Xã hội

Quảng Bình: Giảm nghèo hiệu quả từ nguồn vốn vay chính sách và xuất khẩu lao động

Thanh Tùng 19/10/2023 - 17:53

Trong những năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và chính sách chú trọng xuất khẩu lao động đã giúp cho nhiều địa phương khó khăn của tỉnh Quảng Bình đạt được kết quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững. Từ các giải pháp này, thu nhập người dân được nâng cao, đời sống được cải thiện, nhiều người vươn lên làm giàu.

Hướng thoát nghèo hiệu quả

Mai Hóa là một xã thuộc huyện miền núi Tuyên Hóa, với tổng số 2.240 hộ dân, 8.542 nhân khẩu. Kinh tế - xã hội của xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, địa bàn phải thường xuyên phải gánh chịu thiên tai, bão, lũ, chính vì vậy đời sống người dân trong xã gặp nhiều khó khăn.

Để làm tốt công tác giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền xã Mai Hóa đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo. Trong số các giải pháp, Mai Hóa chú trọng việc thực hiện đồng bộ các chính sách về vay vốn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nhất từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ đó, tổng dư nợ ngân hàng toàn xã đến nay là 163 tỷ đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 53 tỷ đồng. Đây chính là nguồn vốn giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã vay để giải quyết việc làm, đầu tư sản xuất, chăn nuôi...

anh-1(2).jpg
Người lao động Quảng Bình được đào tạo trước khi đi xuất khẩu lao động

Bên cạnh đó, Mai Hóa còn tập trung cho công tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Xã coi đây là một trong những biện pháp giảm nghèo bền vững và hiệu quả. Những năm qua, công tác xuất khẩu lao động được ưu tiên quan tâm, xã luôn tạo điều thuận lợi cho con em vay vốn để đi xuất khẩu lao động. Hiện nay, trên địa bàn xã có 428 người đi xuất khẩu lao động, 139 người đi tàu biển, thu nhập bình quân mỗi lao động hàng tháng khoảng 20 triệu đồng. Đây chính là nguồn thu nhập lớn làm thay đổi cuộc sống nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã.

Nhờ các chính sách phát triển kinh tế hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm tại Mai Hóa giảm dần, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Hiện nay toàn xã còn 71 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,16%; cận nghèo 164 hộ, chiếm tỷ lệ 7,29%; phấn đấu cuối năm 2023 giảm còn 52 hộ nghèo, 84 hộ cận nghèo.

Giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cũng là mô hình được nhiều địa phương khác tại Quảng Bình áp dụng hiệu quả nhằm giúp đỡ hộ nghèo về sinh kế để vươn lên thoát nghèo. Như xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch đã phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, các đơn vị xuất khẩu lao động, các ngân hàng trên địa bàn làm tốt công tác tư vấn vay vốn, định hướng cho các đối tượng tham gia xuất khẩu lao động chọn việc làm, thị trường phù hợp.

Phúc Trạch cũng tổ chức đoàn các trưởng thôn đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số địa phương làm tốt công tác xuất khẩu lao động; giới thiệu những cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu có con em đi làm việc ở nước ngoài, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xuất khẩu lao động đã mở ra hướng đi mới cho việc thoát nghèo, nhiều hộ gia đình có người xuất khẩu lao động đã vươn lên thành hộ khá.

Tại xã Minh Hóa, một huyện miền núi biên giới của huyện Minh Hóa, có 776/927 số hộ dân trong toàn xã là khách hàng của Ngân hàng chính sách xã hội đã sử dụng hơn 17 tỷ đồng vốn ưu đãi đầu tư trồng rừng, thâm canh ruộng vườn, phát triển chăn nuôi. Theo UBND huyện Minh Hóa, từ nguồn vốn ưu đãi đã lồng ghép chặt chẽ với các nguồn lực tài chính khác và chuyển đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp cho toàn huyện giảm được khoảng 4% hộ nghèo, sớm đưa địa phương thoát khỏi danh sách huyện nghèo 30a.

Hơn 2.400 tỷ đồng tín dụng ngân hàng chính sách được giải ngân

Có thể khẳng định, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội và chính sách chú trọng xuất khẩu lao động đã mở ra hướng phát triển kinh tế khả quan cho Quảng Bình.

Thống kê cho thấy, tính đến 30/6/2023, toàn tỉnh có 41.439 lượt vay vốn tín dụng ngân hàng chính sách xã hội với số tiền hơn 2.400 tỷ đồng. Cụ chể, có 4.915 hộ nghèo được cho vay ưu đãi với tổng vốn vay hơn 347 tỷ đồng theo Nghị định 78/2022; Có 6.406 hộ cận nghèo được vay vốn với tổng số vốn vay hơn 476 tỷ đồng theo Quyết định 15/2023; Có 8.458 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn với tổng số vốn vay hơn 631 tỷ đồng theo Quyết định 28/2015; Có 1.234 lượt học sinh sinh viên vay vốn với tổng số tiền hơn 57 tỷ đồng theo Quyết định 157/2027.

anh-2(2).jpg
Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình hỗ trợ đắc lực cho công tác giảm nghèo bền vững của địa phương

Cùng với đó, có 14.441 lượt cho vay giải quyết việc làm với số tiền hơn 692 tỷ đồng theo Nghị định 61/2015; Có 33 lượt cho vay đi xuất khẩu lao động với số tiền hơn 2 tỷ đồng theo Nghị định 61/2015; Có 4.152 lượt cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn với số tiền hơn 199 tỷ đồng theo Quyết định 31/2007; Có 135 lượt cho vay hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt khu vực Miền trung với số tiền hơn 2 tỷ đồng; 1.665 lượt học sinh sinh viên vay mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học với số tiền 16 tỷ đồng theo Quyết định 09/2022/QĐ-TTg.

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, việc được sử dụng nguồn vốn vay từ chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã dần thay đổi tâm lý trông chờ, ỷ lại, giúp hộ nghèo chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Hàng nghìn hộ nghèo nhờ vốn vay ưu đãi đã biết tổ chức sản xuất và sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh việc đẩy mạnh cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tỉnh Quảng Bình cũng rất chú trọng công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động như một giải pháp hữu hiệu trong giảm nghèo bền vững. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, trong năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 21.000 lao động (đạt 116,67% kế hoạch), trong đó có khoảng 4.000 người lao động được tuyển chọn đi xuất khẩu lao động có thời hạn theo hợp đồng (đạt 108% kế hoạch năm).

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, sau rất nhiều nỗ lực của các cấp ngành, địa phương và doanh nghiệp, tỉ lệ thất nghiệp chung toàn tỉnh giảm còn 2,9%. Nhiều địa phương đã tạo mọi điều kiện để người lao động được tiếp cận các nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi, đã có khoảng 6.200 người lao động được hỗ trợ, duy trì và mở rộng việc làm, góp phần nâng thu nhập, ổn định đời sống kinh tế.

Nhờ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh có 16.657 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,52% và 13.731 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,38% tổng số hộ toàn tỉnh. Kết quả đến 31/12/2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,0% (đạt kế hoạch đề ra) với tổng số hộ nghèo còn lại là 12.855 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 4,76% với số hộ cận nghèo còn lại là 12.250 hộ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình cũng thừa nhận, hiện chưa có nhiều chính sách đặc thù của địa phương về giải quyết việc làm cho người lao động khu vực nông thôn. Nguồn lực đầu tư, hỗ trợ công tác giải quyết việc làm còn hạn chế. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình đặt ra mục tiêu trong năm 2023 sẽ tạo việc làm cho 18.500 người. Trong đó, có khoảng 3.700 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Năm 2023, tỉnh Quảng Bình phấn giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,8%, tương ứng với giảm 2.045 hộ, số hộ nghèo còn lại là 10.810 hộ; hộ cận nghèo 0,5% tương ứng với giảm 1.285 hộ, số hộ nghèo còn lại là 10.963 hộ.

Thanh Tùng