Tân Sơn (Phú Thọ): Người phụ nữ thoát nghèo từ đặc sản quê hương
Mô hình sản xuất thịt chua đu đủ của bà Hoàng Thị Sáu khu 2B xã Tân Phú huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao bà con vùng cao xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Những năm trước đây, gia đình bà Hoàng Thị Sáu ở khu 2B, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn – Phú Thọ là một trong những hộ kinh tế khó khăn của xã, chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, trông chờ duy nhất vào vài sào lúa. Thế nhưng, giờ đây gia đình bà đã bắt đầu có của ăn của để, tất cả là nhờ vào sự chủ động thay đổi cách nghĩ, cách làm thông qua mô hình làm thịt chua đu đủ. Đến nay, gia đình bà đã xây được nhà khang trang, đồng thời tạo được việc làm ổn định cho một số người dân cùng khu, từng bước nâng cao đời sống gia đình.
Bà Hoàng Thị Sáu chia sẻ, xuất phát từ việc mảnh đất Tân Sơn có nhiều lợn rừng, lợn đen ngon nên để bảo quản thịt lâu dài, người dân đã nghĩ ra cách ướp thịt với muối cùng sợi đu đủ và thính ngô tự giã. Thịt lúc đó được cắt thành những miếng to để trong chum, vại, ống nứa. Để duy trì và bảo tồn được những giá trị văn hóa ẩm thực, bà Sáu cùng với gia đình đã giữ gìn và phát triển món thịt chua của đồng bào dân tộc Mường.
Bà Hoàng Thị Sáu chia sẻ thêm, để món thịt chua ngon, thơm, nguyên liệu phải chọn lọc thật kỹ càng. Thịt chua Đu Đủ phải được chế biến từ thịt lợn lửng thả tự nhiên, đảm bảo độ săn chắc và thơm ngon. Phần thịt để làm món ăn này là thịt ba chỉ, mông sấn hoặc nạc vai. Sau khi sơ chế, thái thịt thành những miếng mỏng để ướp gia vị, một nguyên liệu khá quan trọng và là yếu tố quyết định sự thơm ngon của thịt chua đó là thính gạo. Đặc biệt, thành phần không thể thiếu tạo nên một món ăn hấp dẫn và có sự khác biệt đó chính là Đu Đủ. Thịt, thính và sợi Đu Đủ sau khi đã ngấm gia vị sẽ được trộn đều với nhau, sau đó nén chặt trong hộp, đóng nắp lại và bảo quản ở nhiệt độ thoáng mát.
Sau nhiều năm sản xuất thịt chua, gia đình bà Sáu học tập và áp dụng khoa học tiên tiến thay từ ống nứa sang lọ nhựa sạch PP nắp kín nhưng vẫn đảm bảo giữ nguyên hương vị truyền thống và đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến nay, cơ sở sản xuất thịt chua của bà Sáu mỗi ngày sản xuất được 400 – 500 hộp.
Với mô hình sản xuất thịt chua đã mang lại hiệu quả đã cho gia đình bà Sáu thu nhập trên 160 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, thu nhập ổn định từ 70-80 triệu đồng/năm. Ngoài ra gia đình bà Sáu còn giúp đỡ cho 8 -10 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 4 đến 6 triệu đồng/người.
Bà Sáu cũng truyền công thức làm thịt chua Đu Đủ cho nhiều gia đình để gia tăng thu nhập. Nhờ đó, đời sống của bà con dân tộc thiểu số từng bước được nâng cao.
Bà Hoàng Thị Sơn, khu Dùng 2, xã Thạch Kiệt, Huyện Tân Sơn là một trong những hộ được bà Sáu truyền lại công thức làm thịt chua Đu Đủ cho biết, gia đình tôi trước thuộc hộ khó khăn phải lo ăn từng bữa. Sau khi được bà Sáu truyền lại công thức làm thịt chua Đu Đủ và hỗ trợ gia đình tôi, đến nay gia đình tôi đã có hướng đi mới để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết: Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tân Phú còn chiếm gần 8,72%. Trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của xã còn hết sức khó khăn thì, những mô hình phát triển kinh tế của gia đình bà Sáu là những điển hình cần được phát huy, nhân rộng trên địa bàn.
Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo" có gia đình bà Sáu là một điển hình trong sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Không những thế, bà Sáu còn là người đi đầu trong công tác vận động tuyên truyền gia đình và nhân dân trong khu luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Gia đình bà thực hiện tốt quy ước của thôn, tích cực tham gia các hoạt động của khu dân cư, xây dựng khu dân cư văn hóa. Bà Sáu sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế đối với bà con nhân dân trong xã. Bà thực sự là một tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế vượt qua khó khăn, xứng đáng cho nhiều người trong xã, trong huyện học tập và làm theo.