xẻ gỗ thì chúng tôi đóng ván, anh nam giới trèo lên mái sửa chữa thì chúng tôi đưa đồ từ dưới lên.

Kỷ niệm tôi nhớ nhất là có thời điểm, Trung tâm cứu hộ được một chú gấu chó tên là Murphy mới sinh được khoảng hơn 1 tháng và tôi được giao trực tiếp chăm sóc. Nhìn Muphy nhỏ nhắn đáng yêu, không những tôi mà tất cả các thành viên trong trung tâm đều dành cho Myphy một sự quan tâm đặc biệt, chúng tôi luôn dành thời gian trong ngày đến chơi đùa cùng Myphy để chú cảm thấy không bị cô đơn. Có một hôm, đội bảo trì cắt một cây thông bị chết gần chuồng của chú gây nhiều tiếng động mạnh. Myphy sợ hãi và chạy về phía tôi, giơ hai tay lên đòi bế, rồi co cả hai chân lên và chui vào lòng tôi như một đứa con cần được vỗ về. Thật sự lúc đó, tôi rất cảm động và chợt hiểu sự gắn bó khiến tôi không thể rời xa nơi đây. Myphy của chúng tôi đến hiện tại đã là một chú gấu trưởng thành, tinh nghịch và bản lĩnh. Thật may mắn là tôi vẫn được đồng hành cùng chú cho đến hiện giờ.

Chúng tôi không quan niệm nam giới nên làm những việc này hay nữ giới chân yếu tay mềm chỉ có thể làm những việc kia. Những công việc của nam giới vẫn có thể đào tạo cho phụ nữ làm, tùy từng người sẽ đảm nhận từng công việc khác nhau phù hợp với sức khỏe và thể trạng của từng cá nhân. Ví dụ, người phụ nữ 50kg không thể di chuyển một chiếc lồng cứu hộ gấu khoảng 2 tạ. Nếu như ngay lúc đó, chúng ta mặc định việc này dành cho nam giới thì sẽ dựng lên một rào cản tư duy, gây khó khăn trong giải quyết công việc. Đơn giản là tìm ra phương án khác như kết hợp thêm cả nam và nữ, hoặc nhiều nữ hơn là có thể di chuyển được chiếc lồng đó rồi, và đương nhiên không còn sự phân biệt việc nặng, nhẹ nữa rồi. Chính từ tư duy, nhận thức của chúng ta đã tạo sự đối xử phân biệt, bất bình đẳng.

v204-spice-24.3.21-h1-5-.jpg
Sau quãng thời gian dài phải sống tù túng, thiếu thốn về mọi mặt, những chú gấu được hỗ trợ tái hòa nhập với môi trường tự nhiên và dần hồi phục sức khỏe

Về phía gia đình, cả hai vợ chồng đều làm việc tại Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam nên tôi luôn có người đồng hành, thấu hiểu và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm trong công việc. Gia đình là nguồn động viên rất lớn đối với tôi khi tham gia công tác trong ngành bảo tồn".

Gắn bó 14 năm với công việc, lý do đơn giản vì tôi có một đam mê lớn với những chú gấu mà tôi trực tiếp chăm sóc và luôn cảm thấy tự hào về những gì mình đã, đang làm. Đó là giúp những chú gấu có một mái
nhà bình yên.

5-huyen-do.jpg

Chị Đỗ Thị Thanh Huyền

Nhà sáng lập -
Giám đốc điều hành Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia

Chị Huyền đã có hơn 26 năm hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên. Chị là Chủ tịch mạng lưới Giáo dục Môi trường Việt Nam; chuyên gia tư vấn cấp cao cho nhiều dự án bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường khắp Việt Nam; tác giả của gần 20 ấn phẩm về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam. Chị cũng là giảng viên thỉnh giảng của trường Đại học Tây Nguyên và Đại học Nông lâm Thủ Đức.

gaia_khao-sat-pu-hu_dung-phan_240923-102-(1).jpg

"Phụ nữ Việt Nam thường sẽ có nhiều trọng trách về gia đình, con cái hơn người chồng. Do đặc thù công việc nên Huyền đi rất nhiều. May mắn, chồng Huyền cũng làm trong ngành bảo tồn thiên nhiên nên anh đã chia sẻ với mình. Lúc mới thành lập Gaia, công việc càng bận rộn. Hai vợ chồng thay phiên nhau đi công tác và người còn lại ở nhà chăm sóc con. Thật sự, để có thể vừa chăm sóc gia đình lại vừa hoàn thành công việc, gia đình đã ở bên Huyền, hết lòng động viên, hỗ trợ, ủng hộ Huyền.

copy-of-gaia_trong-rung-ben-en_huyen-do_310822-58-.jpg
Chị Đỗ Thị Thanh Huyền trong một chuyến trồng rừng

Ngành bảo tồn có rất nhiều nam giới và dường như, xã hội cho rằng, đó nên là công việc của nam giới. Sau nhiều năm công tác, Huyền nhận thấy, tiếng nói của phụ nữ đôi khi không được coi trọng bằng. Ví dụ, khi mình về địa phương, nhìn thấy mình là một cô gái thì mọi người có suy nghĩ chắc là cô này không làm hiệu quả hoặc không mang lại tác động gì đâu. Chỉ đến khi cùng làm việc với nhau, họ mới tin tưởng và bắt đầu cởi mở hơn.

Với chương trình “Góp 1 cây là góp rừng”, qua 5 năm triển khai, chị Huyền cùng Gaia đã nhận được sự đồng hành từ 122 doanh nghiệp, hơn 12 nghìn cá nhân. Tổng số cây trồng và gây trồng lên đến 892.584 cây, phủ xanh hơn 405 ha thuộc 8 khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn. Việc tổ chức các hành trình trải nghiệm thiên nhiên dành cho doanh nghiệp, trường học, gia đình và bạn trẻ cũng giúp lan toả mạnh mẽ tình yêu thiên nhiên trong cộng đồng.

Theo Huyền, phụ nữ có thể tham gia bất cứ công việc gì trong bảo tồn. Tất nhiên, có những công việc đòi hỏi sức vóc hơn và phải xa gia đình nhiều hơn thì có thể phù hợp với nam giới, nhưng không có nghĩa nữ không làm được. Tại Gaia, phụ nữ chiếm 70 -80% và các bạn vẫn tham gia rất tích cực các hoạt động trồng rừng, đi thực địa. Mình có khi cũng đi cùng cả một tuần, lăn lộn hiện trường cùng các bạn. Việc nặng nhọc hay nhẹ nhàng là tùy quan điểm mỗi cá nhân, nhưng Huyền nghĩ, phụ nữ vẫn có sự dẻo dai nhất định để theo đuổi các công việc đó. Chính các bạn nữ của Gaia đang làm rất tốt. Dù thể lực không bằng các bạn nam nhưng họ có khả năng quan sát tỉ mỉ, nắm bắt tình hình tốt hơn.

318549415_516151783876793_3610848550298607137_n(1).jpg
Hoạt động trồng rừng tại Vườn quốc gia Bạch Mã
311381369_472514834907155_2575584308660252158_n.jpg
Hoạt động bảo vệ rừng ngập mặn tại Cà Mau

Hiện tại, Gaia đang hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức những chuyến trải nghiệm thiên nhiên, đi trồng rừng. Phụ nữ có thể thấu hiểu nhanh hơn các yêu cầu cao từ đối tác và thiết kế chương trình một cách linh hoạt, tinh tế, đảm bảo hiệu quả kết nối theo hướng có lợi cho hai phía. Trong giới bảo tồn cũng có rất nhiều nữ. Phụ nữ có thể hiểu và hỗ trợ nhau dễ dàng hơn.

Dù vậy, quan điểm của Huyền là vẫn nên cân bằng nam và nữ trong công việc. Thời gian tới Gaia muốn tuyển thêm nam giới. Không phải vì phân biệt giới, mà vì có nam có nữ mới nên “xuân” (cười). Bình đẳng trong giới bảo tồn không có nghĩa là phân biệt nam nên làm việc này, nữ nên làm việc kia. Quan trọng là quá trình làm việc, hai bên cư xử bình đẳng với nhau, trân trọng nhau. Mình sẽ đánh giá đúng những cống hiến của bạn đó cho công tác bảo tồn cho dù là nam hay nữ.

gaia_p-g_central-retail_trong-rung-dong-nai_tuan-nguyen_110923-203-(1).jpg
Kết nối cộng đồng tham gia chương trình “Góp 1 cây là góp rừng”

Nam giới hay nữ giới đều cần được công nhận công đóng góp của mình, được trả lương công bằng. Hiện nay, vẫn có tình trạng nữ không được trả lương cao bằng nam, hay bạn nữ cũng dễ bị quấy rối tình dục hơn. Đây là câu chuyện văn hóa, và nó đang ảnh hưởng tới việc phát huy năng lực của nữ giới trong công tác bảo tồn".

Mình rất mừng khi là phụ nữ, và cho dù được chọn vẫn muốn là nữ thôi (cười)

van_9493.jpg

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga

Quản lý Dự án Wild Act

Chị Nga có 6 năm kinh nghiệm phát triển và thực hiện các dự án, tập huấn, giáo dục và truyền thông cho cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã; điều phối và triển khai chương trình nâng cao năng lực cho các nhà bảo tồn trẻ với hơn 100 học viên mỗi khóa; quản lý Thư viện hoang dã với 32.625 học sinh, sinh viên và cán bộ được hưởng lợi.

1(3).jpg

"Theo Liên Hợp Quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung. Vậy có nghĩa không phải phụ nữ làm việc nặng hơn, hay nên được ưu tiên hơn để trả lương cao hay thấp. Mà họ được tạo những điều kiện giống như của nam giới để có thể phát huy được khả năng và phát triển, thăng tiến trong ngành.

wbs06113.jpg
Các bạn trẻ tham gia tập huấn công tác bảo tồn

Ví dụ, thay vì phân công cho phụ nữ làm những công việc được coi là nhẹ nhàng như ngồi văn phòng và phải chịu nhận một mức lương thấp, không có cơ hội phát triển thêm thì cơ quan đó nên mở cơ hội tuyển dụng cho cả 2 đối tượng, nữ giới cũng được ứng tuyển vào các vị trí nghiên cứu, thực địa hay các vị trí cấp cao khác của đơn vị, đánh giá mức lương, đề đạt chức vụ theo năng lực và hiệu quả công việc chứ không phải theo giới tính. Với tôi, đấy là bình đẳng.

Thực tế cho thấy, phụ nữ rất quan tâm và họ nghiêm túc với công tác bảo tồn, công tác xã hội. Kĩ năng hay kiến thức họ thu nhận được không hề kém nam giới. Tại Nam Phi, đội nữ tuần tra, bảo vệ rừng đầu tiên trên thế giới đã được thành lập. Họ là những người địa phương, được đào tạo huấn luyện y như nam giới, làm những công việc như nam giới kiêm truyền thông viên, kết nối cộng đồng địa phương với ban quản lý rừng. Từ khi thành lập đến nay, khu vực họ quản lý đã giảm 63% các cuộc săn trộm. Đặc biệt, số lượng các cuộc xung đột, đấu tranh có vũ khí giữa lực lượng bảo vệ rừng với kẻ săn trộm giảm hẳn so với đồng nghiệp nam. Ở Inđônêxia lại có mô hình cộng đồng nữ kiểm lâm. Họ cũng là phụ nữ cộng đồng và được đào tạo như những kiểm lâm viên. Khi xảy ra mâu thuẫn giữa cộng đồng và ban quản lý rừng, đội nữ kiểm lâm có thể tham gia hòa giải các xung đột.

img_4003.jpg
ewc(1).jpg
Cán bộ các vườn quốc gia, khu bảo tồn tham gia tập huấn nhận diện và ứng phó với quấy rối tình dục nơi làm việc

Hai mô hình trên không thể chỉ có 1 tổ chức đứng lên và khởi xướng, mà cần sự phối hợp của nhiều bên. Trong đó, cơ quan quản lý có cơ chế cho phép họ hoạt động và tạo điều kiện để các bên cùng tham gia hỗ trợ họ. Đây chính là các nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và giảm bạo lực giới.

Làm việc tại WildAct, tôi cùng đồng nghiệp tổ chức nhiều khóa tập huấn cho các bạn trẻ với mong muốn tăng nguồn nhân lực tham gia công tác bảo tồn tại Việt Nam. Đa số các bạn học viên là nữ và họ có nhiều thành tích nổi trội, rất mong muốn tham gia và đóng góp cho ngành. Nhưng chúng tôi cũng tự nhận thấy, mình có trách nhiệm phải cảnh báo các bạn về những rủi ro và góp phần xây dựng môi trường làm việc lành mạnh hơn, bình đẳng và giảm bạo lực giới.

Hiện nay, chưa có nghiên cứu hay báo cáo nào về vấn đề quấy rối tình dục, bạo lực giới trong công tác báo tổn. Chúng tôi đã thực hiện với 1 khảo sát nhỏ trên 114 nhà bảo tồn đang hoạt động tại các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng địa phương và người nước ngoài. Kết quả, 36% số người được hỏi cho biết họ bị quấy rối bởi chính đồng nghiệp của mình và hơn một nửa trong số họ không dám lên tiếng vì không muốn làm tổn hại danh tiếng của tổ chức; 31% cho biết thái độ của những người xung quanh cho rằng đây là vấn đề của cá nhân và họ phải tự giải quyết.

Bảo tồn là một công việc đầy thử thách nhưng cũng rất thú vị và ý nghĩa. Bản thân mình là một người yêu thích khám phá, trải nghiệm thiên nhiên và mong muốn có thể tạo ra được những sự thay đổi tích cực từ con người đến môi trường. Tôi mong muốn lan toả nhiều hơn và tạo ra nhiều sự thay đổi lớn hơn.

Thực tế cho thấy, các tổ chức bảo tồn chưa quan tâm nhiều đến vấn đề quấy rối tình dục. Thứ nhất, họ không có thời gian vì quá nhiều việc phải làm. Thứ 2, đây cũng là vấn đề cực kì nhạy cảm, ranh giới giữa hành vi quấy rối và các câu chuyện đùa bình thường khá mong manh. Khi mới đào sâu làm dự án về chủ đề này, WildAct nhận nhiều luồng ý kiến phản đối. Nhưng nếu chúng tôi không làm, vấn đề vẫn ở đó, và nó gây cản trở nỗ lực tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành bảo tồn tại Việt Nam.

Sau các cuộc tập huấn về bình đẳng giới trong bảo tồn, chúng tôi xây dựng các địa chỉ đáng tin cậy cho các nhà bảo tồn nữ báo cáo về vấn đề quấy rối tình dục, với sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức chuyên về bình đẳng giới. Chúng tôi cũng xây dựng Bộ quy tắc ứng xử về giới và đã gửi tới các đơn vị bảo tồn, hướng dẫn họ triển khai thực hiện. Một mạng lưới các nhà bảo tồn trẻ cũng đã ra đời, giúp họ kết nối để phát triển những sáng kiến của mình một cách bình đẳng.

3.jpg
Tạo môi trường làm việc an toàn sẽ giúp phụ nữ trong ngành bảo tồn yên tâm phát huy năng lực

Dự kiến, WildAct sẽ tiếp tục tập huấn cho 100 cán bộ bảo tồn nữ và cán bộ kiểm lâm trong nhận diện ứng phó, ngăn ngừa bạo lực giới, tạo môi trường làm việc an toàn hơn. Chúng tôi kỳ vọng sau dự án, sẽ có đội nữ bảo tồn đầu tiên của Việt Nam được thành lập, áp dụng mô hình giống Indonexia hay Mam Phi.

Riêng đối với tôi, bảo tồn là một công việc đầy thử thách nhưng cũng rất thú vị và ý nghĩa. Bản thân mình là một người yêu thích khám phá, trải nghiệm thiên nhiên và mong muốn có thể tạo ra được những sự thay đổi tích cực từ con người đến môi trường. Tôi mong muốn lan toả nhiều hơn và tạo ra nhiều sự thay đổi lớn hơn. Vì vậy tôi muốn gắn bó, làm lâu, làm sâu và làm nhiều để có thể huy động, kết nối cùng với nhiều người tạo ra những giá trị bền vững cho môi trường và bảo tồn. Và bắt đầu từ việc chúng ta phải xây dựng một môi trường bình đẳng, an toàn và công bằng thì mới có thể tạo ra một thế giới tốt đẹp cho sinh vật, bảo vệ một hệ sinh thái an toàn và hiệu quả".

Bài: Khánh Ly - Trình bày: Hoàng Hiền