Xã hội

Lâm Đồng: Giúp người dân giảm nghèo bền vững

Thúy Nhi 19/10/2023 - 17:53

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kịp thời các quyết định, kế hoạch để triển khai tổ chức. Đây được xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt mà địa phương nỗ lực thực hiện nhằm chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân, nhất là những đối tượng yếu thế, người nghèo, góp phần đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Lâm Đồng là tỉnh thuộc Nam Tây Nguyên, có tổng diện tích 978.220 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp 368.233 ha, diện tích đất lâm nghiệp 537.720 ha. Với tài nguyên đất đai phong phú về thổ nhưỡng, đa dạng về địa hình, khí hậu ôn hòa đã tạo cho Lâm Đồng thế mạnh trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, dịch vụ và du lịch.

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tính đến cuối năm 2022, tỉnh Lâm Đồng còn 6.636 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,94%; 11.601 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,40%. Trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 4.594 hộ, chiếm tỷ lệ 5,65%; hộ cận nghèo dân tộc thiểu số còn 6.905 hộ, chiếm tỷ lệ 8,57%.

1(3).jpg
Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Lâm Đồng còn 6.636 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,94%; 11.601 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,40%. Ảnh PV

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kịp thời các quyết định, kế hoạch để triển khai tổ chức thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đây được xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt mà địa phương nỗ lực thực hiện nhằm chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân, nhất là những đối tượng yếu thế, người nghèo, góp phần đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa các nghị quyết, quyết định, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Theo đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo về Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành hướng dẫn UBND các huyện, thành phố triển khai cụ thể từng dự án, chính sách của Chương trình; phối hợp với các ngành tổ chức kiểm tra việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Ngoài ra, địa phương đã ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chính sách đối với người nghèo, hộ nghèo; Kết hợp lồng ghép kế hoạch giảm nghèo của tỉnh với kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025; kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025; Tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội dành cho vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới hoát nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn khác…

Tại huyện Lạc Dương, trong giai đoạn 2021-2023, tổng kinh phí dành cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở huyện Lạc Dương trên 10,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 5,1 tỷ, ngân sách địa phương gần 800 triệu đồng, huy động người dân đóng góp hơn 214 triệu và các nguồn vận động khác gần 4,3 tỷ đồng. Huyện tập trung nguồn vốn và nhân lực lớn nhất cho việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo để từng bước góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Theo Phòng NN&PTNT Lạc Dương, trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả và mang tính bền vững. Bên cạnh đó, thông qua các buổi tập huấn, dạy nghề cho lao động nông thôn, người dân đã mạnh dạn sử dụng các loại giống mới, áp dụng khoa học công nghệ mới vào việc trồng trọt, vật nuôi.

Về trồng trọt, vì là một trong những địa phương hiếm hoi có thể trồng Arabica (loại cà phê có giá cao bậc nhất thế giới) nên huyện chú trọng mô hình thâm canh loại cây này. Các nông hộ áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh tiên tiến như bón phân cân đối, tỉa cành tạo tán, phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản... Từ đó tăng năng suất, chất lượng cây cà phê trên địa bàn.

Đồng thời, huyện kết nối để người dân liên kết sản xuất với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Tiêu biểu, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đà Lạt Green hỗ trợ người dân trồng rau sạch, còn HTX sản xuất cà phê Arabica Lạc Dương phối hợp với người dân sản xuất cây cà phê theo chuỗi giá trị, chú trọng chế biến sâu.

Còn tại huyện Đức Trọng, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 cuối năm 2022: Tổng số hộ nghèo toàn huyện là 533 hộ, chiếm tỷ lệ 1,07%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số là 357 hộ, chiếm tỷ lệ 2,33%. Tổng số hộ cận nghèo toàn huyện là 1.112 hộ, chiếm tỷ lệ 2,23%, trong đó hộ cận nghèo dân tộc thiểu số là 702 hộ, chiếm tỷ lệ 4,58%.

Để có được kết quả trên, Đức Trọng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, lồng ghép chính sách hỗ trợ miễn phí với chính sách hỗ trợ có điều kiện như chương trình vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm…

Cụ thể, về công tác đào tạo nghề, hàng năm, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tổ chức cả chục lớp dạy nghề như hàn xì, đan móc, kỹ thuật chế biến món ăn… cho hàng trăm lao động nông thôn, trong đó ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người dân tại các xã đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số có vốn mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất, huyện đã thực hiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, dư nợ tính đến ngày 30/6/2023 là 476.066 triệu đồng/13.766 lượt hộ vay. Trong đó cho vay hộ nghèo 26.689 triệu đồng/388 hộ; hộ cận nghèo 77.343 triệu đồng/1.128 hộ; hộ mới thoát nghèo 48.491 triệu đồng/875 hộ.

Ngoài ra, huyện còn huy động nhiều nguồn kinh phí để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 84 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí 9.455 triệu đồng. Việc làm này đã góp phần giúp hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Song song với đó, huyện cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ học sinh là con hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng nhiều hình thức như vận động cấp học bổng, hỗ trợ dụng cụ học tập nhằm động viên, khích lệ tinh thần vượt khó của các em. Cụ thể, đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ xã hội cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số; trao tặng hơn 2.500 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó từ ngân sách huyện và các nguồn hỗ trợ khác…

Thúy Nhi